Hơn 6,5 tỷ đồng cho phiên đấu giá tác phẩm nghệ thuật đầu tiên

Phiên đấu giá các tác phẩm nghệ thuật ra thị trường đầu tiên tại Việt Nam đã thu về 6,5 tỷ đồng.

5 tác phẩm nghệ thuật được chào bán trong phiên đấu giá các tác phẩm nghệ thuật đầu tiên, gồm có: Đôi chóe tứ linh của nghệ nhân Phạm Anh Đạo, chiếc tủ thờ thế kỷ 19 của họa sỹ Lê Thiết Cương và 3 bức tranh của các họa sỹ Quách Đông Phương, Đào Hải Phong và Nguyễn Phượng Vỹ đã thu về hơn 6,5 tỷ đồng. Phiên đấu giá diễn ra tối ngày 28/5, tại Hà Nội, với sự tham gia của 12 cá nhân, tổ chức, trong đó có sự tham gia của các đại diện đến từ Pháp, Trung Quốc.

Phiên đấu giá tác phẩm nghệ thuật đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: H.M

Trong đó, đôi chóe tứ linh làm bằng chất liệu gốm, hoàn thành năm 2010 của nghệ nhân Phạm Anh Đạo có mức giá khởi điểm là 900 triệu, đã được bán với giá cao nhất 6 tỷ 50 triệu đồng. 4 tác phẩm còn lại cũng đều tìm được chủ sở hữu mới. Cụ thể, chiếc tủ thờ chất liệu thế kỷ 19 thuộc sở hữu của họa sĩ Lê Thiết Cương được mua với giá 143 triệu đồng (giá khởi điểm 60 triệu). Bức tranh “Hạnh phúc” của họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ được mua với giá 65 triệu (giá khởi điểm 50 triệu); “Tiên nữ vùng cao” của họa sỹ Quách Đông Phương được bán với giá 95 triệu (giá khởi điểm 50 triệu) và bức tranh “Bên dòng sông đỏ” của họa sĩ Đào Hải Phong được trả giá cao nhất là 150 triệu (giá khởi điểm 120 triệu).


Đây là phiên đấu giá các tác phẩm nghệ thuật đầu tiên được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, do Công ty cổ phần đấu giá Lạc Việt tổ chức. Theo đánh giá của một số chuyên gia, quản lý mỹ thuậ tham dự phiên đấu giá, thì công tác tổ chức cuộc đấu giá vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp. Tuy nhiên “vạn sự khởi đầu nan”, việc cả 5 tác phẩm đấu giá đều được mua với giá cao đã thực ra tạo ra những kỳ vọng tươi sáng cho tương lai thị trường mỹ thuật Việt Nam.

Đôi chóe tứ linh được bán với giá 6 tỷ 50 triệu đồng. Ảnh: BTC.

Theo họa sỹ Lê Thiết Cương, người đã từng tham gia nhiều buổi đấu giá các tác phẩm nghệ thuật, đồ xưa ở nhiều nước, mặc dù công ty này đã có kinh nghiệm đấu giá nhiều mặt hàng khác, có kỹ năng, đội ngũ nhân viên, giá trị pháp lý, nhưng đối với đấu giá nghệ thuật (là việc đưa ra thị trường một loại hàng hóa đặc biệt), thì rõ ràng còn có những sơ suất. Ví dụ, một tác phẩm nghệ thuật cần phải có hội đồng nghệ thuật (đứng đầu là giám tuyển) đánh giá chất lượng tác phẩm, xác định được giá khởi điểm là bao nhiêu… thì ở đây chưa làm được. Bên cạnh đó, chất lượng nghệ thuật của catalo giới thiệu tác phẩm cũng chưa đạt, và mức độ quảng cáo cho phiên đấu giá là chưa đủ. Họa sỹ Lê Thiết Cương cho rằng, nên tổ chức quảng bá sản phẩm sẽ tham gia đấu giá sớm hơn, tốt nhất là 3 tháng trước phiên đấu giá…


Theo họa sỹ Vi Kiến Thành, Cục Trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, thì đấu giá là hoạt động đấu giá chịu sự điều tiết của thị trường, hoạt động kinh doanh. Nhiều khi tác phẩm được đánh giá chất lượng nghệ thuật cao, song đưa lên sàn đấu giá thì không chắc đã bán được giá cao, và ngược lại. Ông Thành đánh giá, phiên đấu giá mỹ thuật được gọi là lần đầu tiên tại Việt Nam, về cơ bản đã tổ chức tương đối tốt, nhất là nhìn nhận ở góc độ cả 5 tác phẩm đưa lên sàn đều có người mua. Điều này chứng tỏ công tác tổ chức khách hàng có hiệu quả. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận toàn diện, thì cũng có nhiều vấn đề cần điều chỉnh, nâng cao chuyên nghiệp. Ví dụ, ngay cả chương trình mở đầu (ca nhạc, thơ) cần hấp dẫn, chọn lọc cũng như phù hợp với tính chất hoạt động này hơn. Cần chọn người giới thiệu tác giả tác phẩm và điều hành đấu giá có uy tín, sức nặng. Ông Thành cho rằng, đấu giá nghệ thuật phải có tính văn hóa, sang trọng, chứ không thể xô bồ như các sản phẩm khác, trong khi đó, ở phiên đấu giá đầu tiên này, người giới thiệu đấu giá và điều hành không có tên tuổi và uy tín gì trong giới chuyên môn. Có lẽ vì là lần đầu tiên, nên hình như chưa có kinh nghiệm trong lựa chọn tác phẩm, bởi các tác phẩm tham gia đấu giá lần này mới ở mức trung bình khá. Đánh giá thành công về chuyên môn của phiên đấu giá, ông Thành cho rằng mới chỉ đạt khoảng 70%. Còn ở mức độ bán được tác phẩm thì có thể được đến 90% rồi. Theo ông Thành, để hoạt động đấu giá chuyên nghiệp hơn, thì cần có nhiều hơn sự tham gia của các nhà chuyên môn có uy tín, am hiểu mỹ thuật và mức hưởng thụ mỹ thuật.


Mặc dù vẫn còn khá sớm để việc đấu giá các tác phẩm nghệ thuật ở nước ta trở nên chuyên nghiệp. Song, với thành công của phiên đấu giá đầu tiên này, nhiều người trong giới mỹ thuật vẫn kỳ vọng vào sự khởi sắc của thị trường mỹ thuật Việt Nam trong thời gian tới.

Phương Hà
70 tác phẩm đoạt Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần 2
70 tác phẩm đoạt Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần 2

Chiều 28/5, đã diễn ra Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ hai năm 2015 (lĩnh vực báo chí) do Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Chỉ đạo Trung ương về Công tác thông tin đối ngoại tổ chức tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN