Hollywood bước chậm để nhìn lại

Thấy khách quen, cô bán đĩa đã cẩn thận “cảnh báo”: “Lô phim này bị hư hết rồi nghe anh. Màu thì trắng đen, lại chẳng nghe thấy tiếng nói!”.

Cười, biết rồi, thầm nghĩ đĩa không bị hư đâu, phim câm mà tiếng với tăm cái gì. Nghĩ vậy nhưng thấy vẫn lạ. Thời đại của 3D và “người máy biến hình”, làm phim kiểu gì kỳ vậy không biết...

Jean Dujardin và Bérénice Bejo (vợ đạo diễn Michel Hazanavicius) trong phim The artist - Ảnh: Los Angeles Times



 



Xem lần thứ nhất: sửng sốt, bàng hoàng, lạnh toát sống lưng! Xem lần hai: khóc vì... “đã”. Xem lần ba: sảng khoái, như đọc được một quyển sách vừa hiếm vừa hay. Đó là những gì The artist (Nghệ sĩ) đã mang lại. Mà truyện phim không có gì phức tạp, không có thủ thuật thắt mở để cố tình ngụy tạo những “đoản mạch” tình huống éo le. Một thân phận con người, một cuộc đời nghệ sĩ kiêu hãnh trong vinh quang và rồi rơi vào nơi tận cùng của thống khổ thể xác lẫn tinh thần khi hết thời... Thế thôi.

Tuy nhiên, sự tinh tế mà đạo diễn Michel Hazanavicius mang lại (cùng sự thể hiện tuyệt vời của dàn diễn viên) chính là cách ông sử dụng thuần thục “con dao” nghệ thuật để thái từng “lớp mỏng” của khối màn đêm đặc cứng cho đến khi làm lộ ra từng sợi tơ ánh sáng. Đôi chỗ Hazanavicius đã bất ngờ khiến người xem bàng hoàng khi ông không dè dặt “thái” mà “chặt” thật mạnh, với nhát chém dứt khoát, không khoan nhượng, để thể hiện sự tột cùng bi thảm của một số phận, rồi đưa nó thoát ra ngõ tối như thế nào.

Bất luận thế nào, Hazanavicius cũng dẫn khán giả đi đến luồng ánh sáng của ông. Ánh sáng của triết lý cuộc đời, rằng dù được trộn hòa với những hỉ nộ ái ố hằng có ra sao đi nữa, thì sự nhân ái, lòng bao dung và tình yêu đích thực vẫn là những giá trị bất biến. Nghệ thuật chân chính không cần nhiều lời, không cần ba hoa rỗng tuếch. Và The artist đã thể hiện điều đó bằng ngôn ngữ riêng của một bộ phim câm! Thô nhưng thuần chất. Mộc nhưng tinh tuyền!

The artist không là tác phẩm duy nhất “nhuốm màu thời gian” trong mùa Oscar 2012. Phải nói là chưa năm nào trong một thập niên trở lại đây mà các tác phẩm nằm trong bảng đề cử Oscar hạng mục phim hay nhất lại có cùng mẫu số chung như năm nay: u mặc, tĩnh lặng, man mác hoài cổ, bàng bạc tình người và lãng đãng tình yêu, từ War horse, The descendants, Midnight in Paris, The help, đến Hugo. Hollywood đang bước thật chậm để ngoái nhìn lại mình.

Kiếm tiền mãi cũng đến lúc mệt. Nghỉ một chút chứ. Một dấu lặng để thở. Ở cái thời khủng hoảng kinh tế, khi đồng tiền là thứ khiến người ta lo nghĩ và ưu tư nhiều nhất, Hollywood không chỉ nhắc chính họ mà còn muốn nói với xã hội Mỹ rằng có những điều thoạt nghe sáo vẹt đến mức mòn cả tai nhưng vẫn là chân lý. Mà khi cuộc đời xáo động, chân lý luôn là cái phao...

Nếu theo dõi lịch sử Oscar sẽ thấy rằng gần như không mùa Oscar nào Viện hàn lâm Khoa học - nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ (AMPAS) khơi khơi chấm giải mà không gián tiếp đưa ra một thông điệp nào đó. Mà thông điệp của Oscar luôn là những vấn đề thời sự.

Không cần chính sách cụ thể nào, không cần chỉ thị nào, không cần định hướng văn hóa nào, không cần những đề nghị chấn chỉnh nào, Hollywood nói chung (và AMPAS nói riêng) luôn bắt nhịp với cuộc sống. Lúc cần kiếm tiền, họ sẵn sàng tung ra những bộ phim “bom tấn” hành động nhạt nhẽo. Lúc cần thể hiện đẳng cấp của dân làm nghệ thuật chuyên nghiệp, họ cũng sẵn sàng gạt bỏ tư duy “tư bản ích kỷ” để cho ra mắt những tác phẩm để đời.

Họ định hướng gu thẩm mỹ một cách không ồn ào và không chỉ cho nước Mỹ. Đó là cách mà Hollywood tồn tại. Đó cũng là lý do tại sao Oscar luôn thu hút sự chú ý toàn cầu. Năm nay lại càng đáng chú ý với những tác phẩm kiệt xuất đến mức giá trị của chúng không chỉ dừng lại và nhanh chóng bị bỏ quên sau một mùa giải, đặc biệt nhất là The artist...

The artist trước cơ hội lịch sử

Có tổng cộng chín phim tranh giải Oscar phim hay nhất, bao gồm The artist (Nghệ sĩ), The descendants (Con cháu), Extremely loud and incredibly close (Rất ồn, rất gần), The help (Người giúp việc), Hugo, Midnight in Paris (Nửa đêm ở Paris), Moneyball (Quả bóng tiền bạc), The tree of life (Cây đời) và War horse (Ngựa chiến). Trong đó, Hugo nhận tới 11 đề cử, tiếp theo là The artist với 10 đề cử.

Dù xếp sau Hugo về số lượng đề cử, nhưng The artist được đánh giá là ứng cử viên số một sau khi giành hàng loạt giải thưởng quan trọng như Quả cầu vàng, giải thưởng Viện hàn lâm Điện ảnh Anh (BAFTA), giải của Hiệp hội Đạo diễn Mỹ (DGA)... Sự khác biệt nằm ở chỗ phần lớn đề cử của Hugo nằm ở các hạng mục kỹ thuật, trong khi các đề cử của The artist đều rất quan trọng: phim hay nhất, đạo diễn, nam diễn viên chính, kịch bản...

Tạp chí Entertainment Weekly ước tính The artist có 20% cơ hội chiến thắng, đứng sau là Hugo và The help với cùng 15%. Tuy nhiên, Hãng tin UPI cho biết theo một số khảo sát, nhiều khán giả Mỹ đánh giá The help xứng đáng được tôn vinh. Giới chuyên gia Hollywood dự đoán có thể bất ngờ sẽ xảy ra tại đêm hội Oscar ngày 26-2.


Theo Thethaovanhoa.vn

Một năm thất bát với Hollywood
Một năm thất bát với Hollywood

Chỉ còn vài ngày nữa là năm 2011 kết thúc nhưng doanh thu từ phòng vé của khu vực Bắc Mỹ vẫn còn kém khoảng 500 triệu USD mới bằng năm 2010, cho dù giá vé xem phim cao hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN