Mở hội cồng chiêng tại núi Lang Biang

Sau cảnh diễn tái hiện truyền thuyết về Lang Biang cứu dân làng thoát khỏi cơn hạn hán, các đội cồng chiêng bất ngờ xuất hiện hai bên sườn núi, hướng về trung tâm sân khấu trong giai điệu cồng chiêng từ thuở hồng hoang. Buôn làng đã chính thức mở hội cồng chiêng.


Dù trời mưa ngay đêm đầu mở hội (29/4) nhưng lễ khai mạc Lễ hội văn hóa cồng chiềng tỉnh Lâm Đồng lần thứ VIII, tại khu du lịch Lang Biang, huyện Lạc Dương vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch. Vậy là lần đầu tiên, không gian văn hóa cồng chiêng được tái hiện ngay tại đỉnh núi Lang Biang huyền thoại - nơi được ví như là đỉnh núi mẹ của đại ngàn Tây Nguyên - Lâm Đồng. Lễ hội năm nay có khoảng 500 nghệ nhân người K’Ho, Chu Ru, Mạ, M’Nông đến từ 23 đoàn cồng chiêng tham gia.


Biểu diễn nghệ thuật trong đêm khai mạc Lễ hội văn hóa cồng chiêng. Ảnh: Đặng Tuấn - TTXVN.



Dù thời tiết xấu nhưng vẫn không ngăn được bước chân của đồng bào và nhiều đoàn du khách các nơi tìm về núi Lang Biang tham dự lễ hội. Ngay sau lễ khai mạc, già làng Cill K’Te Jak thay mặt toàn thể nghệ nhân tiến hành nghi thức lễ cúng Thần chiêng và trao chiêng cho các chàng trai trong vùng. Tiếng chiêng âm vang, điệu múa xoang của các sơn nữ hòa quyện, như kết nối giữa thần linh với đất trời, như tình anh em các dân tộc giữa đại ngàn.


Khi chiêng đã được trao, các nghệ nhân bắt đầu tái hiện những nét văn hóa độc đáo của cồng chiêng trong đời sống sinh hoạt của dân tộc mình. Người K’Ho - Srê huyện Lâm Hà với màn đấu chiêng đôi của các chàng trai, cô gái. Hay điệu múa Aria quyến rũ của đồng bào Chu Ru huyện Đơn Dương trong nhịp điệu cồng chiêng, lễ hội Nhu Rơ he của đồng bào Mạ - Bảo Lâm. Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào K’Ho - Lạch tiếp tục là một điểm nhấn cho đêm khai hội cồng chiêng. Đây chính là thời điểm buôn làng vào hội, mừng cho một năm được mùa, đầy đủ và ấm no.

Sau khi già làng làm nghi thức cúng Yàng (thần linh), 12 đoàn nghệ nhân trở về không gian cồng chiêng của mình ngay tại sân khấu để thực hiện nghi lễ mừng lúa mới của đoàn. Nhịp chiêng vang vọng, nhiều du khách cũng hào hứng hòa mình trong điệu múa xoang Tây Nguyên và nhấp chút rượu cần, thử món thịt nướng là món quà của đồng bào đón khách.


Biểu diễn nghệ thuật trong đêm khai mạc. Ảnh: Đặng Tuấn - TTXVN.


Dịp này, Ban tổ chức đã trao chứng nhận danh hiệu nghệ nhân cho 26 thành viên của các đoàn cồng chiêng tham gia lễ hội năm nay, tôn vinh những người đã góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị độc đáo của văn hóa cồng chiêng trong đời sống hiện nay.



Lễ hội Văn hóa cồng chiêng Lâm Đồng năm nay diễn ra trong hai ngày 29 và 30/4 với nhiều hoạt động phong phú như biểu diễn cồng chiêng, thi cồng chiêng, hội thi đua ngựa cỏ không yên dưới chân núi Lang Biang, thi bắn cung, bắn nỏ, chinh phục đỉnh Lang Biang... và giới thiệu ẩm thực, đặc sản, rượu cần Tây Nguyên - Lâm Đồng.


Lễ hội Văn hóa cồng chiêng là một trong những sự kiện tiêu biểu của Lâm Đồng hưởng ứng Năm du lịch quốc gia 2014, chào mừng ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5. Để phục vụ người dân và du khách trong dịp lễ, khu du lịch mở cửa miễn phí trong hai ngày tạo điều kiện cho mọi người đến tham gia lễ hội, để cùng đắm mình trong âm vang cồng chiêng nơi núi mẹ đại ngàn.


Nguyễn Dũng
Truyền dạy cồng chiêng trong cộng đồng
Truyền dạy cồng chiêng trong cộng đồng

Từ nhiều năm nay, tỉnh Gia Lai đã quan tâm đến các hoạt động truyền dạy cồng chiêng trong cộng đồng dân tộc thiểu số, nhất là sau khi không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN