Giang Quân - người đa tài yêu Hà Nội

Nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân (ảnh) hiện sở hữu “gia tài” khoảng 30 cuốn sách viết về Hà Nội của riêng mình. Bên cạnh đó, ông còn có vài chục cuốn sách in chung với các tác giả khác. Ông đã trở thành cái tên được nhiều người biết đến, thậm chí có người ví ông như cuốn “Từ điển sống” của Hà Nội.


Người yêu Hà Nội

Nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân năm nay đã 89 tuổi, nhưng niềm say mê của ông với nghề viết vẫn còn sâu đậm lắm. Chỉ tiếc là, một cơn tai biến nghiệt ngã khiến ông bị liệt nửa người, nên nhiều trang sách của ông vẫn còn dang dở, chờ ngày tiếp tục.

Sau hơn 1 tháng nằm viện, tình trạng sức khỏe của ông nay đã khá hơn, nay gia đình đưa ông về trị liệu tại nhà. Tuy đi lại khó khăn, nhưng ông vẫn còn minh mẫn lắm. Nhà ông luôn rộng cửa đón khách đến thăm. “Hiện nay tôi đang tích cực trị liệu bằng phương pháp bấm huyệt châm cứu. Tôi chỉ mong nhanh chóng khỏe lại, để tiếp tục những công trình dang dở của mình”, nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân tâm sự hết sức chân thành.

Gọi ông là “cuốn từ điển sống” của Hà Nội có lẽ cũng không quá, bởi sau khi đọc bộ sách của ông viết về Hà Nội, thì người Hà Nội sẽ hiểu thêm về Hà Nội, người không ở Hà Nội cũng sẽ có những kiến thức đầy đủ về một Hà Nội xưa và nay. Điểm qua danh sách những cuốn sách mà ông nghiên cứu, biên khảo như “Thủ đô Hà Nội”, “Hà Nội xưa và nay”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh với thủ đô”, “Dấu tích kinh thành”, “Hà Nội trong ca dao ngạn ngữ”, “Từ điển đường phố Hà Nội”, “Tiểu từ điển đường phố Hà Nội”, “Thăng Long - Hà Nội nghìn năm”, “Ký sự địa chí Hà Nội”, “Văn hóa gia đình người Hà Nội”, “Trò chơi, trò diễn dân gian Hà Nội”, “Văn hóa người Hà Nội”, “Khâm Thiên gương mặt cuộc đời”, “Kẻ Diễn - một vùng văn hóa”… Ông cũng là đồng tác giả của nhiều bộ sách nổi tiếng về Hà Nội như “Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long”, “Bách khoa toàn thư Hà Nội”, “Thăng Long Hà Nội”…

Trong số mấy chục đầu sách về Hà Nội, thì cuốn “Từ điển đường phố Hà Nội” là một trong những cuốn ông tâm đắc nhất. Nhà nghiên cứu Giang Quân cho biết, cuốn từ điển đường phố đầu tiên của ông in khoảng năm 1998. Cuốn sách ngoài giới thiệu tên phố, đặc điểm tuyến phố, còn giới thiệu từng di tích, danh thắng có trên tuyến phố ấy, có khi còn nêu cả tiểu sử của vị thánh được thờ ở trong di tích đó…

Cho đến nay, cuốn “Từ điển đường phố Hà Nội” đã tái bản 7 lần, đang chuẩn bị tái bản lần thứ 8. Mỗi lần tái bản đều có chỉnh sửa, bổ sung. Nhìn cuốn sách cũ của ông chi chít các dòng chữ nhỏ li ti, hay những mảnh giấy được cắt, ghép, dán vào từng trang sách để đánh dấu chỗ cần chỉnh sửa, bổ sung, đính chính… có thể thấy, sự cẩn thận, tỉ mỉ của ông trong công việc. Ông kể, mỗi khi có con phố nào được đặt tên, ông lại đến tận nơi xem những thông tin đó có đúng không. Những chuyến đi điền dã ấy của ông, mà ông đã phát hiện ra một số sai sót trong quá trình đặt tên phố. “Trước đây, có nơi ban đặt tên phố ghi sai tiểu sử người được đặt tên, quy định hoặc kể đoạn đường đi của phố nhiều khi cũng chưa đúng, khi tôi phát hiện có sai sót thì tôi báo để họ sửa lại. Cũng có khi là trong quá trình xây dựng đường sá, có nhiều tuyến đường bị lấp, bị giải tỏa… bạn đọc gọi điện đến cho tôi, tôi đến tận nơi xem xét rồi về chỉnh sửa, bổ sung vào trong cuốn từ điển của mình”, nhà nghiên cứu Giang Quân cho biết.

Bên cạnh cuốn “Từ điển đường phố Hà Nội”, cuốn “Ký sự địa chí Hà Nội”, xuất bản nhân dịp 1000 năm Thăng Long cũng là cuốn ông khá tâm đắc. Cuốn sách được ông viết từ khi Hà Nội còn chưa mở rộng, mới có 9 quận, 5 huyện và 14 đơn vị. Mỗi đơn vị được ông viết trong một chương, bao gồm đầy đủ các mục như văn hóa, con người, danh nhân, khoa bảng, các nghề truyền thống, di tích, danh thắng, ca dao, ngạn ngữ, lễ hội… Cuốn sách kể về từng địa phương, về đặc điểm, lịch sử hình thành, phát triển của từng địa phương…
Người đa tài
Nhiều người biết đến nhà nghiên cứu Giang Quân như một người chuyên nghiên cứu và viết sách về Hà Nội. Nhưng có lẽ ít người biết, ông là người rất đa tài. Ông vừa làm thơ, vừa viết văn, viết báo, và còn sáng tác cả kịch thơ. Ông cũng là nhà nghiên cứu văn hóa, nhất là về văn hóa dân gian. Ông hiểu về Hà Nội, về di sản văn hóa Hà Nội và phong tục tập quán ở Hà Nội.

Ông Nguyễn Hữu Vượng, em trai nhà nghiên cứu Giang Quân cho biết: “Nhiều người biết đến anh tôi bởi những cuốn sách, những bài viết về Hà Nội, nhưng là người sống với anh từ nhỏ, nên tôi biết, anh tôi thích nhất là kịch thơ. Anh ấy đã sáng tác được nhiều vở kịch thơ, trong đó có vở ‘Con tôi về giữa mùa xuân’, đã được dựng và biểu diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội, do nhà văn Băng Sơn thủ vai chính”.

Bên cạnh vở kịch thơ “Con tôi về giữa mùa xuân”, nhà nghiên cứu Giang Quân còn viết nhiều vở kịch thơ khác như “Nát ngọc”, “Trai thời loạn”, “Quán sông Hồng”, “Quên thù hãy cứu quê hương”, “Trái tim và thanh gươm”, “Vạt áo màu sim”, “Bài thơ bên suối”… chỉ tiếc là, sau này, loại hình kịch thơ không có nhiều đất sống trên sân khấu, nên những vở kịch thơ ông viết chỉ được in trên sách, mà không có cơ hội được dựng thành kịch.

Không chỉ kịch thơ, nhà nghiên cứu Giang Quân còn sáng tác thơ, viết văn, kịch bản cho phim truyền hình… Trong đó, thơ có các tập “Gió đợi hương chờ”, “Trái tim tôi yêu”, “Tiếng chiều xanh”, “Sợi nhớ sợi thương”. Văn có tiểu thuyết “Em về với nước”, “Cổ tích vui”, “Sương nắng đời người”. Ông còn viết kịch bản “Xuôi ngược dòng đời” và “Phía cuối đường đua” cho phim truyền hình. Ông cũng là một nhà báo chuyên nghiệp với nhiều bài báo sâu sắc, nhất là những bài viết trong thời kỳ kháng chiến ở Hà Nội.

Mặc dù các công trình nghiên cứu, hay thơ, văn, kịch… của ông, thì đề tài cũng chủ yếu về Hà Nội. Lý giải nguyên nhân mình yêu và gắn bó với Hà Nội một cách sâu sắc, nhà nghiên cứu Giang Quân cho biết, ông sinh ra và lớn lên ở Cẩm Giàng (Hải Dương), đến năm 1950 ông mới lên Hà Nội. Mặc dù không sinh ra ở Hà Nội, nhưng ông quan niệm, mình sống ở đâu thì đó là quê mình, và phải hiểu biết về lai lịch, lịch sử, truyền thống ở nơi đó, từ đó mà ông tìm hiểu về Hà Nội và yêu Hà Nội, học những cái hay, cái đẹp của Hà Nội.

Nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân cho biết, ông hiện đang tham gia viết một số cuốn sách về Hà Nội, trong đó có một cuốn về phong tục tập quán lễ hội vùng Hà Nội mở rộng (Hà Tây cũ) và cuốn Topten Hà Nội gồm một bộ khoảng 7 - 8 quyển, cuốn sách do ông Nguyễn Viết Chức làm chủ biên, và nhà nghiên cứu Giang Quân là thành viên tham gia. “Cả cuộc đời tôi nghiên cứu về Hà Nội, viết về Hà Nội. Tâm nguyện lớn nhất của tôi bây giờ là mong sao còn sức khỏe để tiếp tục hoàn thành những công trình dở dang của mình”, nhà nghiên cứu Giang Quân chia sẻ.
Phương Lan
Triển lãm những cuốn sách về Hà Nội
Triển lãm những cuốn sách về Hà Nội

Triển lãm "Những cuốn sách về Hà Nội" do Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức, sẽ khai mạc ngày 8/10/2015, tại Hà Nội. Đây là hoạt động nhân kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô (10/10).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN