Giữ gìn và bảo tồn làng nghề thêu Văn Lâm

Làng Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình từ lâu đã được biết đến với nghề thêu ren truyền thống. Trải qua hàng thế kỷ người dân vẫn lưu giữ nghề truyền thống và phát triển bằng những sản phẩm thêu tay độc đáo có độ tinh xảo cao phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Thợ thêu hoàn thành sản phẩm tại cơ sở thêu Minh Trang, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN

Làng thêu Văn Lâm nằm cạnh Khu du lịch Tam Cốc - Bích động, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư. Dọc hai bên đường vào làng là các cửa hàng san sát bày bán các sản phẩm như khăn tay, áo, tranh… đều được những người thợ tỉ mỉ thêu từng đường kim mũi chỉ với những hình ảnh đẹp, bắt mắt. Trong đó độc đáo nhất phải kể đến sản phẩm tranh thêu, chủ yếu là tranh về phong cảnh, quê hương, đất nước. Chỉ bằng cây kim, sợi chỉ, miếng vải, những người thợ thêu tay đã biến những chất liệu đơn giản thành những sản phẩm độc đáo với những mảng hoa văn mềm mại, đan xen kỳ lạ, đẹp mắt và đầy mầu sắc.

Theo các nghệ nhân cao tuổi của làng, nghề thêu ren ở thôn Văn Lâm có trên 700 năm tuổi. Tương truyền rằng nghề thêu xuất hiện từ khi Vua Trần thắng giặc Nguyên Mông, dân làng đã được bà Trần Thị Dung dạy cho cách chăn tằm, dệt vải, thêu thùa. Thế kỷ XX, trong làng có 2 anh em người dòng họ Đinh lên Hà Nội học thêm nghề thêu ren, rua của người Pháp về dạy cho dân làng. Từ đó đến nay sản phẩm thêu tay của Văn Lâm phát triển mạnh mẽ.

Sản phẩm thêu ren truyền thống Văn Lâm. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN

Ông Chu Năng Văn, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư làm nghề thêu lâu năm tại thôn Văn Lâm chia sẻ: Thêu là một nghề thủ công đòi hỏi người thợ phải có bàn tay khéo léo, tài hoa, đôi mắt tinh tường cộng với bộ óc tinh tế và đức tính cẩn thận, cần mẫn. Để hoàn thành một sản phẩm, công đoạn đầu tiên, người thợ phải vẽ những hoạ tiết cần thêu ra giấy, sau đó trổ vào tấm mica mỏng. Muốn thêu đẹp trước hết mẫu trổ phải đẹp, sau đó người thợ mang mẫu in trên tấm mica đó đặt trên tấm vải rồi lấy mực quét lên để lại dấu trên vải rồi mới thêu. Khi công đoạn thêu hoàn tất, các sản phẩm sẽ được kiểm tra kỹ lại một lượt rồi đem đi giặt là và đóng gói. Các họa tiết được thể hiện thường là những cây cỏ, con vật đẹp, quý hiếm như tùng, trúc, cúc, mai, ong, bướm... cùng cảnh dân dã như đàn gà, vịt, lợn, bò; người làm đồng, đánh cá, dệt vải; cây đa, bến nước, con thuyền, danh lam thắng cảnh đất nước...Mỗi tác phẩm đều mang đậm tính nhân văn thể hiện hồn quê, khơi dậy ở người xem sản phẩm tình yêu đối với non sông gấm vóc.

Hiện nay thôn Văn Lâm có khoảng gần 3.000 lao động làm nghề thêu và du lịch tại địa phương. Thôn có 16 nghệ nhân tiêu biểu đã được UBND tỉnh phong tặng nghệ nhân cấp tỉnh. Trên địa bàn thôn có 6 doanh nghiệp và nhiều cơ sở sản xuất hàng thêu ren truyền thống, giải quyết việc làm cho nhiều lao động của xã và các địa phương lân cận. Các doanh nghiệp không chỉ mở xưởng sản xuất tại địa phương mà còn thông qua các hình thức hợp tác như gia công, tổ chức nhiều điểm sản xuất ở các địa phương trong và ngoài huyện. Hướng đi này không chỉ nhằm bảo đảm tiến độ, thời gian, số lượng hàng cho khách mà còn giải quyết việc làm cho nhân dân các địa phương trong thời điểm nông nhàn.

Theo ông Lê Văn Thiêm - trưởng thôn Văn Lâm, thanh niên hiện nay rất năng động, dám nghĩ dám làm và đã có khá nhiều người thành đạt từ nghề thêu, mở rộng nghề đến nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh như huyện Yên Mô, Yên Khánh, Gia Viễn. Chính họ đã đưa sản phẩm đến với nhiều bạn hàng nước ngoài. Song số người có tay nghề làm ra những sảm phẩm tinh xảo, độc đáo đang ngày càng mai một. Ông Thiêm mong muốn các cấp chính quyền tạo điều kiện khuyến khích lớp trẻ học nghề thêu để vừa tạo việc làm vừa giữ gìn và phát triển làng nghề truyền thống của quê hương.

Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Hải Bùi Xuân Thủy cho biết: Là làng nghề nằm trong vùng Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An, ngay tại Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, Văn Lâm có nhiều điều kiện thuận lợi để đưa nét văn hóa làng nghề cũng như những sản phẩm truyền thống đến gần hơn với du khách và bạn bè quốc tế. Do vậy, để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống, Ninh Hải đã có nghị quyết chuyên đề đẩy mạnh phát triển nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch. Hàng năm xã đã phối hợp với các trung tâm đào tạo nghề để dạy nghề cho người dân, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác truyền nghề, đào tạo nghề cho lớp trẻ để tiếp tục gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của địa phương.

Xã đã tiến hành quy hoạch chi tiết khu làng nghề thêu ren truyền thống, xây dựng khu trưng bày sản phẩm, tạo điều kiện để phát triển du lịch làng nghề nhằm quảng bá sản phẩm của làng nghề. Với những doanh nghiệp muốn mở rộng nhà xưởng xã sẽ tạo mọi điều kiện, nhất là về mặt bằng để đầu tư phát triển. Đặc biệt, xã đang trình cấp trên cho xây dưng khu chợ tiêu thụ sản phẩm làng nghề với 200 gian hàng ngay tại địa phương nhằm hấp dẫn du khách, phục vụ cho du lịch có hiệu quả hơn.

Hiện nay, sản phẩm thêu tay của Văn Lâm đã và đang được thị trường tiêu thụ tốt, hàng năm tổng doanh số xuất khẩu đạt từ 50 đến 80 tỷ đồng. Nghề thêu đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 1% năm 2016, bình quân thu nhập đầu người đạt 30 triệu đồng/năm. Việc tạo điều kiện cho nghề thủ công trong đó có nghề thêu phát triển sẽ góp phần phát triển kinh tế vừa bảo tồn được làng nghề truyền thống.

Hải Yến (TTXVN)
Hà Nội khánh thành Nhà máy xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà
Hà Nội khánh thành Nhà máy xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà

Sáng 8/10, UBND thành phố Hà Nội tổ chức khánh thành Dự án Nhà máy xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà, tại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức sau 10 tháng thi công.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN