Ngô Vương Quyền - tính chính danh của nhà nước có chủ quyền

Sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938, Ngô Quyền đã xưng Vương, chọn Cổ Loa làm kinh đô, chấm dứt hơn 1.000 năm Bắc thuộc, mở ra một kỷ nguyên mới độc lập, tự chủ cho nước Đại Việt. Tuy nhiên, ở Cổ Loa, Đông Anh hiện nay lại chưa có công trình tưởng niệm nào ghi nhớ đến công ơn của vị vua này.

 

Đền thờ Ngô Quyền trong quần thể di tích Đền - Lăng Ngô Quyền tại xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội. Ảnh: VTC

 

Những vấn đề này đã được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử đề cập đến tại hội thảo khoa học “Ngô Vương Quyền với Cổ Loa” ngày 2/7 tại huyện Đông Anh, Hà Nội.

 

Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 gắn liền với tên tuổi của Ngô Quyền, vị vua đặt nền móng độc lập, tự chủ cho nước Đại Việt. Vị vua ấy đã chọn Cổ Loa làm kinh đô mở đầu cho kỷ nguyên mới của Đại Việt. Theo TS Nguyễn Viết Chức, Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long, thì việc xưng “Vương” chứ không chịu làm “Tiết độ sứ quận Giao Chỉ”, một chức quan mà triều đình phương Bắc phong cho người đứng đầu nước ta là một hành động quả cảm và cương quyết. Đó không đơn giản chỉ là một chức vị, mà là tính chính danh của một nhà nước có chủ quyền. Các sử gia và nhiều vị quan thời phong kiến đã đánh giá cao công trạng của Ngô Quyền đối với sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Vì thế, mà trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, các sử gia đã nhận định và tôn vinh Ngô Quyền là “vua mưu tài đánh giỏi, làm nên công tái tạo, đứng đầu các vua”.


PGS.TS Chương Thâu, Viện Sử học Việt Nam cho biết, nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu đã tôn xưng Ngô Quyền là Tổ trung hưng nước ta. PGS.TS Chương Thâu dẫn chứng, trong chương mở đầu cuốn “Việt Nam Quốc sử khảo”, nhà yêu nước Phan Bội Châu đã dành riêng một phần tôn vinh Ngô Quyền là Tổ trung hưng nước ta. Sách viết, khi nước ta bị các đời phong kiến phương Bắc thống trị, từ thời Triệu Đà, đến nhà Hán, nhà Tần, nhà Tùy, Đường... chia thành quận huyện ngót một nghìn năm, thì “Bỗng có người biết xắn tay áo vùng dậy, mạnh mẽ chấn chỉnh cơ đồ, đứng lên giành lại quốc quyền, thì chính gọi là vị Tổ trung hưng nước ta đó. Vị Tổ ấy là Ngô Vương Quyền... là người mà giặc ngoài tấn vào, đã đuổi đi được, quyền thống nhất của nước bị đứt mà biết nối lại được, thì không ai hơn được Ngô Vương Quyền!”. Cũng theo PGS.TS Chương Thâu, “việc xưng Vương của Ngô Quyền có ý nghĩa trọng đại trong lịch sử dân tộc, bởi nó khẳng định quốc gia mình đang cai quản là một vương quốc độc lập tự chủ, đó là những hành động nêu cao chủ quyền quốc gia, lòng tự tôn dân tộc”.


GS sử học Lê Văn Lan cũng khẳng định, việc Ngô Quyền đánh đuổi quân Nam Hán, giành lại độc lập chủ quyền của dân tộc đã mở ra kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc, nối lại truyền thống, mạch phát triển của dân tộc, của đất nước đã bị gián đoạn trong suốt thời kỳ Bắc thuộc. Theo GS Lê Văn Lan, việc Ngô Vương Quyền chọn Cổ Loa làm nơi dựng triều nghi và đặt nền móng cho lịch sử dân tộc đã chứng tỏ “cặp mắt xanh” của ông, bởi ngay từ khi mới xuất lộ, hình thành, tồn tại và phát triển ở thế kỷ III trước Công nguyên, Cổ Loa vốn đã có những giá trị là một tòa quân thành. Từ giá trị kiến trúc, cho đến quy hoạch, thiết kế và các công năng của tòa thành đều khẳng định sự độc đáo của khoa học và nghệ thuật quân sự, bởi thành Cổ Loa là địa điểm có khả năng ứng phó rất hiệu quả với sự xâm lăng của bành trướng phong kiến phương Bắc. Việc Ngô Quyền dùng lại tòa thành này với hy vọng và tính toán, nếu sau này còn có các cuộc xâm lược của phương Bắc, thì thành Cổ Loa sẽ là vị trí chiến lược để dồn sức vào đó, đánh thắng và giữ gìn sự an toàn của đất nước. Quả nhiên, các thời từ Ngô, Đinh, Lê Lý, Trần, hậu Lê, Nguyễn sau này đều cho thấy, sự chọn lựa của Ngô Quyền ở Cổ Loa với tư cách là một tòa quân thành từ thời An Dương Vương là chính xác, hiệu quả.


Hai lần được chọn làm kinh đô (vua Thục An Dương Vương và Ngô Vương Quyền), nhưng tại sao ở Cổ Loa và cả Đông Anh lại không có di tích thờ Ngô Quyền. Các du khách khi đến Cổ Loa cũng chỉ nhớ đến vua Thục với những câu chuyện về thành ốc, nỏ thần, tình sử Mỵ Châu - Trọng Thủy... mà hầu như không có ai nhắc đến Ngô Quyền. Ngay cả một công trình tưởng niệm, một nơi thờ tự để ghi nhớ công lao của người mở ra kỷ nguyên độc lập cũng chưa có. Tại cuộc hội thảo, rất nhiều ý kiến các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử đều cho rằng, chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan nên đánh giá và có những đề xuất đề nghị các cơ quan chức năng nên sớm có một quy hoạch tôn tạo di tích đặc biệt về cố đô Cổ Loa và Tổ trung hưng Ngô Quyền, sớm có một công trình lưu niệm ghi dấu, tôn vinh và tôn thờ Ngô Vương Quyền sao cho xứng đáng với công lao to lớn của người anh hùng dân tộc này, mà trước tiên là ở ngay Cổ Loa.


Phương Lan

Gặp gỡ “vua chúa” ở Trường quay Cổ Loa
Gặp gỡ “vua chúa” ở Trường quay Cổ Loa

Đến Trường quay Cổ Loa, phim trường lớn nhất Việt Nam hiện nay, nơi đã từng quay nhiều bộ phim lịch sử đánh dấu sự phát triển của điện ảnh Việt Nam như “Huyền sử Thiên đô”, “Thái sư Trần Thủ Độ”, “Thiên mệnh anh hùng”… ...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN