Ngõ Tịch Dương, người biết có tịch dương?

Nhà báo Nguyễn Đức Giáp.

Câu truyện dài 174 trang về ngõ Tịch Dương của người mới vào nghề viết văn Nguyễn Đức Giáp khiến cho các thế hệ làm Thông tấn xã Việt Nam thêm ngỡ ngàng, giật mình suy ngẫm. Ở nước Việt Nam này chẳng có ai viết văn vào cái tuổi cổ lai hy. Lại cho ra đời liên tục tiểu thuyết và truyện dài vào các năm 2013 và 2014 như ông.

 

Đọc đi, đọc lại càng cảm nhận rõ ràng hơn chất thông tấn trong các tác phẩm văn chương của Nguyễn Đức Giáp. Những sự kiện, những cuộc đời, các miền quê nơi ông sinh sống, làm nghề đã không chỉ tồn tại ở các bài viết, bản tin thông tấn. Nó đã đọng lại trong con người ông, khiến ông không nguôi suy nghĩ, tìm hiểu, liên kết, chiêm nghiệm để rồi vào lúc được sống cuộc sống thanh nhàn của chính mình, ông làm cuộc đánh giá cuối cùng về cuộc đời bằng những ấn phẩm ngoài thông tấn.


‘‘Hương quê’’ ra đời vào thời điểm lòng người xáo trộn vì kế sinh nhai, làm mờ đi, xa hơn những miền quê mộc mạc thấm đẫm nghĩa tình. Hương quê bỗng thức tỉnh, lôi kéo ta trở lại những khắc khoải lớn nhất cuộc đời. Vinh, Nghệ An của Nguyễn Đức Giáp bể dâu cùng với một thế hệ học trò tan đàn xẻ nghé ly hương. Người thì gắn chặt cuộc đời mình theo dòng chảy chống Mỹ cứu nước; người thì theo Chúa vào Nam, người thì phiêu bạt cùng sinh kế. Chất thông tấn đã giúp Nguyễn Đức Giáp tìm đến sự chân thực của những dòng đời riêng biệt đó. Mẫu hình ông Thúy gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nó không chỉ gắn liền với sự nhìn xa trông rộng của Đảng về đào tạo đội ngũ trí thức bài bản, nghiên cứu nền kinh tế chính quyền ngụy tại Trung ương cục miền Nam, đô thành Sài Gòn, chuẩn bị cho ngày tiếp quản ngay khi cuộc chiến tranh đang khốc liệt, sự quyết liệt nỗ lực trong xây dựng sau hòa bình mà còn có cả sự thực phũ phàng bị né tránh, vờ quên.

 

 

Những số phận trượt dài trên con đường trốn chạy cuộc chiến, những toan tính trớ trêu trên con đường quan lộ, những thủ trưởng đạo mạo thích tươi mát hoặc ‘‘già dê’’ đổi chức vụ, lương bổng của cơ quan lấy ái tình tự nguyện hay cưỡng bức khác hẳn cuộc tình một đêm bất ngờ và mối lương duyên suốt đời trông ngóng trong thời chiến. Người đi qua những thăng trầm lịch sử của đất nước, dân tộc, hoàn tất nghĩa vụ công dân, người an bài cùng số phận, người thậm chí không giữ nổi sinh mạng, đều vẫn nuôi dưỡng, giữ gìn một khát vọng cháy bỏng cuối cùng - khát vọng đoàn viên theo lời ước nguyện lúc chia xa trên mảnh đất quê nghèo còn bao điều chưa được biết đến. Khát vọng đó đã làm nên một hương quê sâu đậm có thật dù phiêu bạt gió sương.


Nếu như Hương quê gói ghém con người xứ Nghệ, thì Ngõ Tịch Dương lại bàn về 3 thế hệ người Hà Thành. Ngõ Tịch Dương của người Tràng An thanh lịch, của những người tứ xứ ngụ cư, của thời bao cấp, của thời mở cửa. Cuộc đời của cô giáo Liên xâu chuỗi tất cả các mối quan hệ trải dài từ những ngày dạy học vất vả mà êm đềm nơi miền núi, đến tháng năm gập ghềnh bươn chải nơi cô sinh thành.

 

 

Những con người thuộc thế hệ mẹ Liên, ông Châu, ông bà Hà giữ nguyên gốc Hà Nội, thu mình trong những căn nhà thanh tịnh, thậm chí bị dồn nén không biết chống đỡ thế nào với áp lực thời mở cửa. Thế hệ của Liên với những ngả đường đan chéo khác nhau. Người thì không vượt qua được ám ảnh chiến tranh, mang trong mình mầm hậu họa chất độc da cam, phải từ chối tình yêu nương vào cửa Phật. Người thản nhiên chấp nhận đối mặt với sự đổi thay dòng đời. Người chiến thắng trong chiến trường, trong tình trường, nhưng lại thất bại trong thương trường, người thì sa ngã tù đầy… tất cả làm nên một ngõ Tịch Dương sống động với những yêu ghét, đúng sai tan hợp hòa quyện.


Trong dòng chảy đó, cô giáo Liên mất người yêu ở cái tuổi tươi trẻ nhất. Rồi cô có một người chồng đáng kính, đáng tin khi đã từng trải hơn. Nhưng cuộc sống gia đình tưởng như yên ấm vững bền của cô bỗng chao đảo bởi người chồng rơi vào tình cảnh bệnh tật. Liên còn bàng hoàng hơn khi nhận ra người chồng rất mực yêu thương mình còn vì cô mà kiếm tìm, giúp đỡ một người có thể đã trở thành người yêu của Liên nếu anh không bị phiêu bạt oan trái tù đày. Dường như ông đã tận dụng việc đi xa trị bệnh của mình như một cơ hội cho Liên tìm về những tình cảm sâu thẳm giấu kín trong lòng.


Nguyễn Đức Giáp đã viết về một thế hệ chấp nhận hy sinh ‘‘cả cuộc đời anh quen với chịu đựng, và đau thương’’, nhưng lại có cách nhìn thấu đáo về hạnh phúc. Liệu con người có mâu thuẫn không khi một mặt càng nâng niu, trân trọng tình yêu, vừa giành giật và gìn giữ tình yêu gấp bội sau chiến tranh lại vẫn đủ bao dung khi mong muốn bạn đời không vì bổn phận của mình mà ‘‘quên cả trong tim bóng một người’’?


Dễ dàng nhận thấy các số phận trong hai tác phẩm của Nguyễn Đức Giáp, chẳng ai được toàn vẹn, suôn sẻ. Đây là đời thường, hay là hậu quả tất yếu trong bối cảnh một đất nước xảy ra nhiều cuộc chiến tranh dài, đến mức một nhân vật nước ngoài trong tác phẩm của ông cho rằng người Việt thích đánh nhau? Nhưng ngay trong sự không trọn vẹn ấy con người vẫn biết bao dung, nhân ái, vẫn hướng thiện và không ngừng bàn về hạnh phúc trong mỗi gia đình, trong từng thế hệ. Chắc Nguyễn Đức Giáp không làm thông tấn khi viết văn. Bởi hai quyển sách mỏng này của ông đã lướt qua tất cả thời khắc khốc liệt nhất của cuộc cách mạng.

 

Trong đó có cuộc đấu tố, lăng nhục, phong tỏa và cô lập trong cải cách ruộng đất đã làm cho thôn quê Việt Nam bị phân chia thành hai phe đối lập với biết bao nạn nhân oan nghiệt. Là những năm tháng khốn quẫn vì chính sách giáo điều, khiến cho nhà nhà vất vả mới có được quả chuối bẻ đôi cho hai đứa con. Đó là tên lưu manh khoác áo cán bộ. Đó là việc đói nghèo không thay đổi lòng dạ, uy vũ không khuất phục thế mà dễ, còn giàu sang không sa đọa lại khó hơn nhiều. Thậm chí một thương gia Nhật còn nói ‘‘sau chiến tranh, nước Nhật và Việt Nam có một điểm giống nhau cơ bản là bị tàn phá nặng nề. Nhưng có một điểm khác nhau cũng cơ bản. Nước Nhật là nước chiến bại. Việt Nam là nước chiến thắng. Còn 20 năm sau, ngài hãy thử so sánh tình hình phát triển của mỗi nước ?’’. Không ít người có học nói về cái hèn, cái nhục của sự nghèo. Chẳng thể biết đây là chuyện văn chương hay là chuyện đời thường làm Nguyễn Đức Giáp đau nhói.


Dẫu biết Nguyễn Đức Giáp là ông đồ gàn rất mực thông minh của xứ Nghệ, coi hiểu biết là sự ham muốn lớn nhất đời mình, có thể học tiếng Nhật ngay khi còn "ở cứ" và mới đổi thẻ tại thư viện của Sứ quán Nhật vào năm 2013. Lại là chàng lãng tử với chiếc đàn ghi ta luôn bên mình, thậm chí món hàng duy nhất khi ông sang Nhật với cương vị Phó tổng giám đốc TTXVN cũng mang về là một cây đàn ghi ta chính hiệu. Còn chiến lợi phẩm của chàng phóng viên TTX vào chiến trường lứa đầu cho đến khi tham gia vào đoàn tiếp quản Sài gòn là chiếc bật lửa có dòng chữ ‘‘Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thân tặng’’ và tập từ điển Hán - Việt bằng giấy pơ luya lần đầu trong đời nhìn thấy.


Giờ thì người ta không còn thấy một ông già trầm mặc mũ phớt trên đầu thả bộ trên các vỉa hè phố nhỏ quanh Hồ Gươm nữa. Ông khiến cho người ta nhớ đến bài thơ về nắng chiều nổi tiếng của Phan Khôi gần 60 năm trước. Đó là khúc tứ tuyệt ‘‘Nắng chiều đẹp có đẹp/Tiếc tài gần chạng vạng/Mặc dù gần chạng vạng/Nắng được nắng cứ nắng ’’. Nguyễn Đức Giáp đã cứ nắng trong chạng vạng chiều cuộc đời mình. Ngõ Tịch Dương, người biết có Tịch Dương?

 

Nguyên Bình

Kỷ niệm nhỏ về một người anh lớn
Kỷ niệm nhỏ về một người anh lớn

Nhà báo Nguyễn Đức Giáp, là một nhà báo tài năng và tâm huyết với nghề, một tấm gương sáng về ý chí tự lập, tự rèn, tự học mà thành tài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN