Kỷ niệm nhỏ về một người anh lớn

Nhà báo Nguyễn Đức Giáp (ảnh), nguyên Phó tổng giám đốc TTXVN, nguyên Thư ký tòa soạn Báo Tuần tin tức - một trong những trụ cột đầu tiên gây dựng Tuần Tin Tức - tiền thân của Tin Tức bây giờ vừa về cõi vĩnh hằng cùng Cố Tổng giám đốc TTXVN - Tổng biên tập Tuần Tin Tức Đào Tùng và các cố nhà báo Lê Đình Khuyến, Phạm Vũ Tâm, Hoàng Dương, Nguyễn Mạnh Chung... những nhà báo từng là Tổng biên tập, Phó tổng biên tập Tuần Tin Tức, Tin tức Buổi chiều và Tin Tức.


Thật buồn lòng vì Nhà báo Nguyễn Đức Giáp ra đi khi chỉ vài ngày nữa là đến ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21 tháng 6. Năm tháng qua đi, báo chí qua hồi sôi sục bỗng trở nên trầm lắng và những người đã và đang làm Tin Tức càng thấm thía công lao gây dựng suốt hơn 30 năm qua trong mỗi chặng đường từ Tuần Tin Tức, Tin tức Buổi chiều và nay là Tin Tức đầy đủ vị thế, chững chạc trong làng báo Việt Nam của những người đã khuất.

Tấm gương về tinh thần tự lập tự rèn

Nhà báo Nguyễn Đức Giáp, là một nhà báo tài năng và tâm huyết với nghề, một tấm gương sáng về ý chí tự lập, tự rèn, tự học mà thành tài. Nhớ về Nguyễn Đức Giáp là nhớ về thuở ban đầu từ lớp phóng viên sau hòa bình được qua lò lửa luyện rèn nên một đội ngũ phóng viên biên tập viên giỏi giang sau này nắm giữ những vị trí quan trọng nhất của TTXVN. Chúng tôi nhớ về nhà báo Nguyễn Đức Giáp một trong những phóng viên tổng xã đầu tiên có mặt ở chiến trường Nam Bộ trong đội hình TTXGP kịp thời ra trận trong Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968. Chúng tôi nhớ về những ngày tháng vinh quang khi Tuần Tin Tức ra đời với ý chí quyết tâm xây dựng tờ báo thành ngọn cờ chống tiêu cực của báo chí Việt Nam mà người khởi xướng, người chỉ đạo thực hiện bằng được là Cố Tổng giám đốc Đào Tùng, Phó Tổng giám đốc Đỗ Phượng và một người trực tiếp thực hiện là Thư ký tòa soạn Nguyễn Đức Giáp.

Nhà báo Nguyễn Đức Giáp sinh ngày 3 tháng 5 năm 1934 trong một gia đình văn hóa ở huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An. Bá phụ ông là Nhà văn Nguyễn Đức Nguyên - Hoài Thanh, cây đại thụ của giới phê bình văn học Việt Nam nổi tiếng vượt thời gian. Thân phụ Nguyễn Đức Bính và thân mẫu Nguyễn Phương Du đều là nhà giáo trọn đời vì sự nghiệp trồng người. Giáo giới và văn đàn nước ta vẫn ghi nhớ nhà giáo - nhà văn Nguyễn Đức Bính với những nghiên cứu độc đáo về Hồ Xuân Hương. Và cả ba anh em ông Nguyễn Đức Giáp đều là nhà báo.

Nguyễn Đức Giáp bắt đầu lập thân năm 1953 bằng nghề dạy học theo truyền thống của gia đình ở Nghi Lộc - Nghệ An. Anh giáo Giáp dạy trường huyện chỉ được một năm thì hòa bình lập lại sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Chí tang bồng khiến anh muốn đổi nghề ngõ hầu được đi đó đi đây nên năm 1954, cách đây tròn 60 năm, thầy giáo trẻ Đức Giáp có một bước ngoặt lớn trong đời khi dứt bỏ nghề dạy học để chuyển về công tác ở VNTTX nay là TTXVN, theo học lớp đào tạo phóng viên khóa I của cơ quan. Năm 1955 ông đã là biên tập viên bản tin thế giới. Vừa làm vừa tự học, chẳng bao lâu sau ông đã sử dụng tiếng Pháp tiếng Anh và cả tiếng Trung Quốc trong công tác biên tập tin tức. Bạn bè cùng trang lứa luôn ghi nhận tinh thần ham học hỏi hiếm có của biên tập viên trẻ Đức Giáp trong những năm tháng làm biên tập viên ở ngôi nhà 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội cũng như ở Giải phóng xã B37 Lộc Ninh, Tây Ninh.

Tài năng người “truyền lửa”

Nhà báo Nguyễn Đức Giáp (ngồi sau) trên đường tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư Liệu


Hơn 10 năm ở chiến trường, nhà báo Đức Giáp vừa làm thợ vừa làm thầy đã truyền nghề cho nhiều anh chị em biên tập, phóng viên mới vào nghề, để lại cho anh em phóng viên trẻ lớp GP 10 nhiều ấn tượng sâu sắc về một đàn anh tin cậy. Những chiều ở B37 Lộc Ninh căn cứ của TW cục - Giải phóng xã anh em vẫn thấy một người đàn ông gầy guộc trong bộ quần xà lỏn, áo may ô màu cháo lòng bập bùng từ những giai điệu của dân ca Nghệ Tĩnh, quan họ Bắc Ninh đến những khúc nhạc Vũ khúc Tây Ban Nha, Phiên chợ Ba Tư lay động và thổn thúc lòng người. Đến cuối năm 1975 ông mới trở lại Tổng xã sau khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cả trong hai vai làm nghề và truyền nghề cho những phóng viên trẻ của Giải phóng xã…

Tôi gần gũi với ông còn vì một lẽ khác. Nhạc phụ ông là thầy Nguyễn Bang từng dạy tôi khi còn học ở trường cấp III Chu Văn An, Hà Nội. Trò nhận ra thầy nhân lễ cưới con gái cụ là Nguyễn Ngọc Bích và chàng rể Nguyễn Đức Giáp.

Báo Tuần Tin Tức ra đời được 8-9 năm thì tôi được cử là Phó Tổng biên tập khi đang làm Trưởng phân xã Hà Nội. Và lúc đó ông Đức Giáp cũng đã giao chức Thư ký tòa soạn cho Hoàng Dương. Tuy nhiên theo chỉ đạo của Tổng giám đốc Đỗ Phượng, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Đức Giáp vẫn duyệt các bài trong nước và PTGĐ Hồ Tiến Nghị duyệt tin bài quốc tế. Những bài chống tiêu cực “đụng” đến bộ ngành, tỉnh, thành phố thì cả ba ông sẽ quyết. Hồi đó làm báo vất lắm. Ngày dàn trang là căng thẳng vì báo không có họa sĩ riêng mà phải nhờ họa sĩ Xuân Viễn ở An ninh Thủ đô trình bày bằng bút xanh bút đỏ kẻ kẻ vẽ vẽ và ảnh thì phải gửi trước để còn làm bản kẽm.

Không ít lần ông Đức Giáp yêu cầu trình bày lại trang bìa vì chọn bài vơ đét không chuẩn phải chỉnh. Tôi vẫn nhớ nhiều lần đang “tự sướng” vì đặt được cái tít bài ưng ý nhưng đến khi trình ông duyệt, ông lướt qua rất nhanh và sửa tít ngon lành hơn, hấp dẫn hơn. Nhiều cái tít do ông đặt đã được cánh bán báo thu âm phát rao ầm ĩ đường phố và báo Tuần Tin Tức không còn mà mua.

Sau lễ kỷ niệm 10 năm Tuần Tin Tức ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, tôi được Bộ Biên tập cử làm Phó tổng biên tập Việt Nam courier và Le courrier du Việt Nam và lại là người giúp việc cho nhà báo Đức Giáp khi ông được Tổng giám đốc Đỗ Phượng cử là Tổng biên tập hai tờ báo tiếng tây mà TTXVN mới tiếp nhận từ Bộ Ngoại giao. Đó là một thời kỳ đáng nhớ của tôi vì làm báo cảnh “hồn Trương Ba da hàng thịt” bởi đội ngũ phóng viên chủ lực của báo từ tôi đến Kim Điệp, Thanh Tài, Hoàng Yến chỉ mới học merci - thank you và trông chờ nhóm rành ngoại ngữ như Phạm Thịnh, Đỗ Lê Châu, Phạm Đức Hoàng Tuân chuyển ngữ, may thì hay, không may thì quá ngượng khi mang báo biếu đến các quan chức giỏi tiếng Anh tiếng Pháp. Trong vai trò TBT, nhờ thành thạo hai ngoại ngữ này, ông Đức Giáp luôn giữ được hồn cốt của tờ báo đối ngoại chững chạc của TTXVN. Sau này Vietnam Courier sáp nhập với Vietnam News còn Le courrier du Việt Nam chỉ xuất bản số dimanche và báo quotidien nay chỉ là trang báo điện tử.

Nghiêm minh và độ lượng

Nhớ lại thập niên 90 của thế kỷ trước - một giai đoạn chuyển mình quan trọng của TTXVN với việc phát triển nhiều ấn phẩm mới như Tuần Tin Tức, Thể thao - Văn hóa, Khoa học - Công nghệ, Le courrier du Việt Nam, Việt Nam courier và một số đơn vị sự nghiệp có thu, đơn vị kinh doanh của TTXVN. Bằng tâm huyết và trách nhiệm của một cán bộ Đảng viên, ông đã sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Phó Tổng Biên tập Thể thao Văn hóa, Thư ký tòa soạn Báo Tuần tin tức, Tổng Biên tập báo tiếng Anh Vietnam Courier, báo tiếng Pháp Le Courrier du Việt Nam, Giám đốc Công ty thu phát tin ảnh tổng hợp, Giám đốc Công ty Tin học (nay là Công ty TNHHMTV In & Thương mại TTXVN) và rất nhiều chức danh kiêm nhiệm khác của cơ quan TTXVN được giao cho nhà báo Nguyễn Đức Giáp.

Cán bộ, phóng viên, nhân viên các đơn vị do ông trực tiếp phụ trách nhớ mãi về ông với những đức tính trung thực thẳng thắn nghiêm minh nhưng độ lượng, nhân ái vị tha của người đứng đầu. Ngôi nhà ông không mấy ngày không có khách lui tới từ bạn đồng hương, văn nhân tới chính khách, thương gia… bởi ông có tấm lòng rộng mở lại ưu thời mẫn thế.

Sau này ông tâm sự, trong những công việc được giao, ông “kinh” nhất là quản lý tài chính với những mớ bòng bong quy định rắc rối về tài khoản này nọ giấy má chứng từ… May mà trong tay ban lãnh đạo cơ quan có một bộ tham mưu vững vàng nghiệp vụ giúp ông thực hiện thông dòng bén giọt nhiệm vụ tài chính của cơ quan TTXVN trong thời điểm đổi mới quan trọng về vật chất kỹ thuật.

Cách đây dăm năm, một lần ghé Ngõ Thọ Xương thăm ông, tôi được tặng tiểu thuyết mới xuất bản khi ông đã ở tuổi U80 khiến tôi “ngạc nhiên chưa”. Hóa ra ông vẫn nuôi mộng văn chương. Giá như ông không lâm bệnh trọng, biết đâu cây bút Hữu Thành sẽ còn cống hiến cho văn đàn nhiều tác phẩm nữa.

Giả tử bất đa luận. Nay ông đi mất rồi, mong ông thực sự vui thú nơi tiên cảnh với các tiền bối và anh em bạn bè đồng nghiệp. Còn tôi xin nghiêng mình tiễn biệt một người anh lớn trong nghề báo nghiệp báo ở TTXVN và ở báo Tin Tức.


Trần Đình Thảo (Nguyên PTBT Tuần Tin Tức)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN