Lễ tế Thần nông đầu xuân

Thái Bình là tỉnh đồng bằng, bốn bề sông nước bao quanh, từ xưa tới nay nổi tiếng với truyền thống thâm canh lúa nước và trồng các loại cây hoa màu.

Thái Bình còn lưu giữ hàng trăm lễ hội văn hóa dân gian truyền thống như: Hội Đền Quan, hội xuân làng Tống Vũ, hội xuân ở chùa Keo, hội xuân đền Chòi, hội đền Tiên La, hội xuân làng La Vân với tục trình nghề tứ dân: sĩ, nông, công, thương… song có một lễ hội không kém phần độc đáo hiện đang được duy trì ở Thái Bình đó là: Lễ hội tế thần nông hay còn gọi là tục lễ té nước, rước thần nông ở làng Thụy Thú xưa (nay là làng Lộc Thọ, xã Độc Lập, Hưng Hà).

Đền thờ Đinh Triều Quốc Mẫu và 4 vị Thần Hoàng (là 4 vị tướng của Triều Đinh).

Theo truyền thuyết, lễ hội đầu xuân tế thần nông ở làng Lộc Thọ được thân mẫu của vua Đinh Tiên Hoàng là bà Thiềm Nương (Đàm Thị) đem tới và truyền lại cho dân làng Thụy Thú cách đây hơn 1.000 năm. Ngày nay lễ hội này vẫn được dân làng bảo lưu, duy trì và tổ chức lễ hội vào dịp đầu xuân từ ngày 5 - 7 Tết Nguyên đán hàng năm.

Điều đặc biệt là hiện nay trong lễ hội tế ở làng Lộc Thọ còn lưu truyền tục lễ tế thần nông tương truyền do bà Đàm Thị và các tướng truyền lại cho dân làng Thụy Thú.

Trước ngày diễn ra lễ hội một ngày (ngày 4/1/âm lịch), dân làng chọn một lực điền khỏe mạnh, có tư chất tốt, cho đánh trâu ra cánh đồng trước đền chọn một mảnh ruộng tốt, nằm sát đường làng, để bừa và làm đất tơi xốp. Cùng ngày mồng 4 Tết, ông thủ từ đền, đình làng, theo lệ làng, tắm rửa nước thơm, chay tịnh để chuẩn bị làm lễ xuống đồng tế Thần nông cho ngày hôm sau.

Sáng ngày 5 Tết vị thủ nhang mặc quần lương, khăn xếp, áo chùng thâm, tay phải cầm bó mạ, tay trái cầm cành nêu, dài 5 m; mang ra cánh đồng đầu làng. Theo sau là đội kèn bát âm, trống rong cờ mở, (cờ xí cắm dọc từ đền, đình ra tới tận cánh đồng) - tiếp đó là các quan viên hàng huyện, hàng tổng, chánh phó lý trưởng, hào mục và bà con trong và ngoài làng tới dự lễ hội.

Vị thủ nhang ra tới ruộng (đã được cày bừa và tát nước đổ vào từ hôm trước) thì bước ra giữa ruộng cắm cành nêu bằng tre; sau đó cầm bó mạ làm động tác cấy mạ xuống ruộng. Trong khi đó quan viên hàng huyện, hàng tổng, hàng xã cùng lội xuống ruộng thi nhau té nước vào người cấy (coi đó là vị Thần nông) trong tiếng trống hội rộn ràng. Người nào được té càng nhiều nước vào người càng tốt. Theo quan niệm của dân làng nếu năm đó người cấy ruộng trong thời gian cấy một bó mạ nhỏ mà bị té ướt từ đầu xuống đến chân thì năm đó làng được mùa to.

Sau khi người thủ nhang cấy hết bó mạ trên tay thì mọi người dừng té nước. Thông thường cứ phải sau ngày lễ tế Thần nông và tổ chức lễ hội ở đình cúng Thần nông thì người dân trong vùng mới được xuống đồng cấy lúa làm mùa. Sau lễ té nước, mọi người trở về đền và đình để làm lễ tế Thần nông và tế các vị thần hoàng làng cùng Đinh Triều Quốc mẫu Đàm Thị. Bản thần tích của làng còn ghi lại bài văn tế thần nông thường được đọc tế vào chiều ngày 4 âm lịch (sau khi lễ té nước kết thúc).

Trong thời gian lễ hội, ngoài phần lễ còn có phần hội với các tục thi làm bánh dày, gói bánh chưng, thi biểu diễn võ thuật và đấu gậy của trai làng cùng với các huyện trong tỉnh. Buổi tối thường có tổ chức diễn chèo, tuồng và thi hát đối giữa các thôn xóm trong làng.

Tục tế Thần nông đầu xuân của làng Lộc Thọ là một lễ hội rất quý, tiêu biểu cho truyền thống của vùng đồng bằng trồng lúa nước, tôn thờ Thần nông. Đây là một trong những lễ hội độc đáo thể hiện rõ truyền thống nông nghiệp thâm canh lúa nước của vùng đồng bằng sông Hồng nói chung, tỉnh Thái Bình nói riêng, còn được lưu truyền cho tới tận ngày nay trên vùng đất làng Lộc Thọ tỉnh Thái Bình vì thế nó cần được bảo lưu, nghiên cứu và kế thừa thể hiện rõ tinh thần: Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây của dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay.

Thần tích và thần phả tại đền thờ Đinh triều Quốc mẫu còn lưu tại làng Lộc Thọ cho biết: Sau khi vua Ngô Quyền mất, đất nước lâm vào cảnh cát cứ của 12 sứ quân, trong đó có sứ quân Đinh Bộ Lĩnh dấy cờ nghĩa ở động Hoa Lư (Ninh Bình). Để tăng sức mạnh quân sự Đinh Bộ Lĩnh đã liên kết với sứ quân Trần Lãm ở vùng Kỳ Bố - Hải Khẩu và trở thành con nuôi của vị tướng quân vùng ấy. 

Sau khi về với Trần Lãm, Đinh Bộ Lĩnh được cử về trấn giữ ở vùng đất Trang Thụy Thú (nay làng Lộc Thọ) để lập căn cứ chống lại sứ quân Đằng Châu là Phạm Bạch Hồ đang cát cứ ở vùng đất Châu Đằng (Kim Động - Hưng Yên) ngày nay. Đinh Bộ Lĩnh đã cùng các tướng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Công, Sát Công, Phạm Thành, Phạm Thọ, Lê Hoàn... về đóng đồn ở Doanh Đầu (thuộc trang Thụy Thú), nay vết tích tường thành cũ vẫn còn. Theo thần phả thì bà Thiềm Nương (Đàm Thị) vốn có tài cung kiếm võ nghệ. Bà đã theo con trai (tức Đinh Bộ Lĩnh) về đóng quân ở vùng đất Trang Thụy Thú. Sau này khi thế lực đã mạnh, Đinh Bộ Lĩnh để thân mẫu ở lại Trang Thụy Thú tự mình dẫn quân đánh dẹp các sứ quân. Khi sắp xưng vương, ông cho người về Trang Thụy Thú đón mẹ, nhưng do ốm nặng bà không về Hoa Lư được và mất tại Trang Thụy Thú. Vua Đinh Tiên Hoàng đã lệnh cho táng mẹ ở Doanh Đồn (Thụy Thú), tương truyền huyệt đào sâu 1 trượng 2 thước (khoảng 4,8m). Trên mặt huyệt dùng đá san lấp lên, sau này khi Đinh Bộ Lĩnh mất, Lê Hoàng lên ngôi vua, dân làng đã xây miếu ở trên mặt mộ để thờ. 

Theo thần tích thì vua Đinh khi còn sống đã miễn giảm tô thuế cho dân Thụy Thú và từ đó thôn Thụy Thú được triều đình coi như một làng thuộc con dân quê cũ của mẹ vua. Ngoài ra vua còn cấp 51 mẫu ruộng và 4 hốt bạc để dân làng canh tác, phụng thờ đèn nhang coi giữ miếu đường lưu truyền mãi về sau.


Bài và ảnh: Đặng Hùng
Lễ hội đua thuyền đuôi én Mường Lay
Lễ hội đua thuyền đuôi én Mường Lay

Ngay trong ngày đầu tiên của năm mới 2016, tại thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên) đã tưng bừng diễn ra Lễ hội đua thuyền đuôi én lần thứ II và Ngày hội thể thao văn hóa các dân tộc thị xã.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN