Hình tượng nhân dân trong Trường ca kháng chiến

Thơ ca nói chung và Trường ca viết về thời kỳ kháng chiến chống Mỹ nói riêng luôn xây dựng hình tượng nhân dân như một sự hội tụ cho sức mạnh cộng đồng trước vận mệnh của đất nước.

Trong thơ ca kháng chiến chống Mỹ, hình tượng nhân dân thường được xây dựng qua những hình ảnh cụ thể như người mẹ, người cha, anh bộ đội… Nhưng đến những trường ca sau năm 1975, nhân dân không chỉ dừng lại ở những hình tượng cụ thể, riêng lẻ mà còn được xây dựng bằng những hình tượng tập thể mang tầm khái quát cao. Các bản trường ca đã có cách cảm nhận hình tượng nhân dân mang vẻ đẹp sử thi kỳ vĩ:

“Mãi mãi sống còn hỡi nhân dân tôi/Người mãnh liệt hơn cả ngàn truyền thuyết” (Những người đi tới biển - Thanh Thảo). Làm nên sức sống mãnh liệt ấy chính là nhờ vào những phẩm chất đáng quí của con người Việt Nam. Dù trong mưa bom bão đạn, dù cận kề với cái chết nhưng những con người sinh ra trên dải đất hình chữ S vẫn không nguôi ý chí chiến đấu và chiến thắng: “Quân thù kia ơi! Một bầy man rợ/Bay đừng hòng khuất phục đời ta/Bay định đốt ta thành hòn than quỳ lạy/Trong ánh lửa hồng ta xuất hiện một vòng hoa” (Bài ca chim Chơrao - Thu Bồn). Vẻ đẹp ấy chính là sự âm thầm, nhẫn nại, cần mẫn của nhân dân góp phần tạo dựng Tổ quốc trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc: “Suối cứ thế âm thầm nuôi biển lớn/ Cứ âm thầm chảy xiết với thời gian” (Đường tới thành phố - Hữu Thỉnh)

Tượng đài về tinh thần kháng chiến của người dân Nam Kỳ tại Khu di tích lịch sử Ngã Ba Giồng (Hóc Môn). Ảnh: ST

Trong mạch cảm hứng chung hướng về nhân dân vừa gần gũi vừa thiêng liêng khi dân tộc bị đế quốc xâm lược, các bản trường ca viết về chiến tranh với lời thơ hào hùng và bi tráng đã tập trung xây dựng hình tượng nhân dân trong hoàn cảnh nguy nan để tìm thấy ở nhân dân sức mạnh phi thường và lẽ sống dân tộc. Đặt trong bối cảnh ngã ba Đồng Lộc trong những tháng ngày ác liệt, sự cảm nhận qua hình ảnh những nữ thanh niên xung phong có thật như La, Tần, Cúc… nhân dân hiện lên là những con người cụ thể vừa gần gũi vừa bình dị trong trường ca của Nguyễn Trọng Tạo: “Nhân dân sống nhân dân làm lụng/áo vá vai lòng thơm thảo lành nguyên” (Con đường của những vì sao - Nguyễn Trọng Tạo). Hình ảnh “áo vá vai” đã nói lên sự chất phác, giản dị đến lương thiện của nhân dân. Tuy nghèo khó song cả cuộc đời của họ cần mẫn lao động để tự nuôi sống mình. Tấm lòng thơm thảo của họ luôn tỏa sáng ở bất kỳ hoàn cảnh nào của cuộc sống.

Tấm lòng nhân dân bừng lên khi đất nước có chiến tranh: “nhân dân căm hờn như núi dựng chông/nhân dân yêu thương đồng dâng gạo trắng/bom đạn giặc từ trời cao ném xuống/nhân dân từ ruột đất trồi lên !...” (Con đường của những vì sao - Nguyễn Trọng Tạo). Sống trong hoàn cảnh đất nước bị kẻ thù xâm lược, là mỗi người dân Việt Nam ai cũng nung nấu trong trái tim mình ý chí và phẩm chất cao đẹp. Đó là lòng căm thù giặc lúc nào cũng trào dâng, cũng thức nhọn, đó là tấm lòng yêu nước, yêu thương đồng chí đồng bào, sẵn sàng sẻ chia những gian khổ, những khó khăn cho cộng đồng. Ở đâu có kẻ thù, ở đó có nhân dân, nếu kẻ thù có dội xuống ba miền của đất nước những loạt bom bằng đồng bằng sắt tối tân thì từ trong lòng đất mẹ Tổ quốc, nhân dân là những con người bằng da bằng thịt sẵn sàng kết lại, sẵn sàng hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ bờ cõi.

Ý chí ấy kết lại thành sức mạnh cộng đồng cuốn phăng đi những bóng đen quân thù. Nhân dân là người đã xẻ núi đắp sông để làm ra những con đường cho đất nước. Tình cảm nồng ấm và sự chở che đùm bọc người lính của nhân dân không sao kể hết, nó thấm sâu và trải dài vào từng cung đường chiến trận: “sức nhân dân xẻ núi lấp sông/mồ hôi mặn nhòe bàn tay máu ứa/con đường mở qua lòng dân rộng mở/đường vươn dài, dân trải tấm lòng che…” (Con đường của những vì sao - Nguyễn Trọng Tạo).

Trong những phút giây chiến trường ác liệt, sự xuất hiện của nhân dân như truyền thêm sức mạnh của cộng đồng dân tộc cho những cô thanh niên xung phong: “La đón từ nhân dân những cột những kèo/những cây gỗ cụ trồng cho ông bà, ông bà trồng cho cha mẹ” (Con đường của những vì sao - Nguyễn Trọng Tạo). Những cột, những kèo, những cây gỗ từ bàn tay nhân dân sẽ góp sức làm lấp những hố bom sâu, san những tuyến đường cho xe ra trận. Phải chăng, đó là sức mạnh tuy bình dị nhưng nó như mạch ngầm dân tộc từ truyền thống đoàn kết từ bao đời nay của nhân dân ta. Và trong những khoảnh khắc của bơm rơi đạn nổ, những người chiến sĩ chợt nhận ra tấm lòng rộng lớn và lòng nhân hậu của nhân dân.

Chính tấm lòng rộng lớn của Nhân dân đã làm cho cuộc kháng chiến của chúng ta trở thành một bản trường ca về cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại:“ La nghe đêm lời gió hát thì thầm/về cuộc chiến tranh nhân dân - bản trường ca hùng vĩ/nhân dân sống cho ngày mai một nửa/một nửa kia cũng sống bởi ngày mai” (Con đường của những vì sao - Nguyễn Trọng Tạo). Sự hiến dâng trái tim rực lửa của lòng yêu nước, hi sinh đến giọt máu cuối cùng để chiến thắng kẻ thù. Bởi lẽ, với nhân dân: “Ở giữa anh và em là cái gì cao hơn sự chết/Hơn cả sự sống hai ta là sự sống giống nòi” (Đất nước hình tia chớp Trần Mạnh Hảo). Dường như cái chết đối với nhân dân chỉ nhẹ như một giấc ngủ dài, chết đồng nghĩa với sự hóa thân vào đất mẹ thân yêu, vào dáng hình xứ xở. Đó là sự hóa thân kỳ diệu của những con người mang trong mình dòng máu Tiên Rồng, tạo nên dáng hình đất nước: “Ôi Đất Nước bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy/Những cuộc đời đã hóa núi sông ta” (Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm).

Lẽ sống của nhân dân không còn là lẽ sống cho riêng mình mà nó kết lại thành lẽ sống lớn của dân tộc. Nhân dân sống cho ngày mai và sẵn sàng hy sinh xương máu của mình cho tương lai tươi sáng của đất nước. Để một chân lý ngàn đời sáng mãi về Tổ quốc của chúng ta. Đó là đất nước được sinh ra từ trong lòng nhân dân và là đất nước của nhân dân. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã nhấn mạnh chân lý này: “Để đất nước này là đất nước của nhân dân/Đất nước của Nhân dân, Đất nước của ca dao thần thoại” (Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm). Chân lý về nhân dân thật vĩ đại nhưng cũng thật bình dị. Sự bình dị ấy giống như hình ảnh người mẹ lặng lẽ cả cuộc đời nhưng sáng ngời: “Và cứ thế nhân dân thường ít nói/Như mẹ tôi lặng lẽ suốt đời/Và cứ thế nhân dân cao vời vợi/Hơn cả những ngôi sao cô độc giữa trời”(Những người đi tới biển - Thanh Thảo).
Nguyễn Thế Lượng
Hình tượng người Mẹ trong Trường ca kháng chiến
Hình tượng người Mẹ trong Trường ca kháng chiến

Bức tượng đài về chân dung người Mẹ luôn tỏa sáng trong mỗi bản trường ca viết sau năm 1975…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN