Hết mình vì làn điệu sình ca

“Ở cái tuổi xưa nay hiếm rồi, tôi không biết còn có thể truyền lại những làn điệu sình ca của dân tộc Cao Lan cho lớp trẻ được bao lâu nữa”. Đây là tâm sự của ông Sầm Văn Dừn, ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng đã dành cả cuộc đời để sưu tầm, gìn giữ làn điệu sình ca - bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan đang đứng trước nguy cơ mai một. Ông Sầm Văn Dừn được ví như “bảo tàng sống” của dân tộc Cao Lan ở tỉnh Tuyên Quang.


Trong ngôi nhà sàn ở thôn Mãn Hóa, xã Đại Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, ông Dừn say sưa giới thiệu với chúng tôi những nét văn hóa của dân tộc Cao Lan: Sình ca chính là “hồn cốt” của văn hóa Cao Lan. Sình ca là lối hát giao duyên, không có nhạc, hát bằng tiếng Cao Lan, sau đó hát lại bằng tiếng phổ thông. Tương truyền sình ca được chia làm 12 tập, hát trong 12 đêm, mỗi tập mang một nội dung và ý nghĩa khác nhau. Triết lý trong sình ca vô cùng sâu sắc với những câu hát ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi tình yêu đôi lứa, hát về con người, vũ trụ...

 

Hằng ngày Nghệ nhân Sầm Văn Dừn miệt mài nghiên cứu sách cổ về những làn điệu sình ca của đồng bào dân tộc Cao Lan.


Để gìn giữ làn điệu sình ca, hơn 20 năm qua, ông Dừn đã nỗ lực không ngừng để truyền dạy làn điệu này cho cộng đồng dân tộc Cao Lan. Ông đã thành lập được hai đội văn nghệ, một đội cao tuổi và một đội trẻ tuổi. Với các tiết mục “tự biên, tự diễn” đội văn nghệ trẻ tuổi đã cùng ông đi biểu diễn ở rất nhiều nơi và giành nhiều giải thưởng, cũng như nhận được sự yêu mến của nhiều người. Bên cạnh đó, ông còn giúp các thôn, xóm trong xã dàn dựng nhiều tiết mục văn nghệ để biểu diễn trong các dịp lễ, Tết.


Anh Đàm Trọng Hà ở thôn Yên Phú, xã Đại Phú (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) cho biết: Mỗi dịp tổ chức văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, ông Sầm Văn Dừn đều qua giúp đỡ đội văn nghệ trong thôn tập hát sình ca. Tình yêu sình ca của ông Dừn đã lan sang mọi người. Chưa bao giờ phong trào văn hóa văn nghệ trong xã phát triển mạnh như hiện nay, đặc biệt là hát sình ca, thôn nào tổ chức văn nghệ cũng có hát sình ca...


Ông Dừn cho biết: "Tôi may mắn hơn người khác vì có sự chia sẻ và động viên của vợ con trong việc bảo tồn làn điệu sình ca. Là một gia đình thuần nông, cuộc sống trông vào ruộng, nương và chăn nuôi. Nhưng tất cả những việc đó đều do một tay vợ con chăm lo, để tôi có thể chuyên tâm vào sưu tầm, sáng tác sình ca và nghiên cứu những cuốn sách cổ về văn hóa của dân tộc Cao Lan".


Trong ngôi nhà sàn truyền thống, ông Sầm Văn Dừn dành một góc trang trọng, để kê những tập sách cổ viết về sình ca và văn hóa truyền thống của người Cao Lan. Hiện nay, ông Dừn gìn giữ được 17 bộ sách cổ về văn hóa dân tộc Cao Lan và 8 bộ sách cổ về sình ca, một số quyển có từ hơn 500 năm trước. Hàng ngày, ông dịch những cuốn sách cổ đó từ tiếng Hán sang tiếng phổ thông để truyền dạy cho mọi người.


Ông Dừn cho biết thêm: "Tôi mong muốn truyền dạy được nhiều hơn nữa những làn điệu sình ca cho cộng đồng người Cao Lan, để nét văn hóa này không bị mai một".



Bài và ảnh: Quang Cường - Phạm Yến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN