Khai thác lễ hội văn hóa phục vụ du lịch - Bài cuối: Gắn kết yếu tố truyền thống và hiện đại

Xác định lễ hội văn hóa là một trong những thế mạnh cạnh tranh của du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và cũng là tài nguyên cần bảo tồn, gìn giữ, ngành Du lịch thành phố đã triển khai nhiều giải pháp phát triển, gia tăng giá trị nhằm nỗ lực xây dựng thương hiệu cho điểm đến.

Chú thích ảnh
Du khách quốc tế dạo chơi trên phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Các lễ hội văn hóa được tổ chức đa dạng, kết hợp giữa truyền thống với hiện đại, đáp ứng xu hướng thị trường du lịch trong và ngoài nước cũng như giới thiệu hình ảnh Thành phố Hồ Chí Minh sống động, đổi mới từng ngày.

Thành phố 100 điều thú vị

Thành phố Hồ Chí Minh là mảnh đất của sự phóng khoáng, hào sảng, luôn sẵn sàng đón nhận và dung hòa mọi sự khác biệt để làm thành bản sắc độc đáo của riêng mình, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Những trải nghiệm sống động ở thành phố này được tạo nên nhờ sự đa dạng trong văn hóa, ẩm thực, nghệ thuật, điểm đến và nhiều điều thú vị mang nét đặc trưng bản địa.

Dựa trên cơ sở này, Sở Du lịch Thành phố đã khởi động và công bố chương trình “Thành phố Hồ Chí Minh - 100 điều thú vị”. Đây là kênh để tự ứng cử hoặc là cơ sở đề được đề cử, giới thiệu từ hệ thống đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch (khách sạn, nhà hàng, điểm mua sắm, điểm vui chơi giải trí...). Chương trình cũng là cơ sở để giới chuyên môn (cá nhân, chuyên gia hoạt động trong các lĩnh vực du lịch và người dân, người nước ngoài đang sống, làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, cộng đồng người Việt Nam trong và ngoài nước) bình chọn điểm đến.

Ông Trần Ngọc Đông Quân, Trưởng phòng Quản lý lữ hành, Sở Du lịch cho biết, sở hữu không gian đô thị đặc trưng, năng động và hiện đại, Thành phố Hồ Chí Minh mang trong mình sức hấp dẫn riêng biệt, bởi mảnh đất này là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau. Chương trình “Thành phố Hồ Chí Minh - 100 điều thú vị” được tổ chức thông qua 10 tiêu thức và các tiêu chí bình chọn do Hội đồng chuyên môn là đại diện Sở Du lịch cùng Hiệp hội Du lịch Thành phố, các nhà nghiên cứu về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chuyên gia ở đa dạng lĩnh vực liên quan như ẩm thực, văn hóa, kiến trúc, du lịch, xã hội... 

Bên cạnh đó, chương trình sẽ đề xuất và bình chọn 10 chương trình thú vị gồm: 10 điểm tham quan thú vị; 10 điểm check-in; 10 điểm giải trí; 10 điểm mua sắm; 10 cơ sở lưu trú du lịch; 10 nhà hàng; 10 quán cà phê; 10 món ngon; 10 sự kiện du lịch, văn hóa, thể thao thú vị.

Theo một số chuyên gia, du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã khẳng định được vị trí trong lòng du khách trong, ngoài nước bằng sản phẩm đặc sắc như du lịch văn hóa lịch sử, ẩm thực, mua sắm, đường thủy...  nhưng phát triển sản phẩm lưu niệm và quà tặng du lịch cũng là một trong những nhân tố góp phần tăng sức hấp dẫn cho điểm đến. Do đó, ngành Du lịch phát động cuộc thi Thiết kế quà tặng lưu niệm - du lịch Thành phố Hồ Chí Minh như một giải pháp đổi mới sáng tạo, tăng thêm nhiều sản phẩm quà tặng lưu niệm độc đáo, thể hiện hình ảnh Thành phố đối với du khách trong, ngoài nước. Cuộc thi sẽ đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa sản phẩm của các nhà sản xuất, công ty lữ hành... phục vụ yêu cầu quà tặng không chỉ dành cho lãnh đạo các cấp mà còn đáp ứng nhu cầu mua quà lưu niệm của khách du lịch nội địa và quốc tế khi đến Thành phố. Cùng với đó, Ban tổ chức cuộc thi khuyến khích những tác phẩm thể hiện nét đặc trưng, giá trị văn hóa của vùng đất Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh; sử dụng chất liệu truyền thống, bản địa; ưu tiên mẫu thiết kế ứng dụng hoặc phát triển từ nghề thủ công truyền thống...

Quốc tế hóa sản phẩm văn hóa

Chú thích ảnh
Không khí sôi động tại Lễ hội Âm nhạc quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh “Hò Dô”. Ảnh tư liệu: Thu Hương/TTXVN

Khi kể về những sản phẩm mới được yêu thích tại điểm đến du lịch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ở lĩnh vực văn hóa, không khó để liệt kê hàng loạt lễ hội văn hóa như Ngày hội Khinh khí cầu, Lễ hội âm nhạc quốc tế "Hò Dô"... Dù những sự kiện này mới được tổ chức thường niên trong vài năm trở lại đây, nhưng đã không chỉ tạo được sức hút công chúng và du khách, mà còn góp phần gắn kết văn hóa truyền thống với hiện đại, mang lại đa dạng trải nghiệm cho du khách trong, ngoài nước khi đến Thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung.

Ngày hội Khinh khí cầu Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra hàng năm tại công viên chân cầu Thủ Thiêm 2, thành phố Thủ Đức là hoạt động trong khuôn khổ Tuần lễ du lịch Thành phố đã ghi dấu ấn mạnh mẽ đối với công chúng và du khách, nhất là tính quốc tế hóa sản phẩm văn hóa địa phương một cách đặc sắc. Ngày hội này mang đến những sắc màu hiện đại, hòa nhịp tích cực vào không khí sôi động và đầy sức sống của chuỗi sự kiện văn hóa - du lịch - thể thao khác trên địa bàn Thành phố. 

Anh Thiên Thơ, cư ngụ tại thành phố Thủ Đức chia sẻ, đây là một trong những hoạt động du lịch văn hóa mới mẻ và độc đáo với mô hình “lễ hội trong lễ hội”. Đặc biệt, sự kiện này góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hướng đến quảng bá hình ảnh điểm đến Thành phố với ngay chính người dân địa phương, cũng như du khách trong nước và quốc tế. Bên cạnh trải nghiệm suất bay khinh khí cầu ngắm nhìn thành phố từ độ cao 50m, công chúng và du khách còn được tận hưởng những không gian ẩm thực, sáng tạo nghệ thuật... Ngày hội Khinh khí cầu góp phần khẳng định vị thế một thành phố trẻ trung, năng động và luôn chủ động vươn mình nắm bắt xu hướng hiện đại.

Lễ hội Âm nhạc quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh “Hò Dô” cũng được đánh giá là sự kiện văn hóa lớn nhất hàng năm trên địa Thành phố. Lễ hội do Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng UBND thành phố Thủ Đức và một số đơn vị liên quan tổ chức. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, "Hò Dô" được đầu tư cả quy mô lẫn dịch vụ, không nằm ngoài mục tiêu đầu tư phát triển ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng một địa chỉ, điểm đến văn hóa mới và kích cầu du lịch.

Ghi nhận tại Lễ hội Âm nhạc quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh "Hò Dô" 2022 có hơn 200 nghệ sĩ trong nước và quốc tế xuất hiện trong ba đêm diễn chính. Với tính chất của một festival, "Hò Dô" khác biệt với những không gian văn hóa hay sự kiện văn hóa truyền thống khác khi các nghệ sĩ trình diễn được cộng hưởng từ những người tham gia và không khí lễ hội. Hơn thế nữa, cộng đồng nghệ sĩ trong, ngoài nước hòa nhịp trên cùng sân khấu đã giới thiệu hình ảnh Thành phố Hồ Chí Minh sống động, đổi mới từng ngày.

Ở góc độ bộ, ngành, bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch cho hay, đến năm 2030, Việt Nam định hướng đến phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. Ngành Du lịch Việt Nam phát triển du lịch bền vững và bao trùm, có trách nhiệm trên nền tảng tăng trưởng xanh, chú trọng phát triển du lịch văn hóa gắn với phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc... Thành phố Hồ Chí Minh được biết đến là một trong những trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch sôi động nhất cả nước và thu hút hàng triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới nên với sự phát triển vượt bậc trong ngành Du lịch văn hóa, Thành phố đã biến đổi thành một điểm đến đa dạng và hấp dẫn.

Mỹ Phương (TTXVN)
Phát triển các không gian văn hóa du lịch Ba Đình
Phát triển các không gian văn hóa du lịch Ba Đình

Quận Ba Đình (Hà Nội) là địa danh có nhiều danh thắng, khu, điểm du lịch, lễ hội. Vì vậy, địa phương đang mở rộng các không gian văn hóa du lịch nhằm phát huy lợi thế du lịch, thu hút khách trong và ngoài nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN