Kéo khán giả trở lại với sân khấu?

Đã lâu rồi sân khấu cải lương thủ đô mới được chứng kiến cảnh người xem chật kín rạp, bãi để xe nườm nượp người khi vở cải lương “Gươm thiêng trao trả Hồ thần” được công diễn. Vở do Nhà hát Cải lương Việt Nam với những cái tên đã từng làm nên kỳ tích cho sân khấu như đạo diễn trẻ tài năng xuất sắc Hoàng Quỳnh Mai, nhà viết kịch Phạm Văn Quý, người giật giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội và những giọng ca tài năng trẻ như Thu Trang, Quang Hùng, Hồng Hạnh… dàn dựng.

Những nỗi đau thầm kín của vị vua anh hùng

Kịch bản “Gươm thiêng trao trả Hồ thần” là một trong 10 kịch bản của nhà viết kịch Phạm Văn Quý được trao giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Trước đó, Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng đã gây tiếng vang trên sân khấu cải lương trong Nam ngoài Bắc với vở “Trọn đời trung hiếu với Thăng Long” cũng trong chùm kịch bản này của Phạm Văn Quý và cũng do Hoàng Quỳnh Mai dàn dựng đã làm mưa làm gió tại Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2009. Sự tái xuất của cặp tác giả - đạo diễn, một già, một trẻ này đã không làm uổng công của người xem và đồng nghiệp.

Một cảnh trong vở cải lưong “Gươm thiêng trao trả Hồ thần”.

Câu chuyện lịch sử về nhân vật Lê Lợi, vị vua có công đánh đuổi quân Minh, chấm dứt 20 năm đô hộ của nhà Minh và sáng lập nhà Hậu Lê, triều đại tồn tại lâu nhất trong lịch sử Việt Nam ngỡ rằng đã quá quen thuộc, sẽ khó có thể làm mới. Nhưng ngược lại, “Gươm thiêng trao trả Hồ thần” đã khai thác từ những góc khuất, những nỗi đau của vị danh nhân anh hùng này, ở những câu chuyện huyền thoại tâm linh xung quanh những trận thắng vĩ đại và cả những diễn biến phức tạp của người anh hùng.

Diễn biến chính của vở vào giai đoạn lịch sử thời gian đầu khi Lê Lợi khởi nghĩa, ông đã gặp rất nhiều khó khăn và cả sự thất bại tưởng như khó có thể trụ lại. Một trong những mất mát lớn nhất của Lê Lợi chính là những người thân yêu, ruột thịt của ông đã vì nghĩa lớn mà ra đi. Khán giả được chứng kiến những cảnh Lê Lợi dứt ruột đau đớn khi vợ con ông và những người thân cận của ông hy sinh. Trong lịch sử, hiếm vị vua nào đi đánh giặc mà mang theo cả gia đình. Để nghi binh và giải thoát cho Lê Lợi cùng nghĩa quân, một người vợ của Lê Lợi đã bị quân Minh bắt và đánh tới chết, con gái của Lê Lợi thì bị ép làm tỳ thiếp lưu lạc xứ người mười mấy năm trời, và rồi không thể chịu nhục khi bị mang ra đàn hát mua vui cho quân giặc. Một người vợ khác của Lê Lợi là bà Ngọc Trần, người từng mang ấu chúa Lê Nguyên Long xông pha trận mạc cùng với ông trong cuộc kháng chiến chống quân Minh 10 năm nằm gai nếm mật cũng vì nghĩa lớn mà hi sinh… Đặc biệt, ê kíp thực hiện và các nghệ sĩ đã tìm ra điểm nhấn là chiếc chìa khóa riêng để mở ra những nỗi đau của người anh hùng dân tộc.

Bà Nguyễn Thị Huệ (một khán giả 68 tuổi) sau khi xem vở cải lương đã nói: “Công đức của Bình định Vương Lê Lợi thì ai cũng có thể biết qua sử sách. Nhưng qua vở diễn tôi mới hiểu, đằng sau ánh hào quang của thắng lợi, của vinh quang thì vị anh hùng dân tộc nào cũng có nỗi mất mát không thể kể hết bằng lời”. Khán giả đã phải rơi lệ khi chứng kiến những góc khuất từ nỗi đau của vị vua này.

Vở hay không chỉ nhờ kịch bản

Có thể nói, thành công đáng ghi nhận của vở cải lương là tác giả và đạo diễn đã khai thác sâu và làm nổi bật những yếu tố văn hóa tâm linh nhằm dẫn giải các sự kiện, tình huống trong vở. Chẳng hạn như chuyện Lê Lợi được rùa thần trao gươm thiêng, rồi tích hoàn trả gươm trên Hồ Hoàn Kiếm… Đặc biệt là từ câu chuyện mang tính huyền sử khi Lê Lợi mở chiến dịch nhổ thành kiên cố Nghệ An, cuộc vây hãm thành gặp không ít khó khăn khi giặc Minh ra sức chống giữ. Chiến trường diễn ra trên địa bàn khá rộng trong đó có đền thờ thần Phổ Hộ. Đêm ấy Lê Lợi được thần báo mộng: “Tướng quân nhường cho tôi một người thiếp yêu, tôi hứa hết sức phù hộ tướng quân đánh thắng giặc Ngô, giữ vững nghiệp đế”. Khi ấy bà Ngọc Trần đã khẳng khái quỳ xin làm vật tế thần để giúp chồng dựng nghiệp lớn và củng cố niềm tin cho binh sĩ. Phải chăng vì lời hứa với thần Phổ Hộ mà trận vây thành Nghệ An kết thúc thắng lợi với sự chênh lệch về lực lượng rất lớn, nghĩa quân của ta chỉ có 5.000, trong khi giặc Minh có tới 20.000 người. Câu chuyện huyền thoại trong lịch sử vì thế đã được khai thác triệt để tạo nên những cảnh diễn thật đẹp và vô cùng xúc động.

Như thế, với vở “Gươm thiêng trao trả Hồ thần”, một lần nữa đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai lại có dịp trổ tài nghệ biến hóa của mình với những màn trình diễn đầy ấn tượng như cảnh hồ nước trở thành con rùa, cảnh cụ rùa nổi lên để đón nhận lại gươm thiêng trao trả, cảnh những chiếc lá khi trở thành những chiếc khiên lao vào quân địch, khi là những tấm bia ghi những lời hịch chống giặc thiêng liêng, những lớp diễn sử dụng diễn viên múa rất hiệu quả…

“Gươm thiêng trao trả Hồ thần” đã làm nên một tác phẩm sân khấu cải lương sang trọng, hấp dẫn và thực sự rung động với người xem. Hiện nay, trong khi sân khấu truyền thống nói riêng và sân khấu thủ đô nói chung đang thưa vắng khán giả thì “Gươm thiêng trao trả Hồ thần” đã trở thành một hiện tượng nghệ thuật đáng được ghi nhận khi mang tới cho khán giả một tác phẩm nghệ thuật thực sự có chất lượng.

Ngân Ca

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN