'Hát cửa đình' và câu chuyện bảo tồn

Hát “cửa đình” được coi là trình thức không thể thiếu trong nghệ thuật ca trù. Vậy mà, đã hơn nửa thế kỷ qua, hát cửa đình bị lãng quên và có nguy cơ thất truyền nếu không có nhiệt huyết của nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ 91 tuổi và các thành viên Câu lạc bộ ca trù thành phố Hải Phòng.

Trong ngày báo cáo kết quả phục dựng trình thức hát cửa đình (14/1), tại Di sản Văn hoá Quốc gia đình Hàng Kênh (Hải Phòng), nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ bảo rằng, hát cửa đình là trình thức hát quan trọng nhất, lâu đời nhất của nghệ thuật ca trù. Bảo tồn ca trù mà không giữ được hát cửa đình thì coi như ca trù mất gốc.

Hát không đủ hoặc để mất đi Hát cửa đình là mất đi cái gốc của ca trù. Còn nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền thì khẳng định, để mai một hát cửa đình thì ca trù cũng không còn ý nghĩa…Chính vì vậy mà ngày báo cáo kết quả phục dựng lại trình thức hát cửa đình, rất nhiều nhà hoạt động trong lĩnh vực văn hóa coi đây là một sự kiện đặc biệt và đầy ý nghĩa.

Nó càng ý nghĩa hơn khi nó được phục dựng lại đúng vào thời điểm vừa tròn 5 năm, ca trù được UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp.

Tiết mục biểu diễn của Nghệ nhân dân gian Nguyễn Phú Đẹ và NSƯT Đỗ Quyên.


Theo các tài liệu thư tịch cổ, sinh hoạt hát ca trù gắn liền với các đình làng, và hát cửa đình thường do một giáo phường xuất sắc được chọn đảm nhiệm. Hát cửa đình xưa diễn ra vào các dịp lễ hội tại cửa đình, cửa đền, mang âm hưởng của văn hóa tâm linh, đòi hỏi sự trang nghiêm nhưng vẫn tưng bừng không khí hội hè, đình đám.

Vào ngày hát, sân đình có múa Tứ linh với 4 con vật linh thiêng Long, Ly, Quy, Phượng cùng dàn nhạc bát âm. Trước khi vào cửa đình, phần nghi lễ trước hương án thờ tự phải chu đáo. Sau đấy mới là quy trình diễn xướng được thực hiện bởi nhiều ca nương, kép đàn đủ 14 thể cách (làn điệu), trong đó có những thể cách bắt buộc chỉ được thể hiện trong hát cửa đình. Mỗi thể cách tương ứng với một hoặc nhiều bài ca trù, tùy theo tính chất mỗi cuộc hát mà sử dụng bài ca trù nhiều hay ít.

Để phục dựng hát cửa đình, Nghệ sĩ ưu tú Đỗ Quyên, chủ nhiệm Câu lạc bộ ca trù Hải Phòng cùng các ca nương, đào kép của câu lạc bộ lặn lội từ thành phố Hải Phòng về tận Tứ Kỳ (Hải Dương), để nhờ nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ truyền dạy cho các ngón nghề, cách thức trình tự một chầu hát cửa đình hoàn chỉnh.

Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ nắm giữ rất nhiều kinh nghiệm, kiến thức về hát ca trù nói chung và hát cửa đình nói riêng. Qua những buổi học với nghệ nhân, các ca nương, kép đàn của câu lạc bộ đã thể hiện được 6 trong 14 thể cách quy định trong trình thức hát cửa đình.

Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ truyền dạy thêm 8 thể cách, kết hợp với thực hành diễn xướng (do nghệ nhân trực tiếp dàn dựng). Nghi lễ phục dựng được bài trí theo đúng không gian, trình tự canh hát ca trù cổ. Ca nương, kép đàn thể hiện đủ 14 thể cách theo trình tự 5 lớp diễn xướng hóa cổ truyền dân tộc.

Miệt mài khổ luyện trong bốn tháng ròng rã (bắt đầu từ tháng 9/2014), thầy trò nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ đã biến ý tưởng và ký ức thành hiện thực, khi phục dựng lại đầy đủ và nguyên vẹn trình thức hát cửa đình của ca trù. Ngày báo cáo kết quả, nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ trực tiếp thực hiện hai tiết mục Giáo hương và Hát giai. Các tiết mục còn lại do các đào nương kép đàn của Câu lạc bộ ca trù Hải Phòng đảm nhận.

Rất nhiều người đã đặt câu hỏi, rằng hát cửa đình, một di sản vô giá được tổ tiên để lại, tại sao phải tới hơn nửa thế kỷ sau mới được phục dựng lại và việc phục dựng lại do một câu lạc bộ ca trù (Hải Phòng) đảm nhiệm?

Thử hỏi, nếu không có nhiệt huyết của nghệ nhân lão thành Nguyễn Phú Đẹ (kép đàn duy nhất từng thực hành hát cửa đình cách đây hơn nửa thế kỷ) và các thành viên Câu lạc bộ ca trù Hải Phòng, thì liệu hát cửa đình có được chuyển giao thế hệ, hay để mai một theo thời gian?..

Thật may (dù quá muộn) cho ca trù, với tâm huyết của nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ cùng sự hỗ trợ của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, những người yêu nghệ thuật ca trù của Câu lạc bộ ca trù Hải Phòng đã kịp nhận ra sự quan trọng và khẩn cấp thực hiện chuyển giao hát cửa đình từ người nghệ nhân già duy nhất.

Nghệ sĩ ưu tú Đỗ Quyên cho biết, hát cửa đình có được kết quả như hôm nay hoàn toàn dựa vào trí nhớ của nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ. Toàn bộ kinh phí học hát, học đàn, cho đến việc phục dựng một cách bài bản..., câu lạc bộ đều tự xoay xở. Đến thời điểm này, các ca nương chưa nhận được một sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chức năng cũng như các đơn vị bảo tồn di sản.

Sau buổi trình diễn ấy, mừng là một di cảo vô giá của tổ tiên còn lại đã chính thức được chuyển giao thế hệ. Nhưng đây mới chỉ là kết quả bước đầu. Để hát cửa đình ngày một ngấm sâu và được truyền giữ bền vững, rất cần một sự đầu tư bài bản, lâu dài, đặc biệt là cần giới thiệu rộng rãi tới công chúng - đó mới thực sự là một niềm vui cho ca trù.


Yến Nhi
Thượng Thôn còn vang khúc ca trù
Thượng Thôn còn vang khúc ca trù

Câu lạc bộ Ca trù Thượng Thôn, xã Đông Tiến, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, là một trong ba câu lạc bộ ca trù còn tồn tại trên đất Bắc Ninh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN