Học mỹ thuật tại bảo tàng

Thay cho những giờ học trên lớp với giấy, bút màu là giờ học với “giáo cụ trực quan” là những bức tranh của các danh họa, những tác phẩm gốm đã tồn tại theo cả chiều dài lịch sử dân tộc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Cách học này thật sự đã khiến học sinh hứng thú hơn bao giờ hết và mỹ thuật không còn là môn học bị ghét vì khô cứng nữa…

Hào hứng và say mê

Giờ học mỹ thuật của các em học sinh lớp 7A1 trường THCS Nguyễn Siêu (Hà Nội) tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có chủ đề “Tìm hiểu về hội họa hiện đại Việt Nam giai đoạn 1925-1945 qua sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam”. Đây chính là nội dung của bài học 21 “Mỹ thuật Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1954” và bài 22 “Một số tác giả và tác phẩm tiêu biểu của mỹ thuật Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1954”. Nhưng thay vì những hình ảnh “chết” trong sách giáo khoa, các em được tận mắt ngắm những tác phẩm hội họa nổi tiếng của các danh họa Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Phan Chánh; được nghe cô Bùi Bích Châu - cán bộ phòng trưng bày - giáo dục của Bảo tàng; giới thiệu về tiểu sử của các họa sĩ nổi tiếng này, chất liệu mà họ sử dụng, phân tích giá trị nghệ thuật của từng tác phẩm. 

Một giờ học mỹ thuật tại bảo tàng của học sinh trường Nguyễn Siêu.


“Sau giờ học, chúng em đã hiểu hơn rất nhiều về mỹ thuật Việt Nam giai đoạn từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1954, có thể phân biệt được một số chất liệu sử dụng trong hội họa giai đoạn 1925 - 1945 như sơn dầu, sơn mài, tranh lụa. Đồng thời hiểu về những đặc điểm của hội họa hiện đại Việt Nam giai đoạn 1925 - 1945 và sự ảnh hưởng và giao thoa giữa hội họa phương Tây với nghệ thuật dân gian truyền thông Việt Nam, thật sự là một giờ học vô cùng bổ ích” - Diệu Linh, một học sinh của trường chia sẻ. Còn với Minh Anh, thì cảm xúc thật dạt dào: “Những gì đã được học hôm nay chắc chắn em sẽ không bao giờ quên, giờ học thật sự thú vị và ý nghĩa. Hơn thế nữa, những tác phẩm mới tinh và rất dễ thương của chúng em cũng được ra đời ngay tại Bảo tàng”.

Với các em học sinh trường Nguyễn Tất Thành, Hà Nội, giờ học tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lại là học về lịch sử qua các tác phẩm gốm được trưng bày tại Bảo tàng. Đại diện trường Nguyễn Tất Thành chia sẻ sau giờ học: “Học sinh đến với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam không chỉ học mỹ thuật, mà còn học cả các môn như lịch sử, địa lý. Kết quả của những buổi học này không chỉ thể hiện trên lớp mà còn qua thái độ của các em. Sau mỗi buổi học, khi đón các em về, nhìn khuôn mặt các em bừng sáng với những sản phẩm tự tay làm là chúng tôi thấy được kết quả của việc học tập ở Bảo tàng”. Cũng theo đại diện này, các buổi học cũng giúp giáo viên mỹ thuật của trường có cơ hội được học hỏi từ các chuyên gia của bảo tàng. Chương trình này là gợi ý để nhà trường tổ chức các hoạt động nghệ thuật… trong thời gian tới.

Tiếp tục nhân rộng

Được tiếp cận với các tác phẩm mỹ thuật, tìm hiểu về nghệ thuật, liên kết kiến thức trong nhà trường và thực tế sáng tạo nghệ thuật - đó là mục tiêu của dự án “Phát triển chương trình giáo dục nghệ thuật tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam”, nằm trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa Wallonie - Bruxelles (Vương quốc Bỉ) và Việt Nam giai đoạn 2013 - 2015.

Dự án được thực hiện trong 3 năm qua, với sự đào tạo của chuyên gia Marie - Aude Laoureux đến từ Bảo tàng Hoàng gia Mariemont - Bỉ. Trong khoảng thời gian này, các chuyên gia của Bỉ đã thực hiện 3 chuyến công tác tại Việt Nam. Bên cạnh đó, hàng tháng đều có các buổi làm việc trực tuyến qua internet nhằm chia sẻ và hướng dẫn nhóm cán bộ dự án về phương pháp khai thác tác phẩm nghệ thuật tại Bảo tàng, từ đó xây dựng chương trình giáo dục phù hợp với từng đối tượng học sinh và gia đình. Bốn cán bộ của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng đã được cử sang học tập thực tế tại các bảo tàng của Bỉ.

Theo đại diện chuyên gia Bỉ, sở dĩ lâu nay ở Việt Nam luôn có một khoảng cách giữa bảo tàng và công chúng chính là bởi người ta đã quên đi nghệ thuật tiếp cận. Chính vì thế, chương trình này sẽ giúp cho bảo tàng và khán giả, trước hết là đối tượng học sinh, đến gần nhau hơn. Chương trình giáo dục được xây dựng dựa trên các chủ đề về lịch sử, tự nhiên, xã hội… thể hiện qua sưu tập hiện vật tại bảo tàng, sự liên kết với các môn học trong nhà trường, quan tâm tới tâm lý lứa tuổi và nhu cầu thực tế của các em nhằm tạo cho các em những trải nghiệm thú vị, bổ ích đồng thời khuyến khích sự quan sát, trí tưởng tượng, óc sáng tạo… của các em. Các chương trình chủ yếu xoay quanh mỹ thuật dân gian, mỹ thuật truyền thống như tìm hiểu tranh Hàng Trống (dành cho học sinh lớp 5), khám phá đời sống các dân tộc thiểu số thông qua trang phục (học sinh lớp 4, 5), tìm hiểu văn hóa Đông Sơn thông qua các hoa văn hình học trên trống đồng Đông Sơn, màu sắc qua tranh dân gian (học sinh tiểu học), khám phá hoa sen trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam (học sinh lớp 3), hình tượng cây tre trong nghệ thuật truyền thống (học sinh lớp 6). Ngoài ra các lớp lớn hơn được học về tinh thần lạc quan trong lao động sản xuất thông qua tranh của Bảo tàng thời kỳ 1975-1985), tìm hiểu nội dung và bối cảnh trong hai tác phẩm “Điện Biên” và “Hò kéo pháo” (học sinh lớp 9)…

Qua 3 năm triển khai, đã có 8 chương trình được mở học sinh trong nhà trường và 4 chương trình cho đối tượng gia đình thử nghiệm. Các chương trình đều không quá phức tạp, mà lại khá đơn giản, dễ hiểu, gần gũi và hết sức hấp dẫn với các em nhỏ.


Anh Minh
Để học sinh biết cảm thụ mỹ thuật
Để học sinh biết cảm thụ mỹ thuật

Khoảng 10 năm nay, mỹ thuật được đưa vào giảng dạy trong nhà trường như một môn học rèn luyện cho học sinh tư duy về thẩm mỹ và khả năng cảm nhận nghệ thuật trong cuộc sống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN