Người dân nô nức đi chợ Chuộng để "ném rủi" - "cầu may"

Sáng mồng 6 tháng Giêng âm lịch, nhân dân trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa lại nô nức kéo nhau đến chợ Chuộng (làng Giang, xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn) để được "ném nhau".

Trong phiên chợ này, ai cũng mong mình được ném nhiều nhất và cũng bị ném nhiều nhất để được là người gặp nhiều may mắn trong cả năm.


Theo các vị cao niên trong làng, phiên chợ Chuộng độc đáo này đã có hàng trăm năm và chỉ tổ chức mỗi năm đúng một lần vào ngày mùng 6 Tết Nguyên đán tại xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Hàng nghìn người dân từ khắp mọi nơi đã về đây để được tham gia phiên chợ độc đáo này, đúng như câu nói "Chết bỏ con, bỏ cháu. Sống không bỏ mùng 6 chợ Chuộng".

Phiên chợ Chuộng thu hút đông đảo người dân đến tham dự. Ảnh: Internet.


Phiên chợ này bắt nguồn từ khi giặc đến xâm lược bờ cõi nước ta, một vị tướng dẫn quân đi đánh giặc, khi ngang qua vùng này đúng mùng 6 Tết nguyên đán, bị địch phát hiện và vây bắt. Vị tướng bèn huy động người dân trong vùng tổ chức họp chợ nhằm che mắt giặc. Người dân đã cất giấu vũ khí trong hàng hóa ở chợ. Giặc nghĩ đây là một phiên chợ bình thường nên mất cảnh giác, khi vị tướng phát lệnh, người dân đã dùng vũ khí giấu sẵn cùng các đồ vật khác như gạch, đá... để ném, đánh vào quân giặc khiến chúng không kịp trở tay. Từ đó, hàng năm, cứ đến mùng 6 Tết, người dân trong vùng lại về đây họp chợ.


Từ sáng sớm, người dân các xã Đông Hoàng, Đông Ninh, Đông Khê (huyện Đông Sơn), xã Dân Quyền, Dân Lý (Triệu Sơn) và du khách thập phương đã đổ về chợ Chuộng. Vào chợ, ai cũng mua cho mình một túi cà chua chín, táo hoặc trứng gà, trứng vịt. Đây chính là "dụng cụ" để ném nhau phổ biến ở chợ Chuộng.


Với quan niệm đi chợ để “nhận may, ném rủi”, mọi người ai đến chợ cũng mong muốn rũ bỏ hết những điều không may trong năm cũ và đón may mắn về nhà trong năm mới. Đây cũng là phiên chợ để mọi người gặp nhau, du Xuân, trai gái tìm hiểu nhau, kết bạn... Vì là phiên duy nhất trong năm, người dân trong vùng đã mang đến chợ những mặt hàng nông sản tốt nhất của gia đình mình như: rau, củ, quả, lá, các con giống như gà, vịt, ngan... cùng các món ăn dân dã truyền thống như bánh cuốn, bánh đa gấc, bỏng ngô, kẹo mật… với mong muốn bán được giá hời cho một năm làm ăn thuận lợi.



Phiên chợ năm nay diễn ra khá sôi nổi nhưng vẫn đảm bảo được an ninh và không xảy ra tình trạng thanh niên lợi dụng phiên chợ để đánh nhau... Để đảm bảo an ninh trật tự, chính quyền xã Đông Hoàng đã tuyên truyền bằng hệ thống loa phát thanh và đến từng hộ gia đình để vận động người dân, nhất là những gia đình có thanh niên trai trẻ về việc phải ý thức giữ gìn phong tục tập quán của phiên chợ, không lợi dụng ý nghĩa của tục ném nhau để gây lộn, tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra như các năm về trước. Lực lượng công an xã Đông Hoàng cũng đã phối hợp với công an các xã Dân Quyền, Dân Lý (huyện Triệu Sơn) để bảo vệ hai bên bờ sông Hoàng. Công an huyện Đông Sơn đã tăng cường lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cho phiên chợ, ngăn chặn tình trạng quá khích đánh lộn lẫn gây thương tích của các thanh niên.



Trịnh Duy Hưng
Khai mạc Lễ hội chùa Bái Đính năm 2016
Khai mạc Lễ hội chùa Bái Đính năm 2016

Sáng nay, chùa Bái Đính (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) đã khai hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN