Ngày văn hóa thêm tình đoàn kết

Nâng cao nhận thức về văn hóa dân tộc của đồng bào các dân tộc, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển kinh tế, xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc, là những kết quả sau 5 năm thực hiện Quyết định 1668/QĐ-TTg, ngày 17/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 19/4 hàng năm là “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam”.


Ngày vui chung của các dân tộc


Những năm gần đây, mỗi khi đến “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam” (19/4), Làng văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Hà Nội) lại tưng bừng với các hoạt động kỷ niệm. Đồng bào dân tộc ở các địa phương cả nước sẽ hội tụ về đây, tham dự các lễ hội, giới thiệu những bản sắc văn hóa của dân tộc mình như lễ đâm trâu của đồng bào Brâu, lễ cúng mừng nhà mới của đồng bào dân tộc Ralai, Êđê…

 

Giới thiệu văn hóa ẩm thực của dân tộc, một trong những hoạt động chào mừng Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam.


Không chỉ diễn ra tại Làng văn hóa, mà hàng năm, cứ đến ngày 19/4, tại các địa phương cũng có rất nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc chào mừng “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam” và ngày này đã trở thành “ngày vui chung” của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, như đánh giá của ông Hoàng Đức Hậu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTTDL): “Trong 5 năm qua, đồng bào các dân tộc, các địa phương trên khắp mọi miền Tổ quốc đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, triển lãm, thao tác tay nghề, tái hiện lễ hội… từng bước đưa các hoạt động văn hóa vào dịp 19/4 hàng năm trở thành nề nếp. “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam” đã trở thành cầu nối giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, niềm tự hào và ý thức trách nhiệm của đồng bào dân tộc trong việc bảo vệ văn hóa của dân tộc mình; khơi nguồn sáng tạo giá trị văn hóa mới, xây dựng môi trường, đời sống văn hóa lành mạnh, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.


Cũng theo ông Hoàng Đức Hậu, việc Chính phủ quyết định lấy ngày 19/4 hàng năm là “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam” đã thể hiện đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc gìn giữ và phát triển văn hóa nói chung và văn hóa dân tộc nói riêng, vì văn hóa là nền tảng của các dân tộc, là di sản hết sức quý báu của đồng bào các dân tộc đã được trao truyền qua rất nhiều thế hệ. Đó cũng chính là cội nguồn, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc Việt Nam.


Để ngày văn hóa thực sự có ý nghĩa


Theo ông Hoàng Đức Hậu, để các hoạt động trong “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam” đi vào chiều sâu, có ý nghĩa thiết thực, vẫn còn nhiều việc phải làm. Theo ông Hoàng Đức Hậu, cần làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn phát huy gìn giữ văn hóa. Ngoài tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào để đồng bào tự bảo vệ văn hóa của dân tộc mình thì các cơ quan quản lý nhà nước cần có những đề án, chương trình cụ thể trong phát triển văn hóa dân tộc.


Còn TS Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VHTTDL Lào Cai, chia sẻ, cần cụ thể hóa những mục tiêu cho phù hợp với đặc điểm của từng địa phương; tăng cường đẩy mạnh việc sáng tạo các hình thức tổ chức “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam” vừa phong phú, hấp dẫn. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế liên kết, lồng ghép các chương trình mục tiêu, các dự án nhằm tạo nguồn lực vừa tôn vinh văn hóa dân tộc vừa góp phần xóa đói giảm nghèo…


Đó cũng là suy nghĩ của đại diện nhiều địa phương trong cả nước. Theo đó, để triển khai thực hiện công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc thiểu số, và để “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam” đạt hiệu quả, ngành văn hóa cần có dự án, chính sách hỗ trợ kinh phí giúp đồng bào các dân tộc vùng cao, vùng sâu, vùng xa một cách thiết thực trong việc loại bỏ một số tập tục, thói quen xấu để đảm bảo đời sống của nhân dân. Cần có chính sách, chế độ ưu đãi, vinh danh các nghệ nhân, ưu tiên đầu tư cho sự nghiệp bảo tồn văn hóa cho các dân tộc thiểu số. Tiếp tục ưu tiên đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa - xã hội, có chính sách bồi dưỡng đào tạo lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, cần thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật mang tính vùng miền, tạo “sân chơi” để các dân tộc được học tập cũng như quảng bá, giới thiệu những giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc mình.


Bài và ảnh: Phương Lan

Để Làng văn hóa thêm sống động
Để Làng văn hóa thêm sống động

Tạo nên nhiều sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, xây dựng thương hiệu của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam... là nội dung chính của cuộc hội thảo “Xây dựng Đề án tổ chức các sự kiện thường niên và các hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN