Lê Trọng Nghĩa - Người nghệ sĩ đa tài

NSND Lê Trọng Nghĩa (ảnh) tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Hà Nội , khoa Chế tạo máy. Ông là người “đi ngang” vào lãnh địa âm nhạc nhưng lại có những thành công đáng kể. Ông đã đoạt Huy Chương Vàng đơn ca nam tại Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985. Sau đó ông đầu quân về Nhà hát Ca múa nhạc và làm giám đốc từ năm 1978. Trong thời gian làm giám đốc, ông đã đưa đoàn đi biểu diễn khắp tỉnh, thành trong cả nước và đoạt các huy chương Vàng, Huy chương Bạc trong các Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp năm 1991, 1994. Hiện nay NSND Lê Trọng Nghĩa đã nghỉ hưu nhưng nhắc đến ông, những người yêu nhạc thủ đô vẫn còn ghi nhớ những ấn tượng đẹp về người nghệ sĩ đa tài này.


NSND Lê Trọng Nghĩa kể lại rằng, từ nhỏ ông đã say mê âm nhạc và tham gia hầu hết các hoạt động nghiệp dư của đoàn, đội nơi ông cư trú. Ông là gương mặt nổi bật của phong trào ca hát không chuyên của Hà Nội. Năm 13 tuổi ông đã đoạt giải Nhất đơn ca nam do Thành đoàn Thiếu nhi Hà Nội tổ chức với bài hát “Em đi làm kế hoạch nhỏ” (trong cuộc thi đó về nhất của giọng ca nữ là NSND Thanh Huyền).

 

Ông còn nhớ, năm 1965, khi Nhà nước vận động phong trào nhặt sắt vụn để thực hiện công nghiệp hóa thì bài “Em đi làm kế hoạch nhỏ” do ông hát vang lên hàng ngày trên sóng phát thanh. Khi vào học phổ thông, ông đã cùng nhóm bạn cùng thời như Quốc Đông, Huy Túc, Văn Sáu, Kim Quyên… sáng lập “CLB đơn ca Hà Nội” đi biểu diễn, thu thanh ở các sân khấu Chí Linh, Gạch... và đã đoạt huy chương Vàng lúc bấy giờ. Hồi đó, NSND Quý Dương đã khuyên Trọng Nghĩa nên thi vào Nhạc viện Hà Nội để học chính quy nhưng ông vẫn nghĩ, đang sống “tự do” cùng bạn bè, nay vào trường lại sợ không được nghỉ nhiều để đi biểu diễn nên ngôi trường Nhạc viện vẫn chỉ là một địa chỉ trong tương lai mà ông hướng tới.


Thế rồi số phận đưa đẩy, tốt nghiệp cấp III, ông không thi vào Nhạc viện như mơ ước thuở nào, mà ông đã thi đỗ Thủ khoa vào Trường Đại học Bách khoa HN. Gia đình ông vốn không có ai theo nghệ thuật, nên việc ông “đi” hay “ở” đều là do tự ông quyết định. Mặc dù đã là một anh chàng kỹ sư chế tạo máy, song niềm đam mê âm nhạc vẫn luôn được nuôi dưỡng trong tâm hồn ông. Năm 1972, khi đang là giảng viên Trường Đại học Bách khoa, Lê Trọng Nghĩa đã quyết định rời khỏi giảng đường đại học với những ước mơ bay bổng để trở thành một thành viên xung kích nghệ thuật của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, biểu diễn phục vụ bộ đội tại Quảng Trị. Ông kể lại: “Đoàn văn công xung kích chúng tôi đi từ binh trạm Con Cuông (Nghệ An) theo đường 7 sang Lào. Tại binh trạm bộ Đoàn đã phục vụ tiểu đoàn ôtô vận tải, hàng đêm hàng mấy chục xe ôtô chở gạo lên đường tiến vào Cánh Đồng Chum để tiếp tế lương thực cho bộ đội. Chúng tôi biểu diễn phục vụ bộ đội lái xe trong các căn hầm (hầm nửa nhà chìm trên mặt đất), vừa biểu diễn có báo động lại chui vào, có lần bom bi rải thảm trên đầu nổ lốp bốp. Máy bay địch đi xa chúng tôi lại tiếp tục biểu diễn”.


Sau nhiều năm vào chiến trường miền Nam bom đạn phục vụ chiến sĩ, trở về Hà Nội vào cuối năm 1972, Sở Văn hóa, Thông tin Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội đã có công văn gửi Bộ Đại học xin cho NSƯT Lê Trọng Nghĩa được chuyển công tác về Đoàn ca múa Hà Nội để chuẩn bị phục vụ chiến trường (Quyết định chuyển công tác của ông do Thứ trưởng Trần Tống ký). Lúc này Hà Nội bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, các cơ quan, đoàn thể sơ tán hết. Hà Nội vắng bóng người.

 

Các đoàn văn công, Đài Tiếng nói Việt Nam, các đoàn nghệ thuật Hà Nội sơ tán, chỉ còn Tổ ca múa Đoàn ca múa Hà Nội ở lại phục vụ. Trong suốt 12 ngày đêm Hà Nội không ngủ, NSƯT Lê Trọng Nghĩa cùng Đoàn không ngừng tiếng hát, hát giữa các ụ pháo, hát giữa những điểm bị bom B52 của Mỹ rải thảm như: Khâm Thiên, An Dương, Nhật Tân. Ngay khi khói bom còn chưa tan, bộ đội, tự vệ đang bới đống tro tàn cứu người, NSƯT Lê Trọng Nghĩa cùng các ca sĩ đã cất cao những khúc ca như: “Tiếng nói Hà Nội” (Văn An), “Bài ca Hà Nội” (Vũ Thanh), “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (Phạm Tuyên), “Hà Nội đêm không ngủ” (Phạm Tuyên). Những âm thanh luôn vang lên trên những đống tro tàn: “Dẫu phố phường bị giặc tàn phá đau thương, ghi chiến công tuyệt vời, một Điện Biên chói sáng Hà Nội ơi... trong bom đạn vẫn ngời ánh sáng tương lai, ta đứng trên đầu thù, tự hào thay dáng đứng Việt Nam...”.


NSND Lê Trọng Nghĩa lúc đó ngoài phục vụ các chiến sĩ tại các điểm lửa, ông còn phụ trách tốp ca tuổi trẻ gồm các ca sỹ không chuyên Hà Nội còn ở lại, cùng tập trung ở nhà ca sỹ Kim Bảo (Đoàn TCCT) ở Phùng Hưng để kịp thời tập những bài hát mới, rồi tới Quán Sứ thu thanh để phát ngay trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Họ vừa tập, vừa thu, vừa chạy xuống hầm khi máy bay địch gầm rú trên bầu trời thủ đô, chúng đi xa lại tiếp tục thu thanh. “Tôi vẫn nhớ, ông kể - đêm Mỹ ném bom Khâm Thiên, tôi ngồi trong hầm nhà ở Mai Hắc Đế, thấy mặt đất rung chuyển, bom như nổ ngay trên đầu, thành phố tối đen như mực, sự sợ hãi bóng đêm và bom đạn bao trùm chỉ biết ngồi chờ may rủi, thế nhưng sáng hôm sau lại đã có mặt ngay tại Khâm Thiên cất cao giọng hát.

 

Cùng lúc đó Đoàn Ca múa Hà Nội còn có ca sĩ Lệ Thu, Phi Hiển, nhạc sĩ Sỹ Năng (accordeon), chúng tôi còn biểu diễn cùng ca sỹ Mỹ Giên Phôn Đa trong thời gian đó. Không những chỉ thu thanh tại Đài Tiếng nói Việt Nam mà còn thu thanh tại Đài Phát thanh Hà Nội - phố Hàng Dầu. Tôi nhớ khi nhạc sỹ Phạm Tuyên sáng tác bài “Hà Nội Điện Biên Phủ trên không” đã đưa cho tôi thu thanh đơn ca ngay kịp thời phát trên các làn sóng phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ trên không. Sau này khi hết chiến dịch các đoàn trở về Hà Nội, Đài Tiếng nói Việt Nam mới thu lại bài này do hợp xướng và ca sỹ Trần Khánh thể hiện”.


Khi trở lại Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, ông đã được Bộ Văn hóa bổ nhiệm làm Phó Giám đốc của Đoàn. Ông đã là người “lĩnh xướng” dìu dắt đội ngũ hơn 50 diễn viên, ca sĩ của Nhà hát trở thành những tên tuổi từng một thời gắn bó với sân khấu thủ đô như Trung Đức, Minh Thúy, Sao Mai, Minh Đức, Tấn Minh, Quang Tám, Tuấn Phương... Nhiều năm liền, ông vừa là người quản lý, người chỉ đạo nghệ thuật, ông đã đưa Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long du viễn dọc đất nước. Bản thân ông cũng đã gắn tên tuổi mình với những ca khúc thắm tình đồng đội, như “Bài ca Trường Sơn” (Trần Trung), “Tiếng hát về những thành phố biển” (Thế Song), “Nhịp cầu nối những bờ vui” (Văn An)...


Danh tiếng của Lê Trọng Nghĩa đã được khẳng định trong làng nhạc Việt khi vào năm 1983, ông đã vinh dự được chọn làm thành viên Ban Giám khảo Cuộc thi Âm nhạc tài năng trẻ được tổ chức tại Tiệp Khắc. Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Thông tin - Truyền thông) mà cụ thể là đồng chí Bộ trưởng, cố nhạc sĩ Trần Hoàn đã đánh giá ông là một giọng hát vững vàng và thường xuyên cử ông là người đại diện đi giao lưu với các hoạt động âm nhạc quốc tế. Ông là một trong 5 ca sĩ xuất sắc thời đó gồm NSND Trung Kiên, NSND Quý Dương, NSND Trần Hiếu, NSND Quang Thọ đã cùng Dàn hợp xướng Nhà hát Lớn Mátxcơva biểu diễn trong Ngày Văn hóa Việt Nam tại Liên Xô (cũ).


Hơn 15 năm làm chỉ đạo nghệ thuật, NSND Lê Trọng Nghĩa đã được đi đến cùng với niềm say mê âm nhạc thuở nhỏ của mình. Ông cùng chị gái là ca sĩ Tuyết Nhung, Đài Tiếng nói Việt Nam, anh rể là nhạc sĩ Văn Dung đã làm nên một truyền thống gia đình say mê nghệ thuật.


Ông bảo rằng, cuộc sống dần đổi thay với nhiều sự kiện lớn nhỏ của đất nước, nhưng có lẽ, những tháng ngày vượt mưa bom, bão đạn ra chiến trường để hát cho bộ đội nghe, cũng như những tháng ngày chung lưng đấu cật để dựng xây một Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long với nhiều những thăng trầm, luôn là ký ức đẹp để ông tiếp tục chăm lo cho chặng đường nghệ thuật và tình yêu âm nhạc vẫn còn đầy đam mê trong tâm hồn mình.


Trần Hoàng Thiên Kim

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN