Mang nghệ thuật hàn lâm tới với giới trẻ

Vở ballet “Cô bé Lọ Lem” (Cinderella) của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP Hồ Chí Minh (HBSO) có giá vé ưu đãi 150.000 đồng cho sinh viên, đồng thời dành tặng 45 vé miễn phí cho sinh viên Thành phố. Đây thật sự là cơ hội để giới trẻ có thể tiếp cận với loại hình nghệ thuật hàn lâm này.

Với giá vé thấp nhất 400.000 đồng, cao nhất 800.000 đồng/vé cho suất diễn ngày 8/4 và 9/4/2016, tại sân khấu HBSO, với giới trẻ nói chung và với các sinh viên nói riêng; cơ hội để được thưởng thức một vở balet nổi tiếng thế giới, được đầu tư công phu, hứa hẹn là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị như “Cô bé Lọ Lem” thật sự chỉ có thể nằm trong mơ ước.

Chính vì vậy, việc nhà hát dành giá vé 150.000 đồng, đồng thời tặng vé miễn phí cho sinh viên; rất có ý nghĩa với việc giúp cho nhóm khán giả trẻ có thể được thưởng thức và cũng là tìm hiểu, về thể loại sân khấu quý tộc này; qua đó góp phần nâng những giá trị “chân, thiện, mỹ” trong mỗi con người.

Các nghệ sĩ luyện tập cho vở diễn. Ảnh: HBSO

Theo đại diện nhà hát, trong năm 2016, HBSO sẽ có một số thay đổi về tổ chức, theo hướng hấp dẫn hơn, tạo điều kiện tốt hơn cho giới trẻ được tiếp cận với các loại hình nghệ thuật hàn lâm. Cụ thể, mỗi tháng nhà hát tổ chức 3 chương trình chính thức tại Nhà hát Thành phố; trong đó, mỗi chương trình sẽ dành toàn bộ lầu 2 (gồm 45 ghế) để tặng các sinh viên. “Mong muốn của chúng tôi là các khán giả trẻ được tiếp cận những chương trình biểu diễn nghệ thuật chính thức với chất lượng nghệ thuật cao”, đại diện nhà hát chia sẻ.

Để tạo cơ hội cho những bạn trẻ còn chưa từng thưởng thức các loại hình nghệ thuật hàn lâm, số vé mời này sẽ được gửi đến một trường đại học cụ thể. Chương trình sẽ được nhà trường thông báo và giới thiệu đến toàn bộ sinh viên của trường. Các sinh viên của trường mang theo thẻ sinh viên đến nhận vé mời tại phòng vé của nhà hát. “Trong trường hợp nhu cầu của các bạn sinh viên trường được mời không sử dụng hết 45 vé thì trước 4 ngày của ngày biểu diễn, tự động vé mời sẽ dành cho tất cả các bạn sinh viên các trường khác có nhu cầu tham dự. Thông tin lịch tặng vé và nội dung biểu diễn các chương trình của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch sẽ được thông báo công khai trên trang website của Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TP Hồ Chí Minh, Thành Đoàn, nhà hát và trực tiếp tại các trường đại học”, đại diện nhà hát cho biết thêm.

Bên cạnh đó cũng nhằm tiếp cận và giới thiệu nghệ thuật hàn lâm đến được với nhiều khán giả trẻ hơn, nhà hát sẽ xây dựng những chương trình chuyên biệt, biểu diễn trực tiếp tại các trường đại học và THCS tại TP Hồ Chí Minh. Những chương trình này sẽ được tiến hành bắt đầu từ năm học mới 2016 - 2017 và điểm khởi đầu sẽ là Trường ĐH Bách Khoa TP Hồ Chí Minh.

Công diễn lần đầu vào 8/2013 trong khuôn khổ Liên hoan Âm nhạc Giai điệu mùa thu 2013, vở ballet “Cô bé Lọ Lem” của HBSO được đánh giá là hoành tráng, rực rỡ, uyển chuyển và hài hước, chinh phục nhiều tầng lớp khán giả. Nhờ đó, vở trở thành một trong những chương trình được khán giả mọi lứa tuổi yêu thích nhất vào mỗi mùa diễn xuân hè của HBSO và thường "cháy vé" trước ngày diễn.

“Cô bé Lọ Lem” là vở ballet dựa trên câu chuyện cổ tích về Cinderella - cô bé tội nghiệp sống cùng với mẹ kế và con riêng của bà ta; bị hành hạ, bị lãng quên trong căn bếp. Bữa tiệc của hoàng tử, cô không được đi mà phải ở nhà làm việc. Một cung điện hoàng gia, một chiếc váy lấp lánh, khiêu vũ với một hoàng tử đẹp trai trong một phòng khiêu vũ dưới ánh nến... những giấc mơ huyền ảo như vậy chỉ có trong trí tưởng tượng của Cinderella. Nhưng nhờ Bà tiên đỡ đầu của mình, cuộc sống khó khăn của cô bé đã thay đổi một cách kỳ diệu. Xuất hiện một cách lộng lẫy ở cửa phòng tiệc cung điện hoàng gia, cô đã thu hút được sự chú ý của tất cả mọi người và cả trái tim của hoàng tử. Tuy nhiên, giấc mơ đẹp này phải kết thúc vào lúc nửa đêm, và trong sự ra đi vội vàng của mình, cô để lại một chiếc giày quý phía sau...

Câu chuyện cổ tích của anh em nhà Grimm vốn đã rất nổi tiếng và gắn liền với tuổi thơ của hầu hết mọi người, được chuyển thể sang rất nhiều hình thức biểu diễn khác nhau như kịch, phim hoạt hình, phim điện ảnh, múa rối... Và lần này, HBSO giới thiệu đến khán giả phiên bản ballet với phần âm nhạc được biên soạn bởi nhà soạn nhạc người Nga Sergei Sergeyevich Prokofiev (1891 -1953), do nghệ sĩ người Na Uy Johanne Jakhelln Constant biên đạo, với sự góp mặt của dàn nghệ sĩ tài năng của HBSO như Trần Hoàng Yến, Đàm Đức Nhuận, Nguyễn Phúc Hùng, Hồ Phi Điệp, Phạm Thế Chung, Chloe Glemot, Nguyễn Thu Trang, Phan Thị Hồng Châu, Đỗ Nguyễn Hải Anh... 
PV
Nghệ thuật giao duyên trong hát Xoan
Nghệ thuật giao duyên trong hát Xoan

Đặc trưng riêng và rõ nét nhất của hát Xoan là nghi thức hát thờ, nhưng sôi động nhất, đi vào lòng người nghe nhất lại là phần hát giao duyên, chặng thứ 3 trong nghệ thuật hát Xoan gồm các điệu đón đào - bợm gái, hát đúm, mó cá, xin huê, đố huê… bởi đây là làn điệu mang tính phồn thực, vui nhộn và hấp dẫn nhất trong hát Xoan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN