Nên tôn tạo Cửa Tả Hạc Thành

Năm 1804, sau khi lên ngôi, vua Gia Long ra chỉ dụ dời trấn thành Thanh Hóa từ làng Dương Xá (xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa nay là xã Thiệu Dương, thành phố Thanh Hóa) về làng Thọ Hạc (huyện Đông Sơn), gọi là Hạc Thành.

Cũng năm đó, Thành Thanh Hóa được xây dựng. Ban đầu chỉ là thành đất. Đến năm 1828 thành được xây kiên cố bằng gạch, đá. Thành có hình lục lăng, kiểu kiến trúc vô băng (vaubang), chu vi thành 630 trượng (2.520 mét), cao 1 trượng (4 mét), ngoài chân thành có hào rộng 8 trượng 8 thước (35 mét), sâu 4 thước 5 tấc (1,8 mét). Thành có 4 cửa đối xứng. Cửa Tiền ở mặt nam, cửa Hậu mặt bắc, cửa Hữu phía tây và cửa Tả ở phía đông. Trên các cửa đều có vọng lâu để canh gác. Trong thành có Hành cung, giành cho nhà vua ở khi vua đi kinh lý, và các dinh Tổng đốc, Bố chánh, Án sát…

Cửa Tả Hạc Thành (Thanh Hóa).


Hạc Thành có bề dày lịch sử và văn hóa. Nói như họa sỹ, nhà nghiên cứu lịch sử Phan Bảo, Hạc Thành có cư dân cùng thời với những nơi có cư dân sớm nhất trên lãnh thổ này. Bằng chứng là các tầng văn hóa ở làng cổ Đông Sơn. Trong đó tiêu biểu là di chỉ - nơi phát hiện ra chiếc trống đồng thuộc loại cổ nhất (Heger-I, cách nay gần 3.000 năm), mà năm 2014 này chúng ta kỷ niệm 90 năm ngày phát hiện (1924-2014). Trong cuộc chạy đua chóng mặt đô thị hóa, chúng ta để mai một quá nhiều dấu ấn của cha ông. Những cổng làng đã biến mất, những mái đình còn sót lại giờ lọt thỏm giữa bốn bề nhà cao tầng.

Một Long Hạm, Hỏa Châu Phong, một núi Long, Kim Đồng Ngọc Nữ, một mái đền Lê, rồi Bến Ngự, Lò Chum, đền Hai Voi, chùa Đại Bi, Thanh Hoa hội quán… hồn cốt của Hạc Thành một thời, nay cái còn, cái mất, cái được “hiện đại hóa”, bê tông hóa… rồi Đàn Xã tắc, chùa Hội Đồng, cửa Tả, cửa Tiền… nay chỉ còn mỗi cái tên. Thành cổ bị phá từ lâu lắm, những hồ thành cũng bị lấp dần, chỗ còn thì xây tường kín mít.

Được biết, thành phố Thanh Hóa đang có dự án khôi phục lại một số đoạn hồ thành, nên lắm. Và nên khẩn trương và quyết liệt trước khi những vệt hồ ấy biến thành nhà cao tầng, khách sạn. Nên chăng, cùng với những cố gắng khôi phục lại hồ thành, thành phố nên có phương án khôi phục lại cổng thành Cửa Tả. Cũng như mọi thành trì khác, thành Thanh Hóa xưa có bốn cổng: Tiền, Hậu, Tả, Hữu. Riêng cửa Tiền được đóng im ỉm quanh năm, chỉ khi nào nhà vua từ kinh đô ra thì mở để đón vua. Có ý kiến cho rằng, phía trước thành có núi Long, núi Hổ. Rồng hổ đấu nhau thì không thuận, cho nên cổng thành phía này đóng quanh năm. Vậy nên cửa thành phía tả trở thành lối vào ra hàng ngày của quan lại, binh lính, chức việc.

Thanh vô tiền, Nghệ vô hậu. Thành Nghệ An không có cửa hậu. Nhìn ra xung quanh, thành Quảng Bình trở thành bãi đất từ lâu. Nhưng từ bãi đất trống, người ta đã tôn tạo được một Quảng Bình quan. Và bây giờ Quảng Bình quan trở thành biểu tượng của tỉnh Quảng Bình. Thành Sơn Tây từ lâu cũng thành bình địa. Nhưng giờ đây, người ta đã khôi phục được tất cả các cổng, tất cả các hào thành, đã tôn tạo lại cả Hành cung, Thế miếu, Văn miếu, Thánh miếu… Hạc Thành, các cửa Tiền, Hữu, Hậu đã trở thành nhà cửa, dinh thự, đại lộ từ lâu. Duy chỉ còn đất của Cửa Tả, vị trí đó hiện nay là Trụ sở Hội VHNT Thanh Hóa. Nhưng đó là những căn nhà cấp bốn cũ nát - nghĩa là vẫn còn cái mặt bằng, trên đó chưa có công trình gì. Với lại, Hội VHNT đã được tỉnh bố trí chuyển đến nơi mới, nên âu cũng là cái may cho Hạc Thành chăng. Tôn tạo lại cổng thành Cửa Tả là việc rất nên làm - Lưu lại một chút dấu tích của cha ông cho hậu thế...

Ở Cửa Tả, xưa còn có một cái miếu rất thiêng, thờ người con gái họ Ngô, gọi là miếu “Ngô Chính nữ”. Cô gái họ Ngô nết na xinh đẹp, người làng Nguyệt Viên (Hoằng Quang, nay thuộc thành phố) nhà nghèo, làm nghề dệt tơ lụa. Năm Gia Long thứ 6 (1807) nàng đi bán lụa trong thành tỉnh. Lúc bấy giờ viên quản tượng chuyên trông coi đàn voi trong thành, tên là Hư, thấy cô gái xinh đẹp bèn giả vờ gọi vào mua lụa rồi cưỡng dâm. Cô gái chống cự không được. Tủi nhục, nàng cắn lưỡi tự tử. Viên quản Hư sợ hãi vội vùi xác nàng trong chuồng voi. Gia đình cô gái nhờ người tìm kiếm khắp nơi nhưng không thấy.

Ít năm sau đó, người em trai cô gái họ Ngô lớn lên, đăng lính. Tình cờ được điều vào đội quản tượng. Một lần anh ta vào quét dọn chuồng voi, chợt thấy có dải lụa như bao lưng con gái nhô lên dưới nền đất, bèn bới lên xem, thì đó là thi hài chị mình. Kỳ lạ thay, sau mấy năm mà thi hài người con gái họ Ngô cùng với áo khăn vẫn y nguyên như khi còn sống. Gia đình bèn báo lên quan. Tình cờ là cũng đêm đó, quan Hiệp trấn Thanh Hóa cũng được cô gái về báo mộng kêu oan. Quan Hiệp trấn mở cuộc điều tra và viên Quản Hư bị xử tử. Kỳ lạ là, sau đó ít lâu, gia đình hắn cũng bị bệnh dịch chết hết. Quan Hiệp trấn đã sai lập miếu thờ người con gái ở nơi nàng đã tự tận - cửa Tả thành, gọi là miếu Ngô Chính nữ. Miếu Ngô Chính nữ nay không còn. Vị trí đó nay trong khuôn viên Hội VHNT, hiện có cây đa cành lá sum xuê, gốc to đến vài người ôm. Từ mấy chục năm nay, dưới gốc đa có một bát hương được lập lên. Ngày rằm, mùng một, hay ngày Tết, ngày lễ… đều có hoa quả, hương khói nghi ngút…

Cửa Tả Hạc Thành, nơi một thời tấp nập ngựa xe, võng lọng, sáng chiều vọng tiếng trống canh… nay dấu vết còn đó, hồn cốt còn đó, hào thành còn đó…

Cửa Tả Hạc Thành cũng là nơi sáng ngày 19/8/1945, nhân dân thị xã Thanh Hóa dưới sự lãnh đạo của Việt Minh đã tiến vào dinh Tổng đốc, bắt tổng đốc Nguyễn Trác nộp ấn tín cho cách mạng, xóa bỏ chính quyền phong kiến thân Nhật, lập nên chính quyền nhân dân. Cửa Tả Hạc thành cũng là nơi diễn ra cuộc mít tinh rợp cờ đỏ sao vàng của nhân dân thị xã chào mừng thành công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, mùa thu năm Ất Dậu.

Tôn tạo được cổng thành, đường Cửa Tả có thể nối được với đường Hạc Thành (xưa gọi là đường Nguyễn Thuật), rồi qua đường Hạc Thành sang cửa Hữu. Vì vệt đường xưa vẫn còn, hiện chưa có công trình gì to tát. Những việc còn có thể làm được, trước khi quá muộn.
Tôn tạo được cổng thành cửa Tả, cũng xin được lấy lại tên đường là Vương Duy Trinh. Đoạn từ cổng thành cửa Tả đến quốc lộ số 1 (Trần Phú), một dạo được gọi là Hà Huy Tập, rồi Cầm Bá Thước, nay là Cửa Tả.

Vương Duy Trinh là nhà thơ, nhà biên khảo, là tác giả 2 cuốn sách quý “Thanh Hóa kỷ thắng” (1903), “Thanh Hóa quan phong” (1904) và các tập thơ văn “Hương Trì học thảo thi sao”, “Hương Trì học thảo văn sao”. Ông từng làm Tổng đốc Thanh Hóa, một ông quan yêu thơ, nặng lòng với xứ Thanh. Tên ông xứng đáng được lưu lại trên đường phố thành Hạc.

Làm được những việc đó, chắc chắn, đó sẽ là những điểm xuyết hết sức tươi tắn của thành phố mang tên chim Hạc khi bước sang đô thị loại Một.

Lâm Bằng
Miếu Bà Rá được công nhận là di tích lịch sử tỉnh
Miếu Bà Rá được công nhận là di tích lịch sử tỉnh

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước đã tổ chức lễ công bố quyết định xếp hạng và đón nhận bằng di tích lịch sử cấp tỉnh cho Miếu Bà Rá.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN