Hài kịch mang tới sự ấm áp cho cuộc sống

Đó chính là cảm giác của mỗi khán giả khi rời khỏi rạp Tuổi trẻ Hà Nội sau 1 tiếng 45 phút “cười mà khóc, khóc vẫn cười” cùng các nghệ sĩ trong chùm hài kịch “Phát điên vì tiền”.


Sau màn dạo đầu dí dỏm với cảnh 5 người đàn ông, mỗi người một hoàn cảnh trớ trêu và đều muốn ra cầu Nhật Tân tự tử; nhưng quyết định tạm dừng không tự tử để đi xem hài kịch “Phát điên vì tiền”; là 5 tiểu phẩm ngắn, mỗi tiểu phẩm là một câu chuyện hài nhưng thấm tới tân can, gồm “Chuyện ngôi sao”, “Nắng chiều”, “Mẹ thuê”, “Cướp cà phê mướp” và “Phát điên vì tiền”.

Một cảnh trong tiểu phẩm “Chuyện ngôi sao”.

“Chuyện ngôi sao” phản ánh một thực tế đau lòng hiện nay trong đời sống âm nhạc, khi những chương trình nghệ thuật đang bị làm méo mó bởi các ngôi sao và bởi công nghệ “tạo sao”. Đoàn của ông bầu nọ về một vùng quê để tổ chức “Liên hoan ngành phân bón”. Với lời quảng cáo về phần trình diễn của ngôi sao đang nổi Châu Việt Hoàng, nên vé của đêm diễn đã bán hết veo. Tuy nhiên, do là ngôi sao nên dù chương trình đã bắt đầu cả tiếng đồng hồ, Châu Việt Hoàng vẫn chưa thấy tăm hơi đâu, mặc cho các “ca sĩ”, nhóm múa, diễn viên ảo thuật ra sức diễn thế trong lúc chờ đợi. Nào là nhóm múa đã múa tới lần thứ 4, nào là diễn viên ảo thuật đã 4 lần mang con ngan của mình ra để diễn, nào là “ca sĩ đóng thế” Bò Việt Cường, được “quảng bá” là em của Châu Việt Hoàng đã phải hát tới 17 - 18 bài, giọng khản đặc, không còn ra hơi và lần nào ra hát cũng phải đội mũ bảo hiểm và mang theo mẹt để... che các loại củ quả, chai nhựa mà khán giả ném lên sân khấu để phản đối. 

Cuối cùng, Châu Việt Hoàng cũng đến nhưng còn rình ràng nghỉ ngơi, trang điểm, thay trang phục “bởi em là ngôi sao”, dù ông bầu thì như ngồi trên cả “núi lửa” vì bị khán giả la ó, thậm chí bê cả loa đài đi để phản đối... Bất đắc dĩ, Bò Việt Cường lại phải ra diễn trong nước mắt vì lo bị khán giả ném đá, vì đã cạn bài hát. Nhưng đó là lúc tình huống hài bật ra: Do mặc chiếc quần quá rộng đi mượn ra diễn, Việt Cường đã bị... tụt quần trên sân khấu. Những tưởng đó là thảm họa, thì vụ “tụt quần chân thật” này lại khiến anh thành ngôi sao trong lòng khán giả với nghệ danh “Cường tụt quần”...

Thật sự là những giây phút khiến khán giả cười ngả nghiêng với vở diễn, nhưng ngược lại, cũng phải cay đắng khi lắng lại, bởi dường như nền âm nhạc của chúng ta đúng là đang trong tình cảnh “quái dị” như vậy, khi những nhân vật bị thầy hiệu trưởng trường cấp II đuổi học, chưa từng qua một trường lớp đào tạo âm nhạc nào, bỗng một ngày thành sao chỉ vì những hành động “bất thường” như... tụt quần.Vậy phải chăng thị hiếu của công chúng cũng đã đi xuống, phải chăng nền âm nhạc của chúng ta đang quá dễ dãi khi làm nghệ thuật?

Với “Nắng chiều”, câu chuyện lại khiến người xem cảm thấy có niềm yêu hơn vào cuộc sống, khi chứng kiến chuyện tình của hai cụ già đã ngoài 80, cụ bà đã bị lẫn 1 năm nay, không còn nhận ra ai, ngày nào cũng ra công viên ngồi vì nghĩ mình là cô gái tuổi đôi mươi và cụ ông ngày nào cũng giả vờ bị ngồi vào cái dằm trên ghế, để làm quen, rồi tán tỉnh, rồi chờ cụ bà đồng ý cho cưới... để dẫn về nhà. 1 năm liền như thế, nhưng cụ ông luôn lạc quan, yêu vợ như ngày đầu, yêu cả những thói xấu như tiếng ngáy, bệnh ho, bệnh đau chân của vợ; hào hứng với cảm giác ngày nào cũng được... cưới vợ. Nó khiến người xem như được vui lây với hạnh phúc của hai cụ, với một tình yêu đích thực hóa ra vẫn còn sống trong xã hội mà đạo đức ngày càng bị bào mòn này...

“Mẹ thuê” lại là câu chuyện về sự vô tâm của cha mẹ trong thời hiện đại, do mải mê kiếm tiền nên chỉ chăm con bằng cách cho con thật nhiều tiền và luôn yên tâm với những lời nói dối của con... Cho đến một ngày phát hiện ra cậu quý tử là học sinh cá biệt, có vấn đề cả về học hành và đạo đức, thường xuyên thuê bà đồng nát làm mẹ để đến gặp thày chủ nhiệm. Nhưng chuyện đau lòng hơn là khi bị bà đồng nát chất vấn thì người mẹ mới ngã ngửa ra là mình không hề biết gì về sở thích, cuộc sống của con, không hề biết nó thích ăn món đầu chó “Nụ cười mỹ nhân” chứ không phải cơm gà, thích đọc “Kim Bình Mai” chứ không phải “Những người khốn khổ”... Và người mẹ đã trào nước mắt quyết định “nhờ” con mỗi lần đi họp phụ huynh, mỗi lần cần có mẹ, hãy “thuê” mình với giá 1.000 đồng, thay vì thuê bà đồng nát với giá 200.000 đồng...

5 vở diễn, với sự góp mặt của những nghệ sĩ nổi tiếng của Nhà hát Tuổi trẻ như Chí Trung, Đức Khuê, Vân Dung, Ngọc Huyền, Bá Anh, Tuấn Anh, Nguyệt Hằng, Anh Tuấn, Thanh Dương... đã mang tới một đêm diễn trọn vẹn thật sự hiếm gặp trên sân khấu Thủ đô lâu nay, nhất là với sân khấu hài. Công chúng được thỏa mãn xem, nhưng cũng lại được sâu sắc ngẫm, để giật mình rằng liệu mình có mắc phải những “thói hư, tật xấu” ấy, liệu mình đã sống xứng đáng với vị trí, vai trò của mình, liệu mình đã làm được những điều cho cuộc sống này tốt đẹp hơn...
T.Anh
Những vở kịch cải lương tiêu biểu
Những vở kịch cải lương tiêu biểu

Nhà xuất bản Sân khấu vừa ra mắt cuốn sách “Những vở kịch cải lương tiêu biểu” của tác giả Phạm Văn Quý.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN