Hào hùng chương trình nghệ thuật “Sống mãi với Thủ đô”

Tối 15/12, chương trình nghệ thuật mô hoành tráng “Sống mãi với Thủ đô” do TP Hà Nội tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày toàn quốc kháng chiến đã diễn ra tại hai điểm cầu: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và chợ Đồng Xuân.

Đồng chí Tòng Thị Phóng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Trương Hoà Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; đồng chí Vương Đình Huệ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Hoàng Trung Hải, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội cùng đông đảo lãnh đạo Trung ương và TP Hà Nội đã đến dự.

Chương trình nghệ thuật "Sống mãi với Thủ đô" tại điểm cầu Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Chương trình nghệ thuật “Sống mãi với Thủ đô” chia làm ba chương: “Lời hịch non sông”, “Luỹ hoa” và “Sẽ về Thủ đô”. Thông qua 14 đại cảnh kịch phục dựng, chương trình nghệ thuật tái hiện không khí chiến đấu sục sôi 60 ngày đêm khói lửa của quân và dân Thủ đô, bằng chất liệu âm nhạc và ngôn ngữ kịch. Đó là tinh thần chiến đấu quả cảm, ‘Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, vượt qua mọi khó khăn gian khổ bảo vệ Hà Nội, giam chân địch tạo điều kiện để Trung ương rút lên chiến khu Việt Bắc an toàn.

“Lời hịch non sông” tái hiện bối cảnh Hà Nội chuẩn bị những ngày Toàn quốc kháng chiến, nơi ra đời lời hịch non sông và tinh thần đoàn kết của nhân dân trong bối cảnh đất nước lâm nguy. “Luỹ hoa” là hình ảnh các chiến sỹ cảm tử quân sống chết với Thủ đô trong 60 ngày đêm khói lửa. “Sẽ về Thủ đô” kể về các chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô không chỉ hoàn thành nhiệm vụ mà còn tổ chức cuộc lui quân thần kỳ để 9 năm sau vang khúc ca khải hoàn chiến thắng trở về.


Cùng với các đại cảnh kịch phục dựng, chương trình nghệ thuật “Sống mãi với Thủ đô” còn có các phóng sự: “Trước giờ nổ súng”, “Bom ba càng” với những hình ảnh chân thực trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến. Bên cạnh đó, chia sẻ của Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Quang Đạo - Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Nguyễn Thị Bích Thuận - Cán bộ phụ trách Hội Phụ nữ cứu quốc Liên khu II, bà Vũ Thị Nhâm - Nguyên chiến sỹ vệ út Trung đoàn Thủ đô... khiến khán giả hiểu hơn về giá trị lịch sử những ngày Toàn quốc kháng chiến. Đan xen trong chương trình là các ca khúc nổi tiếng: “Người Hà Nội”, “Chiến sỹ Việt Nam”, “Đoàn vệ quốc quân”, “Cảm tử quân”, “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, “Sẽ về Thủ đô”... ra đời trong những năm kháng chiến.
Đinh Thị Thuận (TTXVN)
Sống lại ký ức những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến
Sống lại ký ức những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến

Bảy mươi năm đã trôi qua, những người trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ Hà Nội những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến đều đã ngoài 90 tuổi. Tuổi cao, sức yếu nhưng khi nhắc đến 60 ngày đêm khói lửa chiến đấu chống thực dân Pháp, giam chân địch, tạo điều kiện để Trung ương Đảng, Chính phủ rút về an toàn khu, mọi người như sống lại với những giây phút hào hùng ấy. Đó là những tháng ngày gian khổ nhưng đầy tự hào với tinh thần quả cảm “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN