Nghệ thuật cồng chiêng người Mường ở Hà Nội - Bài 1

Nghệ thuật cồng chiêng của người Mường là một nét văn hóa đặc sắc.

NÉT VĂN HÓA ĐẶC SẮC

Dân tộc Mường chiếm tỷ lệ lớn nhất trong đồng bào các dân tộc thiểu số sống tại Thủ đô Hà Nội, chủ yếu tập trung tại các huyện Mỹ Đức, Ba Vì, Thạch Thất. Nghệ thuật cồng chiêng của người Mường là một nét văn hóa đặc sắc. 

Ra đời trong lao động

Ở Việt Nam, người Mường có dân số hơn 1 triệu người, sống tập trung tại các thung lũng dọc hai bờ sông Đà (Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ...) và khu vực trung lưu sông Mã, sông Bưởi (Thanh Hóa). Đồng bào Mường có một kho tàng văn nghệ dân gian phong phú với nhiều thể loại như: Hát ru em, hát đập hoa, thơ dài, bài mo, truyện cổ, dân ca, ví đúm... Sử thi “Đẻ đất đẻ nước” kể về gốc tích và công cuộc đấu tranh của người Mường ở thời đại xa xưa, chứa đựng những quan niệm người Mường cổ về việc hình thành trời đất, tạo lập thế giới là một tác phẩm văn học vô giá của cả dân tộc.

Người Mường đánh chiêng bằng dùi, khác với đồng bào Tây Nguyên dùng tay đánh chiêng. Ảnh: Mai Linh

Ngoài các loại hình nghệ thuật kể trên, trong đời sống sinh hoạt cộng đồng truyền thống của người Mường còn lưu giữ kho báu nghệ thuật cồng chiêng. Ở Việt Nam, bên cạnh cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO vinh danh là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại vào tháng 11/2005, không gian cồng chiêng của người Mường cũng là một loại hình nghệ thuật quần chúng cần được khôi phục và gìn giữ.

Theo bà Bùi Thị Bích Thìn, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, nghệ thuật cồng chiêng người Mường bắt nguồn từ truyền thống lịch sử lâu đời, được khẳng định trong quá trình lao động, sáng tạo và được kế tục qua nhiều thế hệ. Nếu như đồng bào Tây Nguyên phân biệt nhạc cụ có núm là cồng, không có núm là chiêng thì đồng bào Mường chỉ sử dụng duy nhất nhạc cụ có núm là “chiêng” theo cách gọi của người Mường (“cồng” là cách gọi của người Kinh). Dù hiện nay chưa có một công trình nghiên cứu hoàn chỉnh nào về việc chế tác chiêng nhưng từ xa xưa, người Mường đã biết thổi hồn vào chiêng, sáng tác các bản nhạc và tạo ra những phương thức đánh chiêng phù hợp với tính cách, tâm lý đặc trưng của dân tộc.

Với người Mường, chiêng không chỉ là vật thiêng, là công cụ giao tiếp giữa con người và thần linh mà còn là tài sản quý giá của mỗi gia đình, bản làng. Một bộ chiêng đầy đủ có 12 chiếc, tượng trưng cho 12 tháng trong năm, thể hiện sự giao hòa của vũ trụ, trời đất và con người. Người Mường tôn thờ chiêng, cho rằng chiêng cũng có phần hồn nên khi cất chiêng phải cẩn thận đặt ngửa lên, bởi nếu úp xuống thì chiêng sẽ bị mất tiếng. Khi mang chiêng đi bất cứ đâu cũng phải làm lễ thỉnh chiêng, tức là đánh vài nhịp trước khi đi để xin phép hồn chiêng.

Loại hình nghệ thuật vô giá

Cồng chiêng đại diện cho chủ thể tộc người, có mặt trong mọi sự kiện của cộng đồng, gắn liền với những người con dân tộc Mường từ khi lọt lòng đến lúc từ giã cõi đời, từ lúc cưới xin, mừng nhà mới đến khi có hội làng, việc bản... Âm nhạc cồng chiêng Mường thể hiện rõ nét nhất qua hai bài chiêng cổ còn được lưu truyền đến ngày nay là bài “Xắc bùa” và “Bông trắng bông vàng”.

Theo nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn, từ xa xưa, cồng chiêng người Mường vốn dùng để phục vụ lang đạo (người cai trị). Những năm phong kiến, bản Mường rất nhiều nghi lễ, đình đám, chủ yếu để nông dân cống tiến vật phẩm cho nhà lang. Vào phần lễ, những thiếu nữ Mường sẽ xách chiêng đánh bài “Bông trắng bông vàng” đi quanh làng rồi vào đình. Những người con gái Mường mỗi khi biểu diễn chiêng đều phải mặc trang phục chỉnh tề đúng quy cách với áo trắng, váy dài, vòng chạm, khăn tay, khăn đầu. Nhịp đánh chiêng như nhịp chân bước, chậm rãi và thận trọng. Đến phần hội, phường bùa sẽ đánh bài “Xắc bùa” (còn gọi “sắc bùa” hay “xéc bùa”, có nghĩa là “xách chiêng”).

Để thể hiện đúng không khí lễ hội, bài “Bông trắng bông vàng” có âm thanh mở đầu là âm cao với nhịp chậm - vừa ở quãng 8 theo nhạc lý cơ bản, còn bài “Xắc bùa” lại rộn ràng, tươi vui với tiết tấu nhanh hơn. Đến nay, hai bài chiêng cổ vẫn tiếp tục được lưu truyền. Đặc biệt, tục “Xắc bùa” của người Mường mỗi dịp Tết đến xuân về là một điểm nhấn văn hóa được đồng bào cả nước biết đến. Những điệu hát kết hợp với nhịp cồng chiêng đều là những làn điệu dân ca ca ngợi về chính quê hương xứ sở, làng bản thôn xóm. Bởi vậy mới nói, tiếng chiêng chính là màu sắc, hồn cốt dân tộc Mường, chỉ cần nghe tiếng chiêng là cả đất trời và con người xứ Mường như hiện ra trước mắt...

Trong quá trình duy trì và phát triển, nghệ thuật cồng chiêng của người Mường đã bị mai một nhiều, dấu tích về những bộ chiêng cổ không còn đậm nét nhưng đối với đồng bào Mường, nghệ thuật cồng chiêng không chỉ là tài sản quý mà còn mang giá trị tinh thần vô cùng sâu sắc, cần được khôi phục và gìn giữ, bảo tồn.

Bài 2: Người truyền lửa tình yêu chiêng Mường
Mai Linh - Văn Cảnh
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN