Khi các Nhà hát vào guồng “xã hội hóa”

Không còn thời gian để “lùi” nữa, lộ trình xã hội hóa của các nhà hát đã bắt đầu triển khai từ năm 2015. Dù đã có nhiều năm để chuẩn bị tiềm lực, nhưng không phải nhà hát nào cũng “thuận buồm”. Xã hội hóa đòi hỏi sự năng động, nhạy bén ngay trong tư duy của lãnh đạo Nhà hát và bản thân các nghệ sĩ.


Một cảnh trong vở diễn "Trong biển lửa", được dàn dựng theo phương thức xã hội hóa của Nhà hát Tuổi trẻ. Ảnh: Thế Toàn


Khó khăn chung


Liên đoàn xiếc Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ… là những đơn vị đầu tiên thực hiện cắt giảm 30% kinh phí hoạt động trong năm 2015 và sang năm 2016, sẽ tiếp tục cắt giảm 30% nữa. Với “thế mạnh” có nhà hát riêng khang trang là Nhà hát Âu Cơ (Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội), lại có khuôn viên rộng, có thể cho thuê chỗ đỗ xe, quán cà phê, nhà hàng… nên xem ra Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam khá ung dung với nguồn kinh phí hoạt động. Nhưng như Liên đoàn xiếc Việt Nam, theo một nguồn tin riêng của phóng viên, hiện nay kinh phí hoạt động của Liên đoàn sẽ chỉ đủ trả lương cho cán bộ, nhân viên, nghệ sĩ đến hết tháng 9/2015. “Giải pháp” mà Liên đoàn đưa ra là: 3 tháng cuối năm sẽ dừng toàn bộ hoạt động. “Cũng chỉ có cách đó, bởi không có tiền trả lương cho anh em, mà vẫn tiếp tục hoạt động thì là điều không thể, nếu cứ cố, có thể sẽ khiến hoạt động của năm sau (2016) thêm khó khăn”, đại diện Liên đoàn cho biết.


Với Nhà hát Tuổi trẻ, một trong những nhà hát được đánh giá là mạnh trong hoạt động thời gian qua, thì khi vào cuộc với “xã hội hóa”, cũng đã có những điều phải “cân nhắc” hơn. Theo giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, ông Trương Nhuận, cho biết: Trong tháng 6, tháng 7 vừa qua, Nhà hát cũng đã phải cắt giảm một số chương trình không hiệu quả; những đêm “đỏ đèn” cũng không còn thường xuyên như trước; bởi hiện nay kinh phí để trả lương cho các nhân viên hợp đồng đều là lấy từ nguồn thu của Nhà hát. Tuy nhiên, các hoạt động của Nhà hát vẫn diễn ra khá thường xuyên với các vở diễn, các chương trình hợp tác quốc tế, các chương trình “xã hội hóa”… nhờ sự năng động của Nhà hát trong những năm qua.


Năng động để phát triển


Theo giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận, dù gặp khó khăn do kinh phí hoạt động bị cắt giảm, nhưng với những nỗ lực của Nhà hát, từ đầu năm tới nay, cũng đã có được tổng số 250 buổi diễn, trong đó có 65 buổi cho thiếu nhi; 10 buổi diễn phục vụ khán giả ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới theo phân công của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch. Đặc biệt, tiếp tục phối hợp với Ngân hàng SHB, Nhà hát đã tổ chức được 50 buổi biểu diễn miễn phí trong dự án “Chắp cánh niềm tin” (vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ) cho hơn 25.000 sinh viên, giáo viên trường ĐH, trung cấp, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội. Từ nay đến cuối năm, còn 50 buổi diễn miễn phí sẽ được Nhà hát tiếp tục triển khai. “Dự án phối hợp với SHB “Chắp cánh niềm tin” chính là một hoạt động đón đầu của Nhà hát để thực hiện lộ trình xã hội hóa của mình, vừa góp phần tạo nguồn kinh phí hoạt động cho Nhà hát, vừa giúp Nhà hát thực hiện được nhiệm vụ chính trị của mình là phục vụ miễn phí khán giả đông đảo trong cả nước”, ông Trương Nhuận khẳng định.


Một cảnh trong vở diễn "Cho cuộc đời bình yên". Ảnh: Thế Toàn.


Cũng vì đã bắt đầu lộ trình xã hội hóa, nên bên cạnh các chương trình dàn dựng bằng kinh phí của Nhà nước như chương trình ca nhạc tạp kỹ dành cho thiếu nhi “Phiêu lưu trong thế giới hoạt hình 2”, vở kịch “Dế mèn phiêu lưu ký”, chương trình ca nhạc tham gia Hội thi ca múa nhạc 2015, vở kịch “Ai là thủ phạm”, “Biến dạng”, “Công lý không gục ngã” để tham dự các Hội thi sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, Hội diễn về hình tượng người Công an nhân dân… thì trong 6 tháng “xã hội hóa” vừa qua, Nhà hát cũng đã dàn dựng được một loạt chương trình theo phương thức “xã hội hóa”, đều là những chương trình có được lượng khán giả đông đảo như chương trình ca múa nhạc hài kịch “Táo hóng đón xuân”, vở kịch “Tất cả đều là con tôi” (hợp tác với Đại sứ quán Mỹ), vở kịch “Trong biển lửa” và “Cho một ngày bình yên”, vở kịch “Sống tử tế”, chùm hài kịch “Xóm hóng”… “Điều đáng nói là các chương trình xã hội hóa này cũng đều là các chương trình chất lượng, được đánh giá cao như chương trình ca nhạc tạp kỹ tại lễ trao giải thưởng các tác phẩm noi theo tấm gương Bác Hồ, hay các vở diễn “Trong biển lửa” và “Cho một ngày bình yên” đều đạt giải cao tại các hội diễn, liên hoan sân khấu chuyên nghiệp”, đại diện lãnh đạo Nhà hát chia sẻ.


Cùng với đó, các dự án hợp tác quốc tế của Nhà hát cũng đang phát huy hiệu quả như dự án hợp tác dàn dựng và trình diễn các vở kịch, các chương trình ca nhạc với những Nhà hát nổi tiếng của Nhật Bản, dự án hợp tác với Nhà hát các thế hệ trẻ Dresden (Đức) để dàn dựng vở “Ông lão đánh cá và con cá vàng”, dự kiến sẽ ra mắt vào tháng 11/2015 tại Việt Nam và sau đó diễn tại Đức năm 2016.


Lãnh đạo Nhà hát Tuổi trẻ tích cực tham gia các chương trình giao lưu hợp tác để mang về các dự án cho Nhà hát- Ảnh: Thế Toàn.


“Với những nỗ lực này, trong 6 tháng xã hội hóa vừa qua, chúng tôi đã biểu diễn phục vụ được 250.000 lượt người xem, với doanh thu xấp xỉ 5 tỷ đồng, bằng với cùng kỳ năm ngoái. Năm nay, Nhà hát phấn đấu vẫn đạt doanh thu khoảng 10 tỷ đồng, giữ vững như năm 2015”, ông Trương Nhuận khẳng định.


Nói thì rất đơn giản, nhưng ai cũng hiểu trong sự vật lộn với xã hội hóa này, để giữ vững doanh thu, đảm bảo hoạt động đều đặn của Nhà hát không hề đơn giản; làm hôm nay, còn tính cho cả ngày mai và cho năm sau nữa, khi tiếp tục kinh phí sẽ bị cắt giảm để tiến tới ngày tự chủ hoàn toàn. Theo đại diện Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, sẽ có nhiều việc phải hoàn thiện để có thể tiến tới đi bằng hai chân của mình như việc hoàn thành trụ sở Nhà hát tại Mỹ Đình với diện tích lên tới 7.400m2, có sân khấu tới hơn 1.000 chỗ ngồi; rồi việc hoàn thành khu nhà tập và nhà kho ở Vân Hồ. Khi đã có đủ những “cơ sở hạ tầng” như vậy, việc xã hội hóa xem ra sẽ được thực hiện tự tin hơn.

T.Anh
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN