Múa lân sư rồng Việt Nam

Với những pha biểu diễn đẹp mắt, hòa quyện giữa nét đẹp tâm linh và võ thuật truyền thống, múa lân sư rồng là một nét đẹp văn hóa độc đáo và là món ăn tinh thần không thể thiếu trong mỗi độ xuân về.


Đậm đà bản sắc


Vào những ngày giáp Tết, trong khoảng không gian của Nhà thiếu nhi quận 11, TP Hồ Chí Minh, tiếng trống không ngừng rộn rã vang lên đưa nhịp cho các võ sinh của đoàn múa lân sư rồng Hằng Anh Đường tất bật tập luyện những bài múa lân sư rồng, biểu diễn phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014.

Chăm sóc lân.


Vừa quệt những giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt rắn rỏi, đôi mắt của anh Huỳnh Hoài Chung, Phó trưởng đoàn Lân sư rồng vẫn hướng về 8 võ sinh đang theo nhịp trống, thực hiện những động tác trong bài “Tứ quý lâm môn”. Đây là bài biểu diễn mới nhất của đoàn với hình ảnh 4 con lân mang biểu tượng “thịnh vượng, trường thọ, hạnh phúc và hanh thông” sẽ “gõ cửa” gia chủ dịp trong năm mới.

Các võ sinh tập luyện các động tác múa lân trên cà kheo.


Hình ảnh bốn con lân được thể hiện sinh động, mềm mại bởi 8 võ sinh qua những động tác nhảy múa, vồ, cắn, lăn vòng, vặn mình, ngồi, nằm, đứng, tiến, lùi… nhịp nhàng, hòa quyện trong tiếng trống giục giã, sôi động trên giàn Mai Hoa Thung. Theo anh Chung, Mai Hoa Thung mang ý nghĩa tượng trưng cho cuộc đời của con người vượt qua khó khăn để đạt điều tốt đẹp.


“4 con lân phải nhảy múa, nhào lộn trên dàn Mai Hoa Thung với 24 cọc sắt, cao từ 1,2 m trở lên, mang ý nghĩa con người phải vượt qua khó khăn, vất vả và cuối cùng cũng được những mục đích tốt đẹp nhất trong cuộc sống. Để thực hiện những động tác này, các võ sinh phải dày công luyện tập công phu trong nhiều năm. Do vậy, bộ môn nghệ thuật này chỉ dành cho ai thực sự say mê và có sức chịu đựng kiên trì”, anh Chung chia sẻ.

Các võ sinh Hằng Anh Đường đang chuẩn bị tiết mục “Tứ quý lâm môn”.


Cũng theo nghệ nhân dân gian Lương Tấn Hằng, Trưởng đoàn Lân sư rồng Hằng Anh Đường, để có những điệu múa đẹp mắt, các võ sinh phải chuyên tâm khổ luyện để tạo hình tượng con lân sư rồng trở nên sống động và biểu lộ được 10 cung bậc tình cảm như: Ngủ, thức, vui, buồn, giận, yêu, khinh ghét, im lặng, sợ hãi, nghi ngờ... Đây chính là đặc trưng riêng của nghệ thuật múa lân sư rồng của Việt Nam so với các quốc gia khác. Sự biểu cảm mạnh mẽ để chắp nối những cung bậc cảm xúc lại với nhau thành một câu chuyện nhằm thể hiện sự khát khao vươn lên, tinh thần cầu tiến của dân tộc Việt bằng những động tác khéo léo, phối hợp với nhau chứ không phải là trình diễn công phu của từng cá nhân. Sự khéo léo đó còn thể hiện qua việc kết hợp giữa lân, sư và rồng trong bài múa.


Ông Hằng phân tích thêm, nghệ thuật múa của các đoàn lân sư rồng mang đậm bản sắc Việt còn thể hiện qua bài múa lân trên cà kheo. Ai cũng biết đi trên cà kheo là một động tác khó nhưng việc thể hiện hình tượng lân, sư trên cà kheo càng đòi hỏi sự khéo léo hơn gấp bội. “Điều đó thể hiện tính sáng tạo của nghệ thuật múa lân sư rồng Việt Nam. Tuy nhiên, càng sáng tạo, càng đẹp mắt thì động tác càng phải mạo hiểm. Do vậy, việc tập luyện của các võ sinh đòi hỏi phải hết sức cẩn trọng”.


Câu chuyện nhân nghĩa, ân tình


Đằng sau những điệu múa, những động tác đẹp mắt của hình tượng lân sư rồng đều ẩn chứa những thông điệp nhân văn sâu sắc và còn được thể hiện qua những câu chuyện đầy tình người từ những nghệ nhân đang cố công gìn giữ bản sắc văn hóa nghệ thuật truyền thống lân sư rồng.

Các võ sinh đang tập luyện trên dàn Mai Hoa Thung.


Với khuôn mặt rắn rỏi, dáng người khỏe mạnh, lại là Phó đoàn Lân sư rồng Hằng Anh Đường, ít ai biết rằng anh Huỳnh Hoài Chung từng nghiện ma túy. Anh Chung tâm sự. “Từ năm 2000, tôi bắt đầu sa ngã vào con đường ma túy. Sau khi gặp được thầy Lương Tấn Hằng, được thầy cưu mang, dạy dỗ, tôi đã tránh xa ma túy qua những bài học sâu sắc rút ra từ điệu múa lân sư rồng”.


Không chỉ có anh Chung, nhiều võ sinh khác như em Lê Thành Mẫn, Nguyễn Quang Bảo cũng đã từng có một thời bụi đời ngang dọc, trên thân thể vẫn còn in hằn những hình xăm, vết sẹo từ những trận đánh ẩu đả của quãng thời gian lầm lỡ. Nhưng hôm nay các em đã nhận ra được ý nghĩa của cuộc sống và quyết tâm làm lại cuộc đời. “Em đến với nghệ thuật múa lân sư rồng lúc đang lang thang theo bạn bè xấu. Nay cuộc sống của em tốt hơn rất nhiều, cảm thấy sống có ích vì được đi biểu diễn và có thu nhập lo cho gia đình”, em Lê Thành Mẫn kể.

Một màn biểu diễn múa lân trên dàn Mai Hoa Thung vào dịp cuối năm 2013 tại công viên văn hóa Đầm Sen.

Một màn biểu diễn múa lân trên dàn Mai Hoa Thung vào dịp cuối năm 2013 tại công viên văn hóa Đầm Sen.


Vào năm 2007, ở độ tuổi 42, ông Lương Tấn Hằng được phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian vì đã có thành tích lưu giữ và phát triển nghệ thuật truyền thống múa lân sư rồng. Qua gần 30 năm đào tạo, nghệ nhân dân gian Lương Tấn Hằng đã đào tạo trên 70 lớp múa với hơn 1.000 học viên, dang rộng vòng tay cưu mang hơn 200 thanh thiếu niên nghèo lầm lỡ.


“Niềm ước ao lớn nhất của tôi là truyền được ngọn lửa đam mê nghệ thuật lân sư rồng đến với những lớp trẻ để bộ môn nghệ thuật này luôn tồn tại và phát triển. Sẽ thật buồn, khi vào những dịp lễ, Tết, những ngày vui của cả dân tộc không có những âm thanh “lắc cắc, tùng cheng” của những đội múa lân. Ngay lúc này, tôi vui và tự hào nhất khi thấy nghệ thuật múa lân sư rồng của Việt Nam không thua kém gì Trung Quốc và các nước trong khu vực. Tôi cũng hạnh phúc vì những học trò của tôi nhận ra được ý nghĩa của cuộc sống tốt đẹp từ bộ môn nghệ thuật truyền thống này”, ông Hằng vui mừng nói.


Bài và ảnh:Anh Đức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN