Khởi nguyên Trần Trung Chính

Trần Trung Chính vừa giới thiệu với bạn vẽ, bạn văn một bộ 11 tranh sơn mài khổ lớn, trong đó có 7 tranh chung một tựa đề Khởi nguyên.

Họa sĩ Trần Trung Chính.


Tôi quen anh đã lâu, buổi đầu biết một Trần Trung Chính làm báo (bút danh Hân Hương, Hai Văn Sáu...). Anh phụ trách tờ Lao Động cuối tuần được dăm năm thì chuyển sang làm tổng biên tập tờ Người đô thị.


Đang làm báo có nghề và say mê, ai dè anh bất ngờ chuyển sang… nghiên cứu đô thị (với các chuyên đề lý thú và khó về Dịch vụ công cộng đô thị; Kế thừa các phương thức cung ứng dịch vụ cổ truyền Việt Nam trong thời kỳ đô thị hóa toàn diện). Hiện anh là Viện phó Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, thuộc Tổng hội Xây dựng Việt Nam.


Hẳn bạn đọc vẫn nhớ những truyện ngắn của anh đã in trên các báo và tập truyện “Cư trú” (NXB Hội Nhà văn 2006) gây xôn xao dư luận. Trong tập có 11 truyện, cách viết độc đáo mang hơi hướng của hiện thực huyền ảo, một thứ “Mác-két Việt Nam”- như đánh giá của nhà văn, dịch giả Dương Tường.


Còn nhà văn Ma Văn Kháng khi đọc tập này, bảo tác giả: “Mình thích kiểu viết ấy. Cậu làm đơn vào Hội (Nhà văn) đi…”Anh cảm ơn nhà văn đàn anh, nhưng không thấy viết đơn. Tôi có cảm tưởng, anh luôn nhảy từ việc này sang việc khác với cái cách ngẫu hứng của người nghệ sĩ và ở lĩnh vực nào anh cũng đạt được thành tựu nhất định.


Tôi đến nhà anh ở bán đảo Linh Đàm, thấy anh cởi trần trên tầng ba căn buồng khá rộng hí hoáy quyệt màu, cặm cụi mài đi mài lại trên tấm vóc. Xung quanh ngổn ngang toàn những đồ nghề của vẽ sơn mài: cọ thép, mo nang, bát đựng mầu, sơn cánh gián, giấy ráp, vỏ trứng, quỳ bạc, vàng dát mỏng… Thấy tôi nhìn bát đựng bột mầu vàng chóe, anh bảo bột xay từ vàng thật chín chín phần trăm đấy. Trên mấy cái giá gỗ có những tấm vóc đã được vẽ, được mài nhiều lần, hình khối cứ dần hiện.


Có thể nhận ra đều là cơ thể phụ nữ bị “bóp” trông giống những đám mây phổng phao lãng đãng trên trời xanh. Như anh tiết lộ, hoàn thành một bức tranh kích cỡ trên 1,2 mét khổ hình chữ nhật hay vuông như thế này cũng mất đôi ba tháng. Rõ là tiêu tốn thì giờ, công sức, tiền của vào đây không ít. Tôi chợt nghĩ: làm báo, làm văn, nghiên cứu đô thị không là gì, với tay này hội họa mới là… nhất!


Rồi bẵng đi một thời gian khá dài do bận không đến được, một hôm anh gọi điện cho tôi: “Đến xem tranh nhá. Gallery ở phố Lê Ngọc Hân”.


Giờ thì bạn họa sĩ của tôi đang đứng giữa những đứa con tinh thần mới tinh khôi lộng lẫy của mình. Được ngắm seri tranh hoàn chỉnh mới thấy ý đồ của của tác giả. Khởi nguyên - sự bắt đầu của thẩm mỹ nhân loại hẳn được gợi lên từ hình thể người đàn bà. Tranh anh có cái “Âu yếm phồn thực, nhục cảm một cách kín đáo”(chữ của nhà văn Dương Tường). Với tôi, nó là vẻ đẹp mạnh mẽ thủa hồng hoang của người phụ nữ gắn liền với chức năng sinh sản được cường điệu một cách chừng mực, dân dã. Xung quanh nhân vật chính còn thấp thoáng các loài thủy tộc: cá, rắn, mực ống… như ẩn dụ cho môi trường nước là tiên khởi của sự sống.


Tranh Trần Trung Chính gợi nhớ đến tranh của họa sĩ nổi tiếng người Áo Gustav Klimt (1862-1918) theo chủ nghĩa tượng trưng, luôn có những hoa văn lộng lẫy mang phong cách phương Đông vờn quanh tô điểm cho nhân vật chính của mình.


Sóng đỏ, một tranh trong bộ Khởi nguyên.


Hôm đó có khá đông văn nghệ sĩ, bạn anh. Một họa sĩ bảo: “Thường thì cách vẽ sơn mài của tôi hay nhiều người dùng nét giữ hình, còn đây lại dùng khối, mảng sáng tối giữ hình, tạo nên cách biểu hình giàu cảm xúc, rất riêng”. Nhà thơ Hoàng Hưng nhận xét: “Vững vàng về đường lối tổ chức, đẹp về hình và màu. Cảm giác nhục thể trong sáng, vẫn băn khoăn xao xuyến hay ám ảnh, thách thức”.


Ở phòng tranh còn có anh em văn nghệ Khu 5 đến “cổ vũ”. Chả là tuổi trẻ Trần Trung Chính gắn liền với Trường Sơn, với Khu 5 thời chống Mỹ. Năm 1972 đang học mỹ thuật ở Yết Kiêu, Hà Nội, anh lên đường vào Khu 5, sinh hoạt cùng chi hội văn nghệ với các nhà văn Nguyễn Chí Trung, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Khắc Phục, Trần Vũ Mai… Rồi làm báo Giải phóng Khánh Hòa, anh từng đi với Tiểu đoàn đặc công 407 đánh vào quân cảng Cam Ranh; cuối năm 1974, với đại đội 10 pháo binh pháo kích vào sân bay Thành Sơn, Ninh Thuận. Nước nhà thống nhất anh về học tiếp tại Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Rồi về Bộ Văn hóa thông tin, năm 1986 được cử sang Hunggari làm thực tập sinh tại Trường Cao đẳng mỹ thuật Budapes.


Hóa ra cùng với những đam mê báo chí, văn chương, hội họa mới đích thực là nghề, tuy có bị đứt quãng do chiến tranh. Bộ Khởi nguyên xác nhận một điều: mùa xuân này Trần Trung Chính tròn 60 tuổi, là lúc anh đang khởi nguyên những sáng tạo mới mẻ, mạnh mẽ, độc đáo của mình!


Phạm Quang Đẩu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN