Hài kịch đầu xuân “ trảm” y tế

Một bản tổng kết đầy đủ và sâu sắc về ngành y tế trong năm qua bằng hài kịch qua tiểu phẩm “Táo y tế kiểu mẫu”. Những vấn nạn của xã hội được nhìn dưới góc hài hước, nhưng gợi biết bao điều đáng phải suy ngẫm cho khán giả. Cuộc sống này cơ bản là tốt đẹp, nhưng vẫn còn những điều chúng ta phải nỗ lực…

 

Một tiểu phẩm trong chương trình.

 

Sau hàng chục năm giữ vị trí “ thứ hai” trong chương trình xuân thường niên của Nhà hát Tuổi trẻ, giờ đây hài kịch đã quyết định vươn lên vị trí “số một”. Chương trình nghệ thuật chào Xuân 2014 sẽ là theo mô hình “Hài kịch+ ca nhạc”. Và xem ra, sự thay đổi và lựa chọn thay đổi này đã đúng!

 

Với ba tiểu phẩm chính “Táo say”, “Táo chùa” và “Táo y tế kiểu mẫu”, xen cùng những tiết mục ca múa nhạc rộn ràng sắc xuân với sắc đào thắm, sắc mai vàng, 60 phút cùng cười với chương trình “Táo cười đón xuân” 2014 của Nhà hát Tuổi trẻ, dự kiến ra mắt từ ngày 7/2 (mùng 8 tết), chắc chắn sẽ để lại ấn tượng đẹp cho khán giả trong những ngày đầu năm mới.

 

Táo ông, Táo bà.

 

Người dẫn chuyện sẽ là gia đình nhà Táo, gồm 2 Táo ông và 1 Táo bà. Táo ông “râu dài tới rốn” phụ trách xã hội. Táo ông đồng tính phụ trách văn hoá. Táo bà phụ trách y tế, dân sinh. Họ vừa từ Thiên đình trở về sau một ngày báo cáo đầy vất vả. Và câu chuyện bắt đầu ngay sau khi họ vừa kịp làm vệ sinh thân thể…

 

Đó là chuyện về “Táo say” giống như một màn giao đãi hài hước. Đó là chuyện về “Táo chùa” với lời phê phán vấn nạn tham nhũng trong xã hội. Nhưng không phải là những vụ tham nhũng lớn, mà là chuyện “đục khoét” của mỗi cá nhân rất nhỏ, rất bình dị: Câu chuyện về một anh nhân viên dẫn 4-5 ông sếp vào quán nhậu, cuối buổi, sau khi các ông sếp đã về hết, anh ta ở lại thanh toán và quyết định “đội” số tiền lên 4-5 lần.

 

 

“Những sự tham nhũng, đục khoét dù rất nhỏ ấy, cũng đã khiến xã hội mất mát nhiều, mất đi cả những giá trị tốt đẹp nữa, đó là  điều cũng cần phải phê phán, chứ không chỉ những vụ tham nhũng lớn, bạc tỉ”- Tổng đạo diễn chương trình, NSƯT Chí Trung cho chia sẻ.

 

Và “tâm điểm” sẽ là tiểu phẩm “Táo y tế kiểu mẫu”. Câu chuyện kéo dài trong gần 30 phút, với những lớp lang, những tình huống hài “rất sảng khoái, nhưng là “cười ra nước mắt”. Một bệnh viện nọ năm qua để xảy ra rất nhiều tai biến, nên liên tục bị “bêu gương” trên báo, ông giám đốc đau đầu với những câu trả lời báo chí: “Tôi sẽ trả lời bằng văn bản”, nên quyết định tìm sự tư vấn từ anh trợ lý rất ranh ma, nhiều mưu mẹo, kẻ luôn tâm niệm những “vấn nạn” của y tế là chuyện rất bình thường, rằng “Người bệnh có đến thăm, dúi cho phong bì vài trăm. Người đời có cười chê, nhưng mình thấy oke”, rằng việc một tuần bệnh viện có hai sản phụ chết là bình thường, vì bệnh viện tháng nào chẳng có ít nhất 2-4 sản phụ chết, chỉ là lần này bị “báo chí phanh phui” mà thôi...

 

Người trợ lý này đã nghĩ ra một mưu kế rất hay cho ông giám đốc bệnh viện: Tìm những y bác sĩ giỏi nghề, có y đức nhưng đang là “kỳ đà cản mũi” trong bệnh viện để làm thành đội ngũ y tế kiểu mẫu, chuyên chỉ ngồi chờ báo chí, cấp trên đến để “khoe” và báo cáo thành tích. Và đây được coi là cách để “thay đổi” của bệnh viện trong việc… xây dựng y đức!

 

Chương trình “Táo cười đón Xuân” của Nhà hát Tuổi trẻ có sự đồng hành của Ocean Bank và Ocean Mart. Đây là một hướng đi rất thành công của Nhà hát: Kết hợp với các doanh nghiệp để làm văn hoá.

 

Với tiểu phẩm này, khán giả sẽ gặp lại gần như tất cả những “vụ việc” của ngành y tế trong năm qua, từ vụ sản phụ chết vì sự tắc trách của các y, bác sĩ, vụ việc thẩm mỹ viện Cát Tường, vụ việc phát nhầm thuốc cho bệnh nhân… tất nhiên dưới góc nhìn hài hước và có phần “ngoa ngôn” hơn một chút. Nhưng rõ ràng, dù có là sân khấu, dù các nhân vật, tình tiết đã được xây dựng với những thủ pháp sân khấu, song vẫn thấy ở đó, hình ảnh của cuộc sống hiện nay, của những chuyện đã và đang xảy ra trong xã hội của chúng ta.

 

Một ông giám đốc bệnh viện với tuyên bố xanh rờn: “Bệnh viện chứ có phải lò luyện đan đâu mà ai vào cũng sống hết được”.

 

Một ông trưởng khoa phẫu thuật khi được giám đốc gọi lên thì vừa xong một ca phẫu thuật và để quên… bao thuốc lá trong bụng bệnh nhân. Theo thống kê của giám đốc bệnh viện thì trong một tháng, vị trưởng khoa này đã để quên 12 con dao, 8 cái panh và vô số bông gạc trong bụng bệnh nhân. Thế nhưng, thay vì lo lắng cho sức khoẻ bệnh nhân thì anh ta chỉ nhận lỗi vì đã để…“thất thoát vật tư của bệnh viện” và khẳng định, nếu bệnh nhân có chết ở ngoài bệnh viện thì không phải lỗi của mình.

 

Một ông trưởng khoa tâm thần chân giày, chân dép lê, quần xắn móng lợn, tay cầm kẹo mút, lúc nào cũng ngơ ngẩn vì chẳng biết bệnh nhân của mình có điên thật không, thẩm định để bệnh nhân được ra viện bằng câu hỏi: “Anh có bị điên không?” và chữa bệnh bằng cách tăng gấp đôi liều thuốc an thần, nếu chưa khỏi lại tăng gấp đôi tiếp và cuối cùng là chuyển lên tuyến trên.

 

Một ông trưởng khoa mắt có vấn đề về mắt và chỉ… giỏi làm thơ, thay giác mạc thì thay nhầm cho bệnh nhân rồi lại đi thanh minh “Em có muốn thay nhầm giác mạc đâu, nhưng vật tư toàn những chữ tây tàu…”.

 

Một ông trưởng khoa tai mũi họng điếc đặc, lần nào dự họp cũng phải có người làm phiên dịch và thay vì chữa mũi thì chuyển sang nâng mũi cho bệnh nhân, tiện hút đờm thì… hút luôn mỡ bụng, tiện vá màng nhĩ thì vá luôn một số “màng” khác!

 

Một bà trưởng khoa sản đưa nhầm thuốc dành cho đàn ông cho bệnh nhân khiến phụ sản bị đẻ non! Với một đội ngũ như vậy, nên chuyện xảy ra tai biến, xảy ra sự cố, những cái chết với bệnh nhân là hết sức bình thường, rằng “ đã là công việc thì phải có thiệt hại nhất định”.

 

Và như giám đốc bệnh viện tuyên bố, nếu đuổi hết những người không có năng lực, không có y đức thì lấy đâu ra người để làm. Cho nên, giải pháp, như đã nói ở trên, là tạo ra kỷ nguyên những bác sĩ kiểu mẫu, gồm những người tài giỏi, có y đức nhưng lại không “cần thiết” cho bệnh viện vì lâu nay “không có họ chúng ta vẫn hoạt động như bình thường”.

 

Rất nhiều tình tiết để có thể cười, rất nhiều cách diễn xuất tài tình của các diễn viên khiến người xem thấy sảng khoái. Nhưng, nếu chỉ có thế, thì chưa phải là Nhà hát Tuổi trẻ. Sau vở diễn, ngẫm lại, thấy cười mà đau đấy, đau cho những vấn nạn, tệ nạn vẫn còn tồn tại, đau cho một xã hội chưa thực sự được như chúng ta mong muốn. Và đau rồi thì phải vào cuộc thôi, chung tay- bằng chính hành động của mình, để làm cho xã hội tốt đẹp hơn, để làm cho y đức không còn là chuyện “ trưng bày” nữa!

 

T.Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN