Múa lân chúc Tết, nét đẹp văn hóa ngày Xuân


Vào những dịp lễ, Tết Nguyên đán, cộng đồng các dân tộc trên địa bàn Cần Thơ thường tổ chức Hội thi múa lân (một vài nơi còn có thêm múa sư, rồng), đặc biệt là múa lân chúc Tết, múa lân mừng khai trương, một nét đẹp văn hóa từ lâu đời tới nay vẫn được gìn giữ.

Múa lân ngày Tết là phong tục truyền thống của dân tộc (Ảnh: Internet)


Thường từ sáng mùng 2 Tết cho đến mùng 6 Tết, các đội múa lân bắt đầu biểu diễn chúc Tết heo các tuyến phố, thôn xóm, khu phố, cơ quan, đơn vị... làm cho không khí, sắc Xuân càng thêm tươi vui, rộn ràng. Các gia chủ quan niệm lân đến thăm nhà ngày Tết thì cả năm sẽ có may mắn”. Nhiều gia chủ khi khai trương làm ăn đầu năm sẽ làm một cần câu treo một hoặc nhiều “bao lì xì” trên mái nhà trước cửa chính hoặc từ tầng một thòng xuống để mời lân đến. Khi thấy nhà nào có treo “bao lì xì”, cả đoàn lân ghé vào. Sau một hồi múa chào khán giả và gia chủ, lân bắt đầu leo lên một cái cột hoặc leo chồng lên vai nhau làm sao để nâng lân lên được cao nhất để có thể “ ngoạm” được các “bao lì xì” trong tiếng vỗ tay cổ vũ, tán thưởng của gia chủ và mọi người...

Mùng 6 Tết Quý Tỵ năm nay được xem là ngày tốt cho việc khai trương, mở cửa buôn bán, nên ngoài lịch chúc Tết bà con khu phố, các đội lân sư rồng của Cần Thơ còn đắt hàng việc khai trương mở hàng đầu năm. Mỗi màn múa phục vụ khai trương được “ lì xì “ từ vài trăm đến vài triệu đồng, còn múa chúc Tết thì tùy hảo tâm của gia chủ.

Ở Cần Thơ, hầu như mỗi phường, xã, đều có đội múa lân, nhiều nhất là ở các quận Ninh Kiều, Cái Răng. Quận Ô Môn có một đội lân sư rồng được xem là “độc nhất vô nhị” của cả miền Tây, gồm 25 thành viên, với hơn nửa là học sinh - sinh viên. Đặc biệt, đội lân sư rồng nữ của Cần Thơ với hai tiết mục độc đáo là múa Mai hoa thung và leo cột cao 6 mét đã được Trung tâm Thể dục thể thao TP Cần Thơ đề xuất đăng ký kỷ lục Việt Nam.



TTXVN/Tin Tức

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN