"Ngôi nhà chung" của nghệ nhân làng nghề Thủ đô

Với tiềm năng và triển vọng phát triển các làng nghề, phố nghề của Thủ đô thì việc hợp nhất Hội Nghệ nhân ngành thủ công mỹ nghệ thành phố Hà Nội và Hội nghệ nhân, thợ giỏi thành phố Hà Nội thành Hội nghệ nhân, thợ giỏi thành phố Hà Nội sẽ tạo ngôi nhà chung, nơi hội tụ những bàn tay tài hoa, những trái tim tâm huyết phát triển một Thủ đô - đất trăm nghề.

 

Đoàn kết - sáng tạo - duy trì - phát triển

 

Nghệ nhân Vũ Mạnh Hải, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn Thành phố Hà Nội, Trưởng ban Tổ chức Đại hội Hội Nghệ nhân, thợ giỏi thành phố Hà Nội lần thứ I cho biết, với tiêu chí Đoàn kết - sáng tạo - duy trì - phát triển, Hội Nghệ nhân, thợ giỏi thành phố Hà Nội sẽ là nơi hội tụ và tỏa sáng những tinh hoa của các làng nghề truyền thống của Thủ đô. Đồng thời là chỗ dựa tin cậy của hội viên, là cánh tay nối dài tham mưu cho các cấp, các ngành thúc đẩy sự phát triển không ngừng trong lĩnh vực ngành nghề và làng nghề truyền thống Thủ đô.

Sản phẩm của làng nghề Bát Tràng. Ảnh Quỳnh Như.

Hà Nội hiện có hơn 1.350 làng có nghề với hàng ngàn thợ giỏi, trong đó Thành phố công nhận 277 làng nghề truyền thống Hà Nội, 135 nghệ nhân. Có hơn 1 triệu lao động tham gia sản xuất tại các làng nghề (chiếm hơn 64% tổng số lao động trong làng và chiếm hơn 42% tổng số lao động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp toàn Thành phố) với thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 24 triệu đồng/năm. Các làng nghề đã đóng góp khoảng 9% GDP toàn thành phố.

 

Tuy nhiên, hầu hết các làng nghề truyền thống Hà Nội hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập: Phát triển theo hướng tự phát, quy mô sản xuất nhỏ lẻ dưới dạng hộ gia đình, chưa được đầu tư nhiều về công nghệ, dẫn đến năng suất, chất lượng thẩm mỹ sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh thấp. Cùng với đó, làng nghề còn gặp khó khăn và bị động trong nguồn cung nguyên liệu và thị trường tiêu thụ, thiếu trung tâm trưng bày và giới thiệu sản phẩm, chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng, mặt bằng sản xuất chật hẹp xen lẫn với không gian sinh hoạt dẫn đến môi trường làng nghề có nguy cơ ô nhiễm cao và chất lượng an toàn lao động chưa đảm bảo. Bên cạnh đó, hội viên của các ngành nghề, làng nghề, phố nghề gặp rất nhiều khó khăn về vốn đầu tư cho sản xuất, chưa tiếp cận được nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng. Hội viên còn thiếu kinh nghiệm trong quản lý, tổ chức sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là thiếu thông tin, kinh nghiệm về nghiên cứu thị hiếu, cải tiến mẫu mã sản phẩm để đáp ứng được đa dạng thị trường trong nước và quốc tế.

 

Mở lối trước khó khăn

 

Cũng theo ông Vũ Mạnh Hải, mục đích lớn nhất của Hội nghệ nhân, thợ giỏi Hà Nội là bảo tồn các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của làng xã; phát triển nghề và làng nghề một cách bền vững gắn với du lịch, văn hóa, lễ hội... Vì vậy, chủ trương của Hội là phát huy tay nghề, tâm huyết của những nghệ nhân, thợ giỏi trong việc tổ chức các chương trình truyền, dạy nghề, đặc biệt là “gieo cấy” nghề cho các địa phương còn thiếu nghề, chưa có nghề. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương thành phố Hà Nội, các sở, ban, ngành có liên quan và các Hội bạn để triển khai những hoạt động hỗ trợ hội viên như tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình kỹ thuật, mỹ thuật, sáng tạo mẫu, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng lực quản lý, tổ chức, sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo tồn và phát triển ngành nghề, làng nghề, phố nghề truyền thống. Đặc biệt, sẽ tổ chức các cuộc triển lãm trong nước và quốc tế để giới thiệu sản phẩm của ngành nghề, làng nghề, phố nghề truyền thống; tổ chức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp với các tỉnh bạn và quốc tế cũng như đẩy mạnh nghiên cứu, khảo sát, tìm kiếm thị trường.

 

Hiện nay Hà Nội đang bắt tay vào xây dựng Quy hoạch làng nghề hướng đến sự phát triển bền vững. Theo đó, quy hoạch sẽ ưu tiên phát triển các nghề, làng nghề có giá trị truyền thống văn hóa, khuyến khích, hỗ trợ các nghề, làng nghề phát triển theo hướng sản xuất các sản phẩm phụ trợ; không khuyến khích hỗ trợ phát triển các làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Cụ thể, các nghề thủ công mỹ nghệ như sơn mài, khảm trai, điêu khắc, dát vàng, làm giấy... sẽ phải bảo tồn, khôi phục, phát triển và xây dựng làng nghề gắn với du lịch. Các nghề chế biến lâm sản như nghề mộc, chế biến gỗ, mây tre giang đan… sẽ tập trung xây dựng thương hiệu, xây dựng chiến lược phát triển, có kho bãi tập trung để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đối với nghề dệt lụa, sẽ bảo tồn các giá trị truyền thống của làng nghề, khôi phục các mẫu hoa văn và kỹ thuật làm lụa cổ; cải tiến, liên doanh liên kết để phát triển và gắn với các tour du lịch… Mục tiêu đặt ra đến năm 2015 đạt 21.200 tỷ đồng giá trị sản xuất nghề, làng nghề; năm 2020 đạt 54.000 tỷ đồng và năm 2030 đạt 313.300 tỷ đồng…

Thành phố sẽ tập trung xây dựng thương hiệu cho một số nghề, trong đó có nghề mây tre đan. Ảnh: Quỳnh Như.

Với tiêu chí, mục đích rõ ràng, chiến lược phát triển và những giải pháp, bước đi cụ thể cùng với sự quan tâm của Thành phố, Hội Nghệ nhân thợ giỏi thành phố Hà Nội sẽ trở thành Ngôi nhà chung cho các nghệ nhân làng nghề Thủ đô, để các hội viên cùng nhau sát cánh làm cho nền thủ công mỹ nghệ của Thủ đô được củng cố, phát triển, góp phần vào truyền thống văn hóa, làm rạng rỡ Thủ đô ngàn năm văn hiến - mảnh đất trăm nghề.

 

 

Thanh Bình

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN