Nét làng trong tâm hồn họa sư Lê Bá Đảng

Có danh vọng, có tiền bạc, lại sống lâu năm ở châu Âu, cuộc sống hiện đại, nhưng không gian nghệ thuật văn hóa của họa sư Lê Bá Đảng vẫn giữ được sự giao thoa tuyệt đẹp giữa tinh thần Đông phương và kỹ thuật Tây phương.

Vương vấn hồn quê

Thuở thiếu thời, Lê Bá Đảng vốn là một thanh niên có máu giang hồ lãng tử. Ông đã từng kể về mình: “Mới 17, 18 tuổi làng Bích La Đông của tôi nhìn ra biển, tôi thường ngắm biển và ước mơ đi xa. Năm 19 tuổi, huyện đăng lính đi Tây, chẳng biết Tây là đâu, nhưng ước mơ giang hồ đã thúc giục tôi đăng ký. Phiêu lưu sang Pháp làm lính thợ, bị Đức quốc xã bắt làm tù binh”. Sau năm 1942 ông trốn đến Toulouse, nhờ may mắn được nhận vào học trường Mỹ Thuật, vừa đi học vừa đi làm. Từ năm 1950, ông bắt đầu triển lãm tranh tại hiệu sách Globe và các Galerie Paris, Cannes, La Napoule, Dusseldort, Philadelphia, London...

Tác phẩm “Mặc áo cho cây”.


Thật đáng ngưỡng mộ khi nhìn vào số lượng tác phẩm đồ sộ của ông. Vô số tác phẩm đủ thể loại, đa dạng về chủ đề đã và đang hiện diện ở trong bảo tàng, bộ sưu tập tư nhân cho đến phòng tranh, vỉa hè ở Pháp, Mỹ, Đức, Canada, Nhật, Hong Kong, Singapore… Nhưng quan trọng nhất, dù vẽ ở thể loại, chủ đề hay cấp độ nào, Lê Bá Đảng vẫn giữ được phong thái và khả năng hòa trộn tinh thần Đông phương vào kỹ thuật Tây phương. Với sức sáng tạo mạnh mẽ, riêng triển lãm cá nhân, theo thống kê chưa đầy đủ, từ 1950 cho đến 2006, ông đã thực hiện đến 105 lần, trong đó có nhiều triển lãm đi vòng quanh các thành phố lớn tại châu Âu, Mỹ, Nhật…

Với cái chất “nông dân” thuần Việt, vốn yêu nét dân dã và mộc mạc... Dù được giới hội họa Âu Mỹ tôn là họa sư, Lê Bá Đảng vẫn giữ cách ăn nói hết sức chân quê. Ngay từ ngày đầu sáng tác, ông luôn nhấn mạnh quan điểm bình dân hóa và phổ biến nghệ thuật của mình đến người “nghèo”, bằng cách bội phân tác phẩm thành nhiều phiên bản, giá bán rẻ đi nhưng giá trị vẫn như nguyên tác. Những năm 70, với một cách làm đặc biệt được giới hội họa Paris gọi tên là Lebadangraphy, ông chế tạo một thứ giấy riêng để in tranh mình từ những bản khắc trên đá, khiến tranh in của ông là những phiên bản (reproduction) nhưng điều đáng nói là vẫn có chiều sâu, nét gồ, nét trũng như những bức tranh thật. Để đáp ứng đòi hỏi của các Galerie, ông vẽ nhiều tranh ấn bản (Lithographie), mỗi bức in thành 300, 500 bản đánh số. Giá tranh phải chăng nên bán chạy, gồm tranh vẽ ngựa, vẽ mèo, vẽ thuyền, tranh Phật....

Mơ một ngày về

Sống từng trải, càng cao tuổi ông suy tư: “Tôi qua lại nhiều nơi, nhà cửa chọc trời, xe cộ nghênh ngang, con người đầy áo, đầy quần, đầy các thứ đắt đỏ, tiền trăm bạc vạn. Bao nhiêu hình ảnh đó chỉ đi qua con mắt mà thôi, chẳng bao giờ thay thế được xứ đồng khô cỏ cháy ở quê tôi, trong tim tôi”...

Tác phẩm đồ họa “Dân quê” (chất liệu giấy).



Nghĩ như thế, 23 năm trước Lê Bá Đảng trở về làng Bích La Đông (Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) mở cuộc triển lãm mà ông mong muốn và hài lòng nhất. Theo Lê Bá Đảng, đây là cách để ông kính dâng lên tổ tiên, để tri ân gia tộc, gia đình, bà con và xóm làng. Được các cụ già áo dài đen khăn xếp, thanh niên nam nữ và thiếu niên nhi đồng ăn mặc đẹp, đến dự lễ khai mạc triển lãm, ông cảm động nói: “Với triển lãm lần này của tôi tại quê nhà, tôi thấy rõ rằng: Dù quê nghèo nhưng vẫn có thể làm ra cái đẹp - đó là môn phái của tôi. Xưa nay, không có gì tồn tại lâu bền bằng văn hóa và nghệ thuật cả!”.

Đến năm 2006, tâm huyết với quê hương - nghệ thuật, sau hàng chục năm bôn ba ở Âu Mỹ, ông trở về Huế xây dựng Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng - một địa chỉ văn hóa độc đáo tại số 15 Lê Lợi, bên dòng sông Hương. Không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng tại Huế là nơi ông gửi gắm 349 tác phẩm, trong đó có 45 tư liệu giá trị. Hiện giờ bước vào Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng tại Huế, khách sẽ được thưởng lãm hàng trăm tác phẩm đa dạng về chủ đề, mỗi tác phẩm thực hiện bằng các chất liệu khác nhau như gỗ, giấy, gốm, kim loại. Khách sẽ choáng ngợp trước một bố cục sắp đặt tác phẩm cực kỳ mới lạ kể từ ánh sáng, khán phòng, ý tưởng. Lê Bá Ðảng muốn phát triển một lối tạo hình mới: không phải tượng, không hẳn là tranh mà tổng hợp cả tranh lẫn tượng. Song nổi bật nhất là các tác phẩm ông sáng tạo về những người nông dân làng quê ông sinh ra. Tất cả như thay lời muốn nói: “Tri ân làng Việt”.

Bài và ảnh: Vũ Hào

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN