Khám phá mùa vàng trên non

Với 2.500 ha ruộng bậc thang, trong đó có 500 ha ruộng bậc thang của ba xã La Pán Tần, Chế Cu Nha, Dế Xù Phình đã được công nhận là một trong những danh thắng độc đáo vào bậc nhất của Việt Nam và được xếp hạng di tích cấp quốc gia, huyện vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái) được ví như thiên đường của ruộng bậc thang.


Đến đây, du khách không chỉ được thả hồn vào khung cảnh hùng vĩ của núi non trùng điệp, được chiêm ngưỡng những ruộng bậc thang như dải lụa vàng uốn quanh sườn núi mà còn được trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Mông ở vùng cao.

Vẻ đẹp ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải - Yên Bái.

Trên con đường lên Mù Cang Chải, cảnh quan thay đổi liên tục, du khách chưa kịp ngắm hết những ngôi nhà sàn của đồng bào Thái trên cánh đồng Mường Lò với bạt ngàn hoa ban trắng thì đã được thấy những con đường quanh co uốn khúc. Sự vận động địa chất đã tạo cho Mù Cang Chải những đỉnh núi cao như Lũng Lu, Phu Ba, Mồ Giề. Qua đèo Khau Phạ cao 2.100 mét với những khúc cua ngoạn mục, uốn lượn trong sương mà người dân vẫn gọi là "biển mây" Khau Phạ là tới đất Mù Cang Chải. Từ đây, cứ đèo này qua đèo khác, từ núi này qua núi khác du khách sẽ cảm nhận rõ nét sự thay đổi của độ cao, hai bên đường là những thửa ruộng bậc thang như những dải lụa vắt ngang sườn đồi, nhấp nhô như sóng nước.

Với người Mông ở Mù Cang Chải, lịch sử hình thành ruộng bậc thang gắn liền với lịch sử cư trú của dân tộc Mông ở vùng đất này. Ruộng bậc thang là phương thức canh tác nông nghiệp kết hợp giữa canh tác nương rẫy và ruộng nước; khai khẩn ruộng bậc thang là cả quá trình công phu. Theo kinh nghiệm của đồng bào, những mảnh đất được lựa chọn để khai khẩn thành ruộng bậc thang là những nơi có độ dốc vừa phải, có thể nằm dưới chân đồi, giữa hai bên sườn đồi hoặc là trên sườn núi đất. Sau khi đã lựa chọn được mảnh đất ưng ý, công việc tiếp theo của người dân là xác lập quyền khai khẩn. 

Đồng bào Mông Mù Cang Chải thường trồng các cột đá cao khoảng 1 - 1,5 m theo hình nón, theo luật tục người Mông, mảnh đất đã cột đá thì không cho phép người khác được khai khẩn. Việc khai khẩn ruộng thường được tiến hành vào mùa xuân, sau ngày Tết để có thể tháo nước vào sử dụng ngay trong tháng 4, tháng 5 cho kịp thời vụ. Trước hết, người dân phát cỏ, dọn sạch mặt đất sau đó dùng cuốc đánh các cấp to rồi đào, san ruộng. Khó nhất là việc tạo mặt bằng cho ruộng, mặt bằng ruộng có liên quan đến việc giữ nước và chia đều nước cho toàn ruộng, vì vậy trong điều kiện độ dốc của toàn bộ mảnh đất cao việc đào và san ruộng là khâu đòi hỏi các kĩ năng trong việc khai khẩn ruộng bậc thang.

Theo kinh nghiệm của đồng bào Mông, ruộng phải có đủ hai tiêu chí cơ bản là mặt bằng ruộng và nguồn nước nơi chân núi. Người Mông Mù Cang Chải đã làm được điều này trong điều kiện hết sức khó khăn để đảm bảo cho việc canh tác lúa nước trên sườn đồi. Trong hệ thống ruộng bậc thang, bờ ruộng đóng vai trò giữ nước điều hòa mực nước cho ruộng lúa, các bờ ruộng cũng thường được làm nhỏ hơn so với các bờ ruộng ở vùng đồng bằng. Đối với ruộng bậc thang, yếu tố nước rất quan trọng, người Mông quan niệm nước là Mẹ, đất là Cha. Ruộng của người Mông thường được cày khô rồi phơi cho đất thật nỏ mới tháo nước vào để tạo cho đất thành bùn nhão nhằm mục đích đất được thông thoáng tơi xốp. Người Mông thường cấy lúa vào giữa tháng hai âm lịch khi các già làng "hạ cây Nêu chắn ngang núi ngang đèo, khi hoa Tú Xầy nở, khi con chim Câu Kỉ Giả cất lên tiếng hót như thúc giục đồng bào Mông ta cùng rộn rã lên đồng làm mùa...".

Trải qua mưa nắng, công sức chăm bón của người dân, khi ruộng lúa bắt đầu chín, vào buổi sáng sớm trước khi đi gặt chủ gia đình sẽ có chén rượu và thắp nén hương khấn ông bà tổ tiên phù hộ cho việc thu hoạch gặp nhiều thuận lợi. Đến ngày đã định, trong gia đình ai đến tuổi lao động đều ra đồng gặt lúa không kể nam hay nữ đều có thể tham gia, khi gặt xong người dân tiến hành tách hạt và bảo quản. Công cụ tách lúa gồm hai thanh néo buộc so le với nhau bằng một đoạn dây da, lúa được kẹp vào hai đoạn gỗ và sợi dây da có tác dụng giữ chặt bó lúa, lúa được đạp vào máng đựng lúa được làm bằng gỗ ở hai đầu máng có hai tấm phên nhỏ để khi đập lúa không bắn ra ngoài. Những thửa ruộng này sau vụ thu hoạch lại bắt đầu một chu kì canh tác mới…
Tuấn Anh
Khai mạc Tuần văn hóa du lịch ruộng bậc thang Hoàng Su Phì
Khai mạc Tuần văn hóa du lịch ruộng bậc thang Hoàng Su Phì

Tối ngày 24/9/2015, tại xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang đã diễn ra Lễ Khai mạc Tuần văn hóa du lịch ruộng bậc thang Hoàng Su Phì năm 2015 và công bố Quyết định xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội Quỹa Hiéng của dân tộc Dao xã Hồ Thầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN