Lãng du cùng Phạm Công Thắng

Hơn 40 năm cầm máy, là hơn 40 năm nhà báo - nghệ sỹ nhiếp ảnh Phạm Công Thắng (ảnh) lang thang trên mọi nẻo đường của đất nước, kiếm tìm và lưu giữ lại những khoảnh khắc ấn tượng, khó quên. Để đến hôm nay, Phạm Công Thắng lại đưa độc giả “lãng du” qua những bức ảnh được tuyển chọn và giới thiệu trong cuốn sách của mình.

180 bức ảnh, được tuyển lựa kỹ lưỡng từ hàng vạn tác phẩm ảnh mà nhà báo, NSNA Phạm Công Thắng đã chụp trong hơn 40 năm ông gắn bó với nghề cầm máy. Tựa đề “Lãng du cùng Phạm Công Thắng”, cũng đã nói lên phần nào chất lãng mạn, thú dịch chuyển và khao khát khám phá và lưu giữ những khoảnh khắc đáng nhớ trong những chuyến đi của Phạm Công Thắng. Và quả thực, khi ngắm nhìn những tác phẩm ảnh của ông, người xem dễ “ngẩn ngơ” trước những vẻ đẹp dung dị, khoáng đạt, những hình ảnh đầy chất thơ, những hình ảnh hiện thực nhưng rất đỗi nhân văn... để rồi, “lãng du” cùng ông qua nhiều vùng miền, với nhiều chủ đề khác nhau.

Nhà báo - nghệ sỹ nhiếp ảnh Phạm Công Thắng

Trong “Lãng du cùng Phạm Công Thắng”, các tác phẩm ảnh được sắp xếp theo từng chủ đề khác nhau. Ông lựa chọn thủ đô, nơi ông đã gắn bó nửa đời làm chủ đề đầu tiên cho cuốn sách. Hà Nội trong những bức ảnh của Phạm Công Thắng giản đơn, nhưng vô cùng tinh tế và giàu ý tưởng, mang đến những cảm xúc khó tả cho người xem. Như tác phẩm “Nhịp phố”, với người, 3 hoàn cảnh, 3 hướng đi khác nhau, chỉ có một điểm chung là bóng đều đổ xuống mặt đường, hay tác phẩm “Nét trầm tư” chụp ông đồ già vẽ tranh thư pháp, rồi “Bóng đổ chiều nghiêng” thì đúng là sự phát hiện của một kẻ lãng du chính hiệu...

Nói đến vẻ đẹp Việt, Phạm Công Thắng đưa người xem trở về với miền quê Thanh Hóa quê ông với tác phẩm “Thanh thản”, là những bè luồng - một đặc sản của xứ Thanh lặng lẽ trôi trên dòng sông Mã hiền hòa. Rồi từ đó, ông lại dẫn dắt người xem chiêm ngưỡng vẻ đẹp trên mọi miền của đất nước. Từ miền núi phía Bắc, miền trung du, với những làng quê quan họ, tới miền Trung và Nam Bộ. Làng quê Việt là mảng chủ đạo trong bộ sưu tập ảnh của Phạm Công Thắng, chính vì vậy, những “Mảnh hồn làng” trong ảnh của Phạm Công Thắng là những hình ảnh rất đỗi thân quen như mái rạ, hơi cơm, khói bếp, những ruộng đồng, bờ bãi, mùa vụ... ở đó, người xem bắt gặp những ánh nhìn hồn hậu, thấy màu nắng nhuộm vàng thảm lúa, được ngắm những bà mẹ quê, cô gái quê, anh trai quê, mảnh vườn quê... đã in sâu trong tâm trí của mỗi người.

Trong “Lãng du cùng Phạm Công Thắng”, người xem còn được ngắm những đôi “mắt trong veo” của trẻ thơ. Dù là em bé vùng cao áo quần xộc xệch, tóc tai rối bời, hay những em bé trong phố sạch sẽ thơm tho chưa bao giờ biết đói..., dưới góc nhìn của Phạm Công Thắng đều vô cùng đáng yêu. Người xem cũng được cảm nhận vẻ đẹp của cảnh sắc vùng cao trên dải đất hình chữ S qua chủ đề “Nắng rẻo cao”. Và đồng hành trong bước “lãng du” của Phạm Công Thắng không thể thiếu những bạn tri âm, là các nghệ sĩ, nhà thơ, nhạc sĩ, là những bậc cao niên và là cả đơn vị, tập thể đã đồng cảm với tác giả trong quá trình sáng tác.

“Bạn đến chơi nhà”, một trong những bức ảnh của Phạm Công Thắng được đồng nghiệp và người xem đánh giá cao.

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam cho biết, xem những bức ảnh của Phạm Công Thắng, ta như được lãng du vào một thế giới thu nhỏ, vừa quen, vừa lạ. Quen bởi những hình ảnh quê hương mộc mạc, thân thương, với mảnh ao làng đồng ngô bãi mía, trẻ nhỏ nô đùa rộn rã, mẹ già lầm lũi trong sương chiều, con đường rợp bóng tre, lạ vì những góc máy chông chênh giữa thời gian, không gian mà người nghệ sỹ nhiếp ảnh, bằng cảm quan nghệ thuật của mình đã ghi lại được.

Nghệ sỹ Nguyễn Thành, Phó Ban Lý luận phê bình, Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam đánh giá, ảnh của Phạm Công Thắng làm cho người ta dễ dàng nhận ra phong cách sắc sảo của một người đã quen với ống kính báo chí, đồng thời rất bay bổng dưới con mắt của người nghệ sĩ. Hiện thực đấy, nhưng nó vượt lên để diễn tả một tâm trạng làm cho người ta cứ phải suy tư cả ở phía sau cái mặt phẳng hai chiều của ảnh. Trong cuốn sách ta nhận thấy ngập tràn những ký ức của Phạm Công Thắng, ông sàng lọc những ký ức đẹp nhất để phát hiện và tái tạo.

Ông hướng ống kính của mình vào những công việc gắn bó với cuộc sống con người, vào cánh đồng quê, làng mạc, để nhìn thấy những phận người nổi trôi theo đời sống. “Xem những tác phẩm ảnh của Phạm Công Thắng, người xem nhận ra mạch nguồn cảm xúc của tác giả trước những đề tài quen thuộc nhưng lại có sự khám phá mới với góc nhìn khác biệt. Những xóm vắng mà sau những hàng cây đầy ắp những tình người. Mái dạ, hơi cơm, làn khói bếp với những con người đôn hậu, mà cái tình trong ảnh của ông cứ ngọ nguậy như muốn bung ra khỏi khuôn hình. Người xem cứ bị cuốn hút bởi những cảm xúc này, ông lặng nhìn cuộc sống và tìm ra vẻ đẹp từ những cuộc đời bình dị đó”, nghệ sỹ Nguyễn Thành chia sẻ.

NSNA Phạm Công Thắng tâm sự, cuốn sách ảnh này được ông nung nấu trong 2 năm mới hoàn thành. 180 bức ảnh trong cuốn sách với đầy đủ các dạng sinh hoạt, phong cảnh, con người... được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng tất cả, đều mang đến cho người xem một thông điệp: Cuộc sống trải qua nhiều những đắng cay, ngọt bùi, có lúc bi quan, chán nản, nhưng trên tất cả, chúng ta vẫn hướng đến cái đẹp nhất, cái chân thiện mỹ của cuộc đời.

Nhà báo - NSNA Phạm Công Thắng, sinh năm 1953, tại Thanh Hóa. Nghệ sĩ nhiếp ảnh quốc tế (AFIAP), nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (AVAPA), hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội. Ông đã có nhiều tác phẩm ảnh đoạt giải thưởng trong nước và quốc tế.


Lan Lộc/Báo Tin Tức
Trọn đời cống hiến cho nền nhiếp ảnh Việt Nam
Trọn đời cống hiến cho nền nhiếp ảnh Việt Nam

Dù đã gần 20 năm từ giã cõi đời nhưng hình ảnh người phóng viên, chiến sĩ, nghệ sĩ chiến trường Lâm Tấn Tài luôn sống hết mình vì sự nghiệp phát triển nhiếp ảnh Việt Nam vẫn là tấm gương sáng trong tâm thức của người thân, đồng nghiệp và các thế hệ học trò.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN