Nghệ thuật cồng chiêng người Mường ở Hà Nội - Bài 2

Là một người phụ nữ có vóc dáng bé nhỏ nhưng đa tài, không chỉ có bằng đạo diễn sân khấu, bằng thông tin cổ động, thời gian làm thư ký ủy ban xã bà Thìn còn tham gia viết những vở diễn có tiếng nhất tỉnh Hà Sơn Bình lúc

NGƯỜI TRUYỀN LỬA TÌNH YÊU CHIÊNG MƯỜNG

Chúng tôi tìm đến xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội và khi trò chuyện với người dân nơi đây thì ai cũng biết tới "chuyên gia" về chiêng Mường - nghệ nhân ưu tú Bùi Thị Bích Thìn, người duy nhất tại Hà Nội sở hữu bộ chiêng 12 chiếc.

Người phụ nữ đa tài

Nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn sinh năm 1952, trong một gia đình thuần nông tại tỉnh Hòa Bình. So với bạn bè cùng trang lứa, bà là người được học cao, có hiểu biết nhất thôn. Ngay từ khi còn nhỏ, bà đã thể hiện là một người có niềm đam mê và năng khiếu văn nghệ đặc biệt.

Năm 1960, khi mới 8 tuổi, bà được nhận vào trông con cho một nhà phú nông trong làng. Ở đây, bà được đi học và bước đầu tiếp cận với chiêng Mường nguyên bản. Tiếng chiêng vang lên mỗi ngày vui như dội vào trong tâm trí bà, để rồi dù trải qua bao nhiêu năm sau đó, bà vẫn chẳng bao giờ quên được.

Học hết cấp 3, bà về xã làm thư ký ủy ban. Công việc văn phòng bận rộn nhưng trong bà ước muốn được theo đuổi con đường nghệ thuật vẫn chưa giây phút nào nguôi.

Nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn trong một buổi biểu diễn cồng chiêng.
Ảnh: Mai Linh

Năm 1972, Hội Nhà văn mở lớp viết văn, bà Thìn háo hức đăng ký. Đơn đăng ký vừa nộp cũng là lúc mẹ bà đột ngột qua đời, ước mơ học văn phải gác lại. Một năm sau, tháng 7/1973, lần đầu tiên trường Lý luận nghiệp vụ Bộ Văn hóa, tiền thân của trường Cao đẳng Văn hóa và bây giờ là Đại học Văn hóa Hà Nội mở khóa đào tạo đạo diễn sân khấu, bà lại đăng ký thi tuyển và trở thành lứa sinh viên đầu tiên của trường.

Là một người phụ nữ có vóc dáng bé nhỏ nhưng đa tài, không chỉ có bằng đạo diễn sân khấu, bằng thông tin cổ động, thời gian làm thư ký ủy ban xã bà Thìn còn tham gia viết những vở diễn có tiếng nhất tỉnh Hà Sơn Bình lúc bấy giờ. Đến nay, dù đã nhiều năm không làm công tác văn phòng tại ủy ban nhưng địa phương hễ có cuộc thi nào cũng đều nhờ bà dàn dựng. Trong nhiều cuộc thi, nhiều vở diễn, bà vừa là đạo diễn, vừa là biên kịch, vừa là diễn viên... Một mình gánh nhiều vai trò như thế nhưng cuộc thi nào có bà cũng giành giải cao: Giải nhất Hội thi Nông dân giỏi, Giải nhì Cuộc thi Hòa giải viên giỏi...

Với tố chất nghệ thuật và cái “duyên” thi cử, trong cuộc đời điều mà bà dành nhiều tâm huyết nhất chính là giữ lại hồn chiêng Mường. Tiếng chiêng theo bà suốt tuổi thơ, nuôi dưỡng trong tâm hồn để rồi trải qua bao sóng gió cuộc đời, bà lại tìm về với cồng chiêng Mường, tìm về với nguồn cội cha ông.

Giữ hồn dân tộc

Trước năm 2008, xã Tiến Xuân nơi bà sinh sống thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, vùng đất mẹ của nghệ thuật cồng chiêng Mường. Là “bậc thầy” về cồng chiêng với hiểu biết sâu rộng, trình độ đánh chiêng ít ai bì kịp cùng kinh nghiệm biểu diễn lâu năm nên sau khi Tiến Xuân sáp nhập vào Hà Nội, bà Thìn không ngừng mang chiêng tới mọi nơi có người Mường trên đất Thủ đô để truyền dạy với mong muốn có thể giữ lại nguyên vẹn hồn dân tộc.

Năm 2009, huyện Thạch Thất đầu tư cho ba xã vùng cao của huyện (Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung), mỗi xã 2 bộ chiêng để đồng bào sử dụng. Phòng Dân tộc huyện trực tiếp mở lớp mời bà dạy người dân đánh chiêng. Hiện tại, bà là giáo viên của 27 đội chiêng (22 đội tại Hà Nội và 5 đội tại Thanh Hóa) với số học viên lên đến gần 300 người. Căn nhà nhỏ bé, đơn sơ của bà lúc nào cũng vang tiếng chiêng, tiếng hát.

Không chỉ có bà con trong bản, người Mường ở các làng, các huyện khác cũng chủ động tìm đến tận nhà nhờ bà Thìn dạy đánh chiêng. Bà Nguyễn Thị Vịnh (xã Vân Hòa, huyện Ba Vì) nhắc đến nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn với vẻ ngưỡng mộ: “Chúng tôi là người Mường, yêu chiêng lắm nhưng ở làng chẳng còn ai biết đánh chiêng. Đầu năm 2016, chúng tôi xem được phóng sự về bà Thìn thì vô cùng vui mừng vì biết rằng ở Hà Nội vẫn còn có người thực sự tâm huyết với chiêng Mường. Chúng tôi chủ động liên lạc với bà và mỗi tuần lại dành ra 2 buổi tối từ Ba Vì sang Thạch Thất để nhờ bà dạy chiêng. Dù chưa học được nhiều, đôi lúc còn quên bài nhưng nhờ có bà Thìn mà chúng tôi hiểu được thêm rất nhiều điều không chỉ về cồng chiêng, mà còn về lịch sử và văn hóa dân tộc Mường”.

Đến nay, một số đội học trò của bà Thìn đã được đi biểu diễn ở nhiều nơi, mang đến cho người xem nhiều cảm xúc. Đầu năm 2014, đội cồng chiêng xã Tiến Xuân phối hợp cùng Hội nghệ sĩ múa Hà Nội tổ chức đánh chiêng, múa cổ người Mường tại Vườn hoa Lý Thái Tổ. Nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn kể, ngày hôm đó, các bà, các mế nghe tiếng chiêng, tiếng hát của đội mà rưng rưng nước mắt bởi những tiết mục ấy đã chạm vào vùng ký ức ngủ quên của họ. Từng lời ca, câu hát Mường cổ họ không được nghe từ rất lâu nay lại vang lên, khơi dậy trong họ những cảm xúc mãnh liệt.

60 tuổi, hơn nửa đời người gắn với chiêng Mường, nghệ nhân ưu tú Bùi Thị Bích Thìn chỉ mong có thể truyền dạy những kiến thức về chiêng Mường của mình cho nhiều người, góp phần làm cho văn hóa dân tộc Mường ở Hà Nội có chiều sâu hơn, giữ được nét đặc sắc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Cùng với việc truyền dạy, nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn còn tự tìm tòi nghiên cứu để hoàn thiện bộ hình ảnh, tư liệu về nghệ thuật cồng chiêng với hy vọng qua đó, đồng bào cả nước có thể ghi nhận làng quê bà như một nơi giữ lửa, nền móng của chiêng Mường. Chính bà và những nghệ nhân tâm huyết đã khiến cho các giá trị văn hóa dân tộc được hồi sinh và có cơ hội tỏa sáng.

Bài 3: Gần gũi hơn với văn hóa nguồn cội
Mai Linh - Văn Cảnh
Nghệ thuật cồng chiêng người Mường ở Hà Nội - Bài 1
Nghệ thuật cồng chiêng người Mường ở Hà Nội - Bài 1

Nghệ thuật cồng chiêng của người Mường là một nét văn hóa đặc sắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN