Lễ hội xuân đang đánh mất nét tôn nghiêm

Lễ hội đền Phủ Na (xã Xuân Du, huyện Như Thanh, Thanh Hóa) diễn ra hàng năm từ Tết Nguyên đán kéo dài đến sau rằm Nguyên tiêu, thu hút hàng vạn lượt khách thập phương đến dâng hương, cầu lộc, cầu may. Tuy nhiên, nơi đây vẫn tồn tại nhiều hình ảnh nhếch nhác, làm mất đi hình ảnh đẹp và và sự tôn nghiêm chốn linh thiêng.

Đền Phủ Na hay còn gọi là Na Sơn Động Phủ, nằm trên địa bàn xã Xuân Du, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa, bên dưới chân núi Nưa (nơi danh tướng Triệu Thị Trinh dấy binh đánh tan quân Đông Ngô xâm lược). Đây là nơi có phong cảnh hữu tình, có khe suối, có rừng thông hàng chục năm tuổi, có căn cứ địa cách mạng trong những năm kháng chiến… làm nên một Phủ Na đẹp như tranh. Vào những ngày hội, khách thập phương về đây dâng hương, lễ bái, cầu tài, cầu lộc. Lễ hội đền Phủ Na kéo dài trong suốt tháng 1 và tháng 8 âm lịch hàng năm. Đền thờ nhiều thần thánh, nhưng nổi bật là thờ Bà Triệu, công chúa Liễu Hạnh, mẫu Thượng Ngàn… Du khách đến Phủ Na dâng hương cầu may mắn, bình an, mùa màng tươi tốt, thưởng ngoại cảnh vật, mua các thứ đặc sản của miền núi về làm quà như sắn dây, chè tươi, lá đắng, xin nước thánh…


Tuy nhiên, ngoài những nét đẹp văn hóa tâm linh, năm nào cùng vậy, những hình ảnh "gai mắt” vẫn còn tồn tại và ngang nhiên diễn ra tại đây. Khác với sự tĩnh lặng, tôn nghiêm thường thấy ở chốn tâm linh, cảm nhận đầu tiên khi bước vào cổng đền là sự nhộn nháo, bát nháo chẳng khác gì một “hội chợ” với hàng chục mặt hàng từ thực phẩm đến đồ gia dụng được bày bán tràn lan hai bên vệ đường. Mỗi quầy hàng một loa quảng cáo phát liên tục, tạo nên không khí hỗn loạn, gây khó chịu cho du khách đến đây dâng hương, vãn cảnh.


Để tránh tình trạng ép giá, ép khách, địa phương đã bố trí nơi để Hội Người cao tuổi của xã viết sớ đáp ứng nhu cầu của khách lễ. Tuy nhiên, nhiều điểm viết sớ tự phát vẫn ngang nhiên mọc lên như nấm, chèo kéo khách gây mất trật tự… Hai bên đường dẫn vào đền, người ăn xin với đủ mọi lứa tuổi ngồi la liệt khắp nơi xin tiền du khách, tạo nên sự nhếch nhác. Dọc đường lên suối “nước thánh”, cảnh đỏ đen, bắn phí tiêu, chơi tôm cua, cá vẫn tồn tại, gây nên sự phản cảm giữa chốn linh thiêng… khiến nhiều du khách phải suy ngẫm.


Đặc biệt, trong khuôn viên của Di tích đền Phủ Na, Ban Quản lý đã để cho người dân vô tư dựng lều lán để bán hàng ăn ngay bên trong di tích. Mùi thức ăn các loại bốc lên khiến du khách khó chịu. Không những thế, tại các hàng quán, giấy ăn, chai lọ đã qua sử dụng… vứt ngổn ngang nhếch nhác, bẩn thỉu. Ngoài ra, tại các đền, hàng chục người chèo kéo du khách bốc quẻ đầu năm; lợi dụng sự cả tin của du khách để thu từ 30 - 50 nghìn đồng với những mảnh giấy màu cầu tài, cầu may sau khi du khách bỏ vào ví… Cảnh tượng lấy “nước thánh” cũng khiến nhiều người không khỏi lắc đầu ngao ngán, cảnh chen lấn tranh giành, xô đẩy nhau… để được lấy nước thánh, được rửa mặt. Bởi theo các vị cao niên trong làng, nước suối Phủ Na rất thiêng, tắm rửa bằng nước này sẽ được nhiều may mắn, làm ăn thuận lợi…


Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Ngọc Quỳnh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Xuân Du, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã thừa nhận các hình ảnh “phản cảm” trong lễ hội ở Đền Phủ Na vẫn còn tồn tại, mặc dù chính quyền đã có nhiều cố gắng trong việc quản lý, đảm bảo an ninh trật tự. Thời gian tới, xã sẽ tham mưu với UBND huyện Như Thanh tăng cường thêm lực lượng thanh niên tình nguyện, dân quân, dân sự... để giải quyết triệt để những hình ảnh còn chưa đẹp trong các mùa lễ hội sắp tới...


Không chỉ ở Phủ Na, nhiều du khách đi trẩy hội tại Đền Nưa – Am Tiên, thuộc xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa, nơi gợi nhớ về lịch sử chiến đấu oai hùng của nghĩa quân Bà Triệu năm 248, cũng bức xúc với nhiều dịch vụ tự phát nơi đây. Ngay dưới chân núi, Ban Tổ chức cấm xe ô tô 16 chỗ lên đền Nưa nhưng lại có hàng chục xe ô tô 16 chỗ gắn biển "xe đưa đón khách" làm dịch vụ lại chở khách lên đền. Khi du khách đến gần đến chân đền (cách đền khoảng 500 m), tất cả các phương tiện giao thông đều bị chặn lại để yêu cầu gửi xe trong bãi. Tuy nhiên, tại đây lại có đội xe ôm với hàng chục người chèo kéo chở khách vào tận cửa đền, gây rất nhiều bức xúc cho du khách thập phương.


Thiết nghĩ, để chốn linh thiêng thật sự là nơi để người người cảm thấy bình yên, thanh tịnh mỗi khi tìm về, chính quyền địa phương cần có những biện pháp mạnh hơn để ngăn chặn, dẹp bỏ những tồn tại nêu trên.

Khiếu Tư
Hành vi tranh cướp lộc làm biến dạng các giá trị truyền thống lễ hội
Hành vi tranh cướp lộc làm biến dạng các giá trị truyền thống lễ hội

Lễ hội vốn được biết đến là hoạt động văn hóa mang tính cộng đồng, chứa đựng các giá trị truyền thống; ở đó con người gửi gắm những ước mơ chính đáng về cuộc sống tốt đẹp hơn. Thế nhưng, nhiều lễ hội đang dần mất đi các giá trị ban đầu mà thay vào đó là sự biến tướng các nghi lễ hoặc pha tạp các hoạt động khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN