Họa sỹ Bùi Hoài Mai và tình yêu gốm Việt

Cách Hà Nội khoảng 30km, tại xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, Bắc Ninh, là công trình được dựng theo phong cách nhà Việt cổ do họa sĩ Bùi Hoài Mai thiết kế và xây dựng.

Vốn là họa sĩ sơn dầu nhưng với niềm đam mê gốm cổ, Bùi Hoài Mai đã dồn tâm huyết của mình cho gốm Việt đương đại và lập “Bảo tàng gốm Việt” ngay trên nền xưởng gốm cá nhân tại đây.

Với diện tích khoảng 500 m2, “Bảo tàng gốm Việt” của họa sỹ Bùi Hoài Mai được thiết kế xây dựng theo chuyên đề cụ thể, với hàng nghìn món đồ mà anh đã dày công sưu tập như một chuỗi lịch sử kéo dài từ thời văn hóa Phùng Nguyên, Đông Sơn đến thời Lý, Trần... ở mỗi thời kỳ, những hoa văn, chất liệu và tạo hình chính là đặc điểm để gốm Việt tự kể câu chuyện về thời đại của chúng. Điều đặc biệt hơn cả là những món đồ Bùi Hoài Mai dày công sưu tầm lại được đặt trong bối cảnh và không gian phù hợp, đó chính là ngôi nhà đậm chất quê của anh tại Hiên Vân.

Ngôi nhà của họa sĩ Bùi Hoài Mai tại “Bảo tàng gốm Việt” khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng với lối thiết kế độc đáo về vật liệu xây dựng. Từng chi tiết tại không gian bảo tàng gốm (vừa hoàn thiện nhà) đều toát lên vẻ trầm mặc hoài cổ, mang những nét đặc trưng của làng quê Bắc Bộ. Vừa mộc mạc chân quê, hòa đồng với thiên nhiên cây cối, vừa gây thú vị bởi những đường nét sáng tạo mang dấu ấn riêng của người nghệ sĩ. Ý tưởng làm nhà của họa sỹ Bùi Hoài Mai xuất phát từ sự yêu thích với những bức tường làm bằng đất nện còn sót lại ở làng. 

Xưởng gốm của họa sỹ Bùi Hoài Mai.

Theo anh, nhà bằng đất sẽ rất mát, tiết kiệm chi phí và mang hồn quê yên bình giản dị khác với cuộc sống ồn ào chốn thị thành. Cổng chính của căn nhà được xếp bằng những phiến đá hộc chắc chắn, tường đất và hệ thống cửa gỗ, mang dáng dấp của kiến trúc truyền thống. Ao nhỏ trước nhà điều hòa không khí với những đám bèo, hoa súng, hoa sen... khiến cho cảnh sắc thiên nhiên thêm gần gũi. Trong căn nhà mái ngói ba gian hai chái được xây dựng khung gỗ xoan với những hàng cột được kê trên những bệ gốm tròn trang trí hoa sen, những phù điêu gốm trang trí trên tường nhà, cửa sổ, những viên gạch gốm lát nền đan xen với những viên gốm nhỏ trang trí hoa văn, những mái hiên hứng gió vườn, những bức tượng được đặt ở những vị trí phù hợp với từng không gian trong khu nhà... Tất cả đều thể hiện sự tinh tế, công phu của chủ nhân và đôi bàn tay khéo léo của người thợ tạo ra chúng.

Mải miết tìm kiếm, gây dựng lại những giá trị truyền thống cuối cùng còn sót lại, rồi dày công phục dựng và hoàn thiện cho ngôi nhà cổ, cho “Bảo tàng gốm Việt”... tất cả những điều đó dường như không chỉ dừng lại ở sở thích, mà với người họa sĩ này, nghiệp gốm như có duyên với anh tự thuở nào. Từ tình yêu với gốm, Bùi Hoài Mai muốn được tiếp nối một dòng gốm thuần Việt đã từng nổi danh với bạn bè thế giới. Sau hàng chục năm ròng rã nghiên cứu, tìm hiểu về nghề gốm tại những làng gốm cổ như Bát Tràng, Phù Lãng, Thổ Hà... Và tận mắt chứng kiến sự thăng trầm của các làng nghề đang ngày một thất truyền, Bùi Hoài Mai quyết tâm phải học và theo được nghề gốm Việt. 

Không gian nhà cổ của họa sỹ Bùi Hoài Mai ở Hiên Vân, Tiên Du, Bắc Ninh.

Vậy là, anh đắp lò, xây dựng hẳn khu nhà xưởng sản xuất gốm với mục đích là có thể tự tay tạo ra những sản phẩm gốm của riêng mình, phục vụ công trình kiến trúc, đồ vật décor cho bảo tàng gốm, tiếp đến là phục vụ bạn bè và khách hàng có nhu cầu. Có lẽ, đó cũng là lý do mà hơn chục năm qua Bùi Hoài Mai bỏ phố về quê, ngày đêm mày mò, tìm tòi, nghiên cứu, làm bạn với đất, với lửa, với những loại men Việt từng nổi danh một thời.

Những ngày đầu bắt tay vào công việc, dù chưa một lần làm gốm nhưng với khả năng hội họa, kiến trúc cộng với kiến thức về lịch sử văn hóa và những ngày tháng miệt mài học hỏi, Bùi Hoài Mai đã vượt qua được những khó khăn, thử thách để tạo ra những sản phẩm gốm mang dấu ấn của riêng mình mà vẫn không làm mất đi hồn cốt có sẵn của gốm Việt.

Họa sỹ Bùi Hoài Mai chia sẻ: “Sản phẩm gốm Việt có thể không được tinh xảo, không hấp dẫn người ta ở vẻ bề ngoài nhưng từng đồ gốm giống như một tác phẩm nghệ thuật, không cái nào giống cái nào. Gốm Việt mộc mạc, tình cảm và càng sống lâu với nó càng thấy nó có duyên thầm”. Và cái duyên của những sản phẩm gốm do họa sỹ Bùi Hoài Mai làm ra nằm ở khâu trang trí hoa văn, với nghệ thuật vẽ dưới men, trang trí hoa văn trước rồi tráng men sau, kỹ thuật thủ công điêu luyện của phương pháp làm gốm truyền thống thời Lê - Nguyễn, Lý - Trần.

Bên trong ngôi nhà với khung gỗ xoan mộc mạc, giản dị.

Mày mò nghiên cứu, Bùi Hoài Mai nhận thấy sản phẩm gốm cổ truyền có cốt đất không tinh xảo để làm những sản phẩm gốm quá đắt tiền nhưng ngược lại nó tạo được sự duyên dáng riêng. Từ đó, anh lại mày mò, phối trộn các loại đất để tạo ra những sản phẩm gốm mang tính mềm mại, không quá bóng bẩy. Thứ nữa, loại men được anh sử dụng là men thuần, nghiền từ tro trấu, đá vôi, sò biển... nung lên chứ không phải là loại men công nghiệp.

Bên cạnh tiếp nối những giá trị truyền thống sẵn có, Bùi Hoài Mai đã mạnh dạn đưa thêm những ý tưởng, ngôn ngữ của riêng mình vào. Rồi cắt, gọt, trau chuốt, tạo hình chi tiết theo ý muốn những sản phẩm gốm. Khâu vẽ hoa văn, họa tiết lên xương gốm có lẽ là khâu anh cảm thấy tâm đắc nhất bởi ở đó anh được tự do sáng tạo, thả những nét vẽ dung dị, cảnh mây trời, non nước, hoa lá nhưng không khỏi thanh thoát, uyển chuyển và bay bổng trên nền men gốm dung dị. Màu men với nghệ thuật phun men, vẽ men từ những bài men cổ truyền tiêu biểu thời Lý - Trần, để tạo ra những màu men ngọc, men hoa nâu, hoa lam, đa dạng về sắc độ như xanh trong vắt, xanh ngọc bích, xanh coban, từ men trắng sữa đến trắng đục, nâu non đến nâu mật cháy...

Yêu gốm, tâm huyết với những sản phẩm gốm nhưng cũng đã rất nhiều lần Bùi Hoài Mai phải đóng cửa xưởng sản xuất gốm bởi anh nhận thấy những thứ mình đang theo đuổi chỉ khiến mình tốn tiền chứ không mang lại điều gì cả. Nhưng rồi niềm đam mê với gốm kèm những băn khoăn, trăn trở mang trong lòng lại kéo anh quay lại xưởng gốm, thì ra, lý do Bùi Hoài Mai gắn bó với xưởng gốm, với làng Na, làng Kiều không đơn thuần dừng lại ở đam mê, sở thích cá nhân mà còn nặng lòng trăn trở làm sao để tạo công ăn việc làm, mang lại thu nhập cho người dân nơi đây. Bùi Hoài Mai chia sẻ: “Nhiều năm ròng cố gắng tìm lại một số nghề truyền thống mà theo tôi nếu mất đi thì quả thật đáng tiếc. 

Thế nhưng, cuối cùng tôi vẫn phải chấp nhận một điều rằng vô số nghề đã từng phát triển rực rỡ trong lịch sử thì nay đã biến mất, đó là quy luật tự nhiên và điều này càng xảy ra nhanh hơn trong xã hội hiện đại. Khi xây dựng nên xưởng gốm này, cũng đồng nghĩa với việc tôi thử tìm cách mang đến một nghề mới cho bà con nông dân nơi đây. Bởi phần lớn người dân địa phương không có nghề phụ, đồng ruộng thì đang ngày càng bị thu hẹp dần bởi các khu công nghiệp đang mọc lên như nấm. Vì vậy, tôi đã suy nghĩ làm sao để mang nghề gốm về, nhằm tạo điều kiện công ăn việc làm cho họ”.

Yêu gốm, tâm huyết với những giá trị truyền thống của cha ông để lại và trăn trở với sự thất truyền của các làng nghề, đặc biệt là nghề làm gốm, những điều mà họa sỹ Bùi Hoài Mai đang miệt mài ngày đêm gây dựng không chỉ đơn thuần mang lại giá trị hưởng thụ cho bản thân mà còn là hành động góp phần bảo tồn nghề truyền thống trong xã hội hiện đại. Họa sỹ Bùi Hoài Mai cũng thẳng thắn chia sẻ: “Theo tôi, bảo tồn không chỉ là việc riêng, khoán cho các nghệ nhân, mà cần sự nghiên cứu, phối hợp của các nhà thiết kế, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu thị trường thời nay, áp dụng tri thức và công nghệ mới để cải biến sản phẩm, sao cho vẫn giữ được hồn cốt truyền thống nhưng lại phù hợp với nhu cầu của xã hội hiện đại”.

Quỳnh Anh
Triển lãm gốm Việt Nam lớn nhất tại Mỹ
Triển lãm gốm Việt Nam lớn nhất tại Mỹ

Một cuộc triển lãm về gốm của Việt Nam lớn nhất từ trước đến nay tại Mỹ mang tên "Rồng và Hoa sen" đang diễn ra tại Bảo tàng Nghệ thuật Birmingham, bang Alabama (Mỹ) từ ngày 22/1 đến 8/4.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN