Học lại văn hóa nhường đường - Bài cuối

Mới đây, VOV Giao thông đã ghi lại hình ảnh một vị khách người nước ngoài đứng sau biển báo đường một chiều tại nút giao thông Trần Bình Trọng - Trần Nhân Tông (Hà Nội), ngăn không cho xe máy đi ngược chiều và hướng dẫn đi theo quy định. Trong clip dài hơn 4 phút này, có hàng chục phương tiện đi ngược chiều bị vị khách nước ngoài này chặn đầu và nhắc nhở: “Bạn đã đi vào đường ngược chiều. Xin hãy quay lại! Cảm ơn”.

Bài cuối: Xây dựng lại ý thức cho từng cá nhân


Điều đáng buồn là sau khi được nhắc nhở, có người đã quay đầu xe và đi đúng làn đường, nhưng nhiều người vẫn cố tình phóng xe vào, thậm chí còn phản ứng lại người khách nước ngoài. Khi clip này được đưa lên mạng, rất nhiều người đọc đã thể hiện sự “xấu hổ” với ý thức của người Việt Nam, khi để một người nước ngoài sang “dạy” văn hóa giao thông ngay trên đường phố của mình.

Từ những thực tế đã phản ánh, rõ ràng cái gọi là văn hóa giao thông nói chung và cụ thể ở đây là văn hóa nhường đường, đã bị người tham gia giao thông bỏ quên quá lâu. Còn nhớ câu chuyện của cô bạn tôi kể về việc “bị” con gái nhắc nhở khi cố tình vượt đèn đỏ, tạt qua đầu xe máy của những người đi đúng làn: “Mẹ ơi, mẹ đi kiểu gì thế, sao mẹ lại giành đường của người khác, sao mẹ lại chèn xe của người khác để đi lên?”. Cô bạn bảo, hôm đó cảm thấy xấu hổ với con lắm, bởi rõ ràng mình đã làm gương xấu cho con, đã vi phạm quy định về an toàn giao thông. Nhưng cũng cô bạn tôi, chỉ biết xấu hổ hôm đó thôi, còn những lần sau, vì lý do này, lý do khác, đôi khi là vội, đôi khi là thành thói quen, vẫn vượt đèn đỏ… như thường. Cô con gái nhỏ, rồi cũng thôi không nhắc mẹ nữa, mà mặc định cho đó là việc… bình thường trong những hành trình mẹ đưa đón tới trường.

Qua đường ở Việt Nam là một trải nghiệm vô cùng sốc với du khách nước ngoài. Ảnh: Vietbao


Sẽ đáng lo ngại làm sao khi đó là một câu chuyện phổ biến trong xã hội hiện nay, thế hệ trước thiếu văn hóa giao thông, thế hệ sau cũng học theo “bỏ quên” văn hóa giao thông. Cái văn mình nhìn thấy đầy trên mỗi hành trình bước chân ra khỏi biên giới quốc gia là việc người ta dừng lại xa cả cây số nhường đường cho mình, chờ cho mình đi qua hẳn đường rồi mới nổ máy đi tiếp, không bắt mình phải hớt hơ hớt hải chạy vội với cảm giác xe sắp đâm vào người tới nơi; thì thấy thích, thấy muốn học theo, thấy lẽ ra phải thế; nhưng rồi về tới nước nhà, thì lại đâu hoàn đó, phần bởi “nhà mình nó thế”, phần nữa bởi không biết bị nghe chửi, bị gọi là đồ dở hơi vì… dám dừng lại nhường đường cho người đi bộ.

Nếu đổ lỗi cho chế tài, thì hoàn toàn không phải. Rõ ràng, trong Luật Giao thông  thường bộ đã quy định rất rõ về những trường hợp phải nhường đường: “Người điều khiển phương tiện giao thông phải nhường đường theo quy định trong nhiều tình huống, như tại nơi đường giao nhau, khi tránh xe ngược chiều, khi đi qua vạch kẻ đường cho người đi bộ, khi gặp xe ưu tiên…

Đặc biệt, khi gặp người đi bộ, người khuyết tật qua đường: Trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường; Tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường; Những nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường thì phải giảm tốc độ, nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường bảo đảm an toàn”. Ai cũng phải học luật này rồi mới nhận được tấm bằng để đi xe máy, xe đạp. Nhưng có lẽ, học xong, thi xong bằng là quên, mà nhiều năm lại không bị bắt “nhắc lại”, nên “sai hoàn sai”.

Chưa kể, mức xử phạt cũng đã có, các mức quy định cũng rất rõ ràng, với mức thấp nhất là 60.000 đồng và mức cao nhất là 1,2 triệu đồng. Thế nhưng, vẫn vậy, bị phạt thì ấm ức, gọi các cơ quan chức năng là “bọn nọ, bọn kia”; nhưng khi bảo đi đúng để không bị phạt, thì lại không thể tự ý thức nổi.

Chuyện thiếu văn hóa giao thông cũng đã đủ lâu rồi, đã đến lúc phải học lại văn hóa giao thông; phải giáo dục văn hóa giao thông, dạy về luật giao thông như một bộ môn hiểu biết xã hội bắt buộc trong trường học; để xây dựng những thế hệ mới, hiểu luật và có ý thức tuân thủ theo luật. Bên cạnh đó, cần tổ chức học luật lại hàng năm, hoặc 6 tháng/lần cho những người điều khiển phương tiện, có thể bản thân một đơn vị, doanh nghiệp, cơ quan… cũng nên tự tổ chức cho cán bộ, nhân viên của mình học luật; để nhắc nhở thường xuyên hơn về việc thực hiện văn hóa giao thông.

Việc nhường đường cho xe cứu thương hay các loại các loại phương tiện được quyền ưu tiên khác (xe chữa cháy, xe quân sự, xe công an, xe hộ đê…) là một quy định bắt buộc khi tham gia giao thông.

Nếu vi phạm, người điều khiển phương tiện sẽ bị xử lý theo Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cụ thể: Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác gây cản trở xe ưu tiên sẽ bị phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng.

Người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng.

Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng.

Người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ sẽ bị phạt phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng. Nếu hành vi này gây ra tai nạn giao thông thì người vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) 2 tháng. (Luật Giao thông đường bộ)



Nhóm phóng viên
Học lại văn hóa nhường đường - Bài 2
Học lại văn hóa nhường đường - Bài 2

Luật Giao thông đường bộ xem ra là một bộ luật khá rõ ràng trong những quy định. Theo đó, để bảo đảm trật tự, an toàn và thông suốt, người tham gia giao thông, đặc biệt là người điều khiển phương tiện, không những phải nhường đường theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN