Khó bảo tồn các di sản kiến trúc đô thị

Với lịch sử hình thành và phát triển hơn ba thế kỷ, chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa khác nhau nên TP Hồ Chí Minh có hệ thống di sản kiến trúc đô thị khá đa dạng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, dưới tác động của việc mở rộng, cải tạo các khu nhà ở, đường xá… đã khiến cho việc bảo tồn những kiến trúc đô thị Sài Gòn xưa gặp không ít khó khăn.

 

Biến dạng kiến trúc cổ


TP Hồ Chí Minh vẫn tồn tại nhiều kiến trúc cổ. Hầu hết những ngôi nhà cổ này được xây dựng theo kiến trúc từ đầu thế kỷ 20 và tập trung nhiều nhất ở những cung đường như: Hải Thượng Lãn Ông, Triệu Quang Phục, Nguyễn Án, Lương Nhữ Học... Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, những ngôi nhà này hiện chỉ còn giữ được dáng vẻ cổ kính bên ngoài, bên trong đã bị thay đổi hoàn toàn.

Các kiến trúc cổ đang bị đe dọa bởi nhiều cao ốc ở trung tâm thành phố.


Cô Hồ Thị Mai, chủ sở hữu một căn nhà cổ trên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5) cho biết: “Nhìn tổng thể bên ngoài ai cũng gọi là nhà cổ, tuy nhiên bên trong mọi thứ đã được thay đổi hết, đồ cổ trong nhà cũng chẳng còn cái nào. Tuổi thọ của những căn nhà ở đây được tính bằng cả trăm năm, đồ đạc mục rỗng hết cho nên chúng tôi phải thay đồ mới để sử dụng. Các hộ gần nhà tôi cũng sửa chữa thay mới, khác xưa rất nhiều”.


Không chỉ những dãy nhà cổ liền kề tại quận 5 bị biến dạng, những căn biệt thự cổ theo kiến trúc Pháp tại quận 1, quận 3 cũng đang dần bị mai một theo thời gian. Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, thành phố có khoảng 377 biệt thự xưa, tập trung chủ yếu ở quận 1, quận 3; trong đó có nơi hợp thành từng khu như trên đường Tú Xương, Lê Quý Đôn… Tuy nhiên, đến nay hầu hết các biệt thự trên đã được chuyển đổi công năng từ nhà ở sang trường học, nhà hàng, khách sạn hoặc văn phòng làm việc, thậm chí có nơi đã bị phá bỏ xây mới. Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cũng cho rằng, hiện cái lõi của khu trung tâm thành phố - khu trung tâm lịch sử - đang bị “phá phách” bởi hàng loạt cao ốc. Chẳng hạn như hình ảnh khối nhà Diamond Plaza và 3 tòa tháp Kumho mới mọc lên đã “đè bẹp” Bưu điện Thành phố với lối kiến trúc mái vòm độc đáo và Nhà thờ Đức Bà mang phong cách Gothique và Roman Pháp. Các khu vực quanh các công trình có giá trị lịch sử như Nhà hát thành phố, khách sạn Continental, trụ sở UBND thành phố và nhiều con đường trước đây có không gian tuyệt đẹp như Lê Duẩn, Đồng Khởi, Nguyễn Văn Cừ, Pasteur, Nguyễn Đình Chiểu… nay đều đã bị “cấy” thêm các cao ốc.


Cần sự bảo tồn của cộng đồng


Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có 30 di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, 47 di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố. Ngoài ra, còn có 57 công trình kiến trúc đô thị khác đã được khảo sát, đánh giá và một số công trình đã được UBND TP đưa vào danh mục kiểm kê di tích. Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy giá trị của những di tích kiến trúc này hiện nay đang gặp khó khăn.


“Theo thời gian những kiến trúc này đang bị xuống cấp, mặt khác do những kiến trúc cổ này thuộc sở hữu của cá nhân, Nhà nước muốn bảo quản nhưng tư nhân không chịu thì cũng khó bảo tồn. Do tâm lý người dân sợ nhà của mình được xếp vào hạng mục di tích cần bảo tồn thì họ sẽ mất nhà nên có không ít hộ dân không chịu nhận nhà mình là nhà có kiến trúc cổ. Ngoài ra, do việc nhiều kiến trúc cổ được người dân mua đi bán lại nhiều lần, mỗi người mua mới lại thêm một lần sửa chữa nên những giá trị kiến trúc cổ xưa cứ thế mà bị thay đổi, thậm chí có nguy cơ bị “xóa sổ”, ông Phạm Hữu Mý, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa TP Hồ Chí Minh, cho biết.


Để có thể bảo tồn những di sản quý giá này, theo TS Nguyễn Thị Hậu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, cần gắn bảng ghi một số thông tin cơ bản như năm xây dựng, do ai, kiểu kiến trúc, nhân vật nổi tiếng nào từng có mặt... và ngành du lịch cũng nên có tiêu chí xếp hạng “sao” từng giá trị lịch sử của các kiến trúc cổ, nhằm khuyến khích việc bảo tồn những công trình đẹp về kiến trúc của Sài Gòn để giới thiệu cho du khách. Mặt khác, việc xây dựng các công trình mới ở tuyến đường có các khu nhà có kiến trúc cổ cần đặt mục đích lưu giữ giá trị lịch sử - văn hóa là chính.


Trong khi đó, theo PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển để việc bảo tồn các di sản đô thị đạt kết quả khả quan thì phải đề cao vai trò của cộng đồng. “Người dân sẽ biết rõ nhất về những gì họ cần và khả năng của họ trong giải quyết những vấn đề bảo tồn di sản đô thị một cách tốt nhất. Sự tham gia của người dân là hình thức thể hiện sự cam kết cả cộng đồng cùng chung tay vào việc phát triển và bảo tồn các di sản đô thị hiện nay”.

 


Bài và ảnh: Hoàng Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN