Người đẹp Việt, liệu bao giờ mới “làm nên chuyện”?

Có lẽ chưa năm nào Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch) lại phải cấp phép nhiều “cú ăn ba” như vậy cho nhan sắc Việt “đem chuông đi gióng xứ người”.

Cú “ăn ba” tháng 9, cho phép thí sinh Nguyễn Thị Bảo Như (Á hậu 1 cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam 2016) tham dự cuộc thi “Hoa hậu Liên lục địa 2016 - Miss Intercontinental 2016” tại Sri Lanka,  thí sinh Nguyễn Thị Lệ Nam Em tham dự cuộc thi “Hoa hậu Trái đất 2016 - Miss Earth 2016” và thí sinh Đặng Phạm Phương Chi (đạt giải Nhất tại cuộc thi Nữ hoàng Trang sức Việt Nam lần VII - 2015) tham dự cuộc thi “Nữ hoàng Du lịch quốc tế 2016 - Miss Tourism Queen International 2016”.

Và “cú ăn ba” tháng 10, cho phép Phạm Ngọc Phương Linh (Á khôi Áo dài Việt Nam) tham dự cuộc thi “Hoa hậu Quốc tế 2016”, Nguyễn Thị Loan (Á hậu 2 tại cuộc thi “Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam 2013) tham dự cuộc thi “Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2016 - Miss Grand International 2016” và thí sinh Nguyễn Thị Ngọc Duyên (đạt giải Ba tại cuộc thi “Siêu mẫu Việt Nam 2015”) dự thi “Nữ hoàng Sắc đẹp Toàn cầu 2016 - Miss Global Beauty Queen 2016”.

Clip giới thiệu bản thân của Bảo Như khiến chính người Việt khi nghe gặp khó khăn để hiểu nội dung cô muốn giới thiệu.

Tất cả các thí sinh lên đường đều được chuẩn bị “chu đáo” theo cách gọi của các đơn vị đưa thí sinh đi dự thi, đặc biệt là chuẩn bị chu đáo về trang phục dự thi, trong đó không thể  thiếu bộ áo dài truyền thống Việt Nam, với những “sáng tạo” không giới hạn của các nhà thiết kế (NTK), đều là NTK nổi tiếng của Việt Nam cả. Cùng với đó là đội ngũ làm truyền thông, quảng bá cho hình ảnh thí sinh trước và trong cuộc thi; rồi kêu gọi bình chọn để thí sinh có thể giành ngôi vị cao trên trang web chính thức của cuộc thi.

Và tất nhiên, tất cả các thí sinh tham gia cuộc thi đều được đưa những thông tin nức lòng về cho công chúng Việt Nam, khiến ai cũng hào hứng và hồi hộp rằng liệu đây có phải là một bước tiến mới của nhan sắc Việt trên trường quốc tế; liệu có phải chính thí sinh này sẽ “làm nên chuyện”. Đơn cử như năm nay, vừa vào cuộc thí sinh Nguyễn Thị Loan đã được quảng bá là: “gây ấn tượng với thông điệp hòa bình tại Miss Grand International 2016” và “ tự tin nói tiếng Anh trước 80 thí sinh Miss Grand International”. Nhưng rồi, theo thời gian thi, càng gần tới đêm chung kết, những thông tin “lạc quan” càng mỏng dần và cuối cùng là sự “trắng tay” của thí sinh khi rời các cuộc thi quốc tế.

Vòng quay đã liên tục lặp lại trong những năm qua như vậy; để đến lần ra đi rầm rộ này của các thí sinh Hoa hậu, khán giả Việt lại một lần phân vân rằng liệu chúng ta có vượt qua được cái “dớp” trắng tay này?

Kể ra cũng khó, bởi không chỉ là chuyện “mẹ hát con khen hay”, mà bản thân các thí sinh Việt Nam dự thi quốc tế, đều thiếu mặt này, kém mặt kia; chưa có thí sinh nào thật sự nổi trội để có thể trở nên “rực sáng” ở các cuộc thi cả.

Hạn chế đầu tiên của thí sinh Việt Nam chính là ngoại ngữ. Trong số 6 thí sinh dự thi lần này; có 2 thí sinh thì sau clip giới thiệu bản thân bằng tiếng Anh trên fanpage của cuộc thi, đều khiến khán giả Việt Nam “rụng rời” thất vọng. Đó là  thí sinh Nguyễn Thị Lệ Nam Em với màn tự giới thiệu bằng tiếng Anh tại Miss Earth bị chê phát âm chưa chuẩn, chưa lưu loát, ít biểu cảm, nói như... đang đọc. Còn thí sinh Nguyễn Thị Bảo Như thì bị chê là “cách nói chuyện thiếu tự tin và phát âm tiếng Anh còn vô số lỗi sai”… 

Để hội nhập, tiếng Anh là một yếu tố vô cùng quan trọng. Với một cuộc thi, dù là thi nhan sắc, thì tiếng Anh cũng giữ vai trò chủ đạo trong việc giúp thí sinh giao tiếp, thể hiện bản thân mình. Vì vậy, với trình độ tiếng Anh phần lớn còn nhiều hạn chế của các thí sinh Hoa hậu Việt Nam hiện nay; quả thật đây là một rào cản rất lớn để có thể có ngôi vị cao trong các cuộc thi; khi mà BTC, ngoài việc chấm về hình thể, trang phục, luôn rất chú trọng đến phần giao tiếp, thể hiện của thí sinh trong các hoạt động của cuộc thi, trong sinh hoạt với cộng đồng thí sinh. 

Bên cạnh đó, trang phục cũng là một điều khiến thí sinh Việt Nam đôi khi mất điểm. Đã đến lúc những bộ trang phục dân tộc cầu kỳ theo kiểu rồng phượng, trống đồng chim công… không còn sức hấp dẫn vì cái lạ, bắt mắt trong các cuộc thi nữa. Chưa kể sự đồ sộ của các bộ trang phục đôi khi làm thí sinh vất vả, lúng túng khi trình diễn, gây lỗi đáng tiếc. Thế nhưng, trong hành trang của các thí sinh Việt Nam, vẫn luôn có 1 bộ trang phục như vậy, của một NTK nổi tiếng nào đó, được quảng bá có giá lên tới vài trăm triệu, thậm chí tiền tỉ. Sự lặp lại, thiếu mới mẻ, nhàm chán, cũng là một yếu tố khiến các người đẹp của Việt Nam mất điểm vì như chia sẻ của một chuyên gia văn hóa “trông thí sinh nào cũng na ná thí sinh nào trong phần thi trang phục truyền thống và các thí sinh đều kỳ vọng đây là phần thi “lấy điểm” của mình, mà quên đi yếu tố hội nhập trong các trang phục khác như dạ hội, hay trang phục hằng ngày tại cuộc thi”.

Việc “quá thổi phồng” về thí sinh trong suốt cuộc thi cũng là điều khiến thí sinh Việt Nam mất điểm. Nhiều thí sinh thật sự sẽ không biết vị trí của mình ở đâu trong cuộc thi để mà cố gắng, cứ bấu víu vào những lượt bình chọn trên web của cuộc thi, vào việc được tung hô để giữ ảo tưởng về mình; mà không nghĩ nhiều tới việc trau dồi kiến thức, tài năng, xây dựng hình ảnh để mình có thể tỏa sáng.

Một lý do nữa, sự quyết tâm của các thí sinh khi dự thi không lớn. Mang sẵn tâm lý được đi thi đã là một bước tiến, nên thí sinh Việt Nam cũng thường rất khó có ngôi vị cao.
PV
Người đẹp Hoa hậu Quý bà Thế giới hội ngộ
Người đẹp Hoa hậu Quý bà Thế giới hội ngộ

Á hậu Quý bà Thế giới Diệu Hoa, Á hậu Quý bà Thế giới Hoàng Thị Yến và Á hậu Quý bà Thế giới Thu Hương, diễn viên Thanh Mai; có mặt tại sự kiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN