Nghệ thuật cồng chiêng người Mường ở Hà Nội - Bài 3

Vân Hòa là một trong bảy xã miền núi của huyện Ba Vì. Xã có 3 dân tộc Kinh, Mường, Dao cùng sinh sống. Trong đó, người Mường là chủ yếu. Cũng như đồng bào Mường ở các nơi khác, bà con dân tộc Mường ở xã Vân Hòa vẫn giữ được một số tập tục văn hóa truyền thống

GẦN GŨI HƠN VỚI VĂN HÓA NGUỒN CỘI

Nằm cách trung tâm Hà Nội hơn 50 cây số về phía Tây, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, là một vùng đất bình yên, thơ mộng với nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng như Khoang Xanh, suối Tiên, Thiên Sơn, suối Ngà... Hòa cùng mênh mông đất trời, tiếng chiêng trầm bổng cùng điệu múa cổ của người Mường càng làm cho cảnh sắc nơi đây trở nên kỳ diệu.

Cồng chiêng về từng thôn

Vân Hòa là một trong bảy xã miền núi của huyện Ba Vì. Xã có 3 dân tộc Kinh, Mường, Dao cùng sinh sống. Trong đó, người Mường là chủ yếu. Cũng như đồng bào Mường ở các nơi khác, bà con dân tộc Mường ở xã Vân Hòa vẫn giữ được một số tập tục văn hóa truyền thống, nhưng trải qua quá trình phát triển, hội nhập, nhiều nét văn hóa đáng quý ấy vẫn không tránh khỏi bị mai một.

Theo chính sách khôi phục, bảo tồn của huyện, từ năm 2015 xã Vân Hòa đã bắt đầu thành lập câu lạc bộ cồng chiêng ở từng thôn và chỉ sau một thời gian ngắn, xã đã có 8/10 thôn xây dựng được đội cồng chiêng, thường xuyên luyện tập và đi giao lưu, biểu diễn tại các địa phương khác.

Chiêng Mường là một đại diện tiêu biểu cho văn hóa tộc người.

Đội cồng chiêng thôn Bặn là đội cồng chiêng “trẻ tuổi” nhất xã Vân Hòa. Đội mới được thành lập từ đầu năm 2016, do Hội Phụ nữ thôn trực tiếp quản lý. Chỉ sau 2 tháng xây dựng, số thành viên trong đội đã lên đến 20 người. Các thành viên trong đội hoàn toàn là phụ nữ, tuổi từ 35 - 68, họ là những người nông dân thật thà, chân chất, đam mê văn nghệ và đặc biệt có tình cảm với tiếng chiêng Mường vốn quen thuộc từ thủa lọt lòng. Họ tự giác thu xếp công việc, tập trung học đánh chiêng và như trẻ lại sau mỗi lần biểu diễn.

Ông Lê Tất Cận, Trưởng thôn Bặn tự hào cho biết, thôn Bặn có đến 2/3 dân số là người Mường và bà con rất tự hào về nơi mình sinh ra cũng như các sản phẩm văn hóa văn nghệ của dân tộc mình. Đội cồng chiêng ra đời là thành quả vận động của Chi bộ và Hội Phụ nữ thôn. Tuy thành lập chưa lâu nhưng bước đầu Đội đã góp phần xây dựng một hình ảnh rất đẹp về văn hóa Mường.

Bán cây nhà mua chiêng cho bản

Không như nhiều thôn khác ở Ba Vì hay Thạch Thất, Đội cồng chiêng thôn Bặn hoạt động nhờ kinh phí tự túc. Dàn chiêng mà các thành viên nâng niu luyện tập mỗi ngày là thành quả vận động, quyên góp của bà con cùng sự giúp đỡ của một nhà hảo tâm trong thôn.

Bà Nguyễn Thị Vịnh, Đội trưởng đội cồng chiêng thôn Bặn nhớ lại: Lúc có quyết định thành lập đội, bà con ai cũng vui mừng nhưng điều kiện vật chất còn khó khăn, mỗi người chỉ ủng hộ được vài chục nghìn, không đủ để mua một bộ chiêng. Thấy vậy, bà Nguyễn Thị Sơn, một thành viên trong đội quyết định bán cây vú sữa nhà trồng để đóng góp. Tiền bán cây được 2 triệu đồng, nhưng vẫn không đủ để mua bộ chiêng. Sau đó, một nhà hảo tâm trong thôn quyết định tài trợ toàn bộ số còn lại nên sau bao vất vả đội đã mua được một bộ chiêng. Có bộ chiêng làm “vốn”, mọi người càng quyết tâm học hỏi, luyện tập để có thể lưu giữ bản sắc dân tộc mình cũng như sau này truyền lại cho con cháu.

Nhắc đến chuyện bán cây mua chiêng, bà Nguyễn Thị Sơn khiêm tốn cho biết, trước đây bà vốn là một y sĩ, vì công việc bận rộn nên không có thời gian tham gia các phong trào thôn. Khi bà về nghỉ hưu cũng là lúc thôn mở câu lạc bộ cồng chiêng, bà liền xung phong tham gia. Với bà, mỗi lần tiếng cồng chiêng vang lên, bà cảm thấy mọi người được xích lại gần nhau và gần gũi hơn với văn hóa nguồn cội.

Có lẽ, văn hóa nguồn cội cũng chính là lí do khiến bà con nơi đây yêu mến, tôn thờ chiêng đến thế. Họ tự tìm thầy, tự đến nhà thầy để học chiêng. Họ học không cần người khác nhắc nhở, không ỷ lại, dồn ép ai. Họ dậy sớm hơn để cắt cỏ cho bò ăn, thức khuya hơn để thu xếp việc gia đình, chỉ mong sao có thể nhanh chóng thuộc bài, nhanh chóng mang chiêng đi khắp nơi biểu diễn. Cồng chiêng gần gũi là vì thế, vì nó gắn liền với đời sống và công việc mưu sinh hàng ngày của mỗi người con xứ Mường.

Điều lớn lao nhất mà những câu lạc bộ cồng chiêng như đội cồng chiêng ở thôn Bặn đã làm được chính là việc đưa tiếng chiêng trở lại với đất Mường, nuôi dưỡng hy vọng khôi phục và làm rạng rỡ hơn một loại hình nghệ thuật dân gian đậm đà bản sắc, để mỗi du khách đến với xứ Mường đều được đắm chìm trong tiếng chiêng trầm bổng...
Mai Linh - Văn Cảnh
Nghệ thuật cồng chiêng người Mường ở Hà Nội - Bài 2
Nghệ thuật cồng chiêng người Mường ở Hà Nội - Bài 2

Là một người phụ nữ có vóc dáng bé nhỏ nhưng đa tài, không chỉ có bằng đạo diễn sân khấu, bằng thông tin cổ động, thời gian làm thư ký ủy ban xã bà Thìn còn tham gia viết những vở diễn có tiếng nhất tỉnh Hà Sơn Bình lúc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN