Hàng vạn lượt du khách đến các điểm danh thắng dịp Tết

Những ngày đầu năm mới Bính Thân 2016, hàng vạn lượt du khách đã tham quan, đi lễ tại các khu di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Hải Dương như Côn Sơn - Kiếp Bạc, Đền Tranh, Văn Miếu Mao Điền, Đền Bia...

Theo ông Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban quản lý Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, tính đến ngày 13/2 (mùng 6 Tết), Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc (thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) đón khoảng 8 vạn lượt du khách về dâng hương, tham quan, chiêm bái.


Du khách vào dâng hương tại đền Kiếp Bạc. Ảnh: Mạnh Minh- TTXVN


Di tích Đền Tranh (xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang) cũng là điểm đến tấp nập khách dâng hương, đi lễ. Theo ông Trịnh Văn Thuần, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đồng Tâm, từ mùng 1 Tết đến nay, trung bình mỗi ngày có 6.000 - 7.000 lượt khách đến với Đền Tranh cầu công danh, học hành giỏi giang, làm ăn thuận lợi...


Di tích danh lam thắng cảnh quốc gia Đảo Cò (xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện) cũng là một địa chỉ được nhiều người chọn du Xuân. Theo Ban quản lý di tích, từ ngày mùng 2 Tết đến nay, ước có khoảng 10.000 lượt khách tham quan. Di tích Văn Miếu Mao Điền (xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng) cũng đón khoảng 3.000 lượt du khách. Người dân đến với di tích này dâng hương, thành tâm cầu mong thi cử đỗ đạt. Những ngày qua, Đền Bia (xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng) là nơi thờ đại danh y Tuệ Tĩnh - vị Thánh thuốc Nam, tương truyền rất linh thiêng trong việc cầu sức khỏe, cũng đón khoảng 10.000 lượt du khách.


Công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách hành hương là một nội dung được các địa phương, Ban quản lý các di tích đặc biệt quan tâm. Theo ông Lê Duy Mạnh, tại khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc không xảy ra tình trạng cháy nổ, không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, không đeo bám và chèo kéo du khách. Ban Quản lý di tích tuyên truyền bằng hình thức phát tờ rơi, tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh nhắc nhở các hộ kinh doanh, dịch vụ trong Khu di tích và lưu ý du khách thập phương thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, không đổi tiền lẻ, không xem tướng số, không thuê người khấn, đội lễ thuê, khi mua hàng cần hỏi giá và thỏa thuận giá trước. Ban Quản lý khu di tích cũng kết hợp với chính quyền địa phương tăng cường soát vé, đảm bảo trật tự các bến bãi trông giữ xe cho du khách.


Tại di tích Đền Tranh, theo ông Trịnh Văn Thuần, để thuận tiện cho du khách, trong Đền đã có các nội quy, bảng hướng dẫn, bố trí các khu vực sắp lễ. Nhằm đảm bảo an ninh trật tự và an toàn cho khách đi lễ dịp Tết, ngay từ những tháng cuối năm 2015, chính quyền địa phương đã họp và triển khai những công việc liên quan, như: nghiêm cấm việc đổi tiền lẻ, lên đồng, xem bói, cử lực lượng trực thường xuyên để nắm bắt tình hình, xử lý kịp thời. Những trường hợp bán hàng chặt chém, đeo bám du khách sẽ bị đình chỉ bán hàng.


Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, tại một số di tích, vẫn còn tình trạng thu giá vé trông giữ xe cao hơn quy định, người dân đi lễ vẫn rải và giắt tiền lẻ trên các mâm ngũ quả, lọ hoa bày trên các ban thờ; ăn mày, ăn xin vẫn xuất hiện tại các đền, chùa; có nhiều hòm công đức tại các di tích.


PV
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN