Gian nan lấy du lịch 'nuôi' nghệ thuật

Được nhắc tới như cái nôi của nghệ thuật, Hà Nội chứa đựng và nuôi dưỡng nhiều loại hình nghệ thuật, từ Ca trù, Xẩm, Rối nước, Rối dây, Trống quân, Hát dô, Chèo, Chèo tàu, Cải lương, Hát văn, Hát cửa đình đến múa Sênh tiền, múa Đánh bồng, múa át Bài bông… Nhưng trong một thời gian dài, loại hình này lâm vào tình trạng thiếu đất diễn, vắng khán giả. Giải pháp được Hà Nội tính đến là thu hút khách du lịch đến với các sân khấu nghệ thuật, vừa để quảng bá văn hóa truyền thống Việt, vừa để phát triển nghệ thuật; người làm du lịch thiện chí, người làm nghệ thuật phấn khởi. Nhưng sau một thời gian bắt tay nhau, hiệu quả của sự hợp tác chưa được như mong muốn. Xem ra, việc đưa du khách đến với nghệ thuật còn lắm gian nan.

Lợi hai chiều


Đứng trước cái lợi hai chiều, vừa được cho du lịch, vừa được cho nghệ thuật truyền thống, những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội từng bước hỗ trợ một số nhà hát, câu lạc bộ xây dựng những vở diễn đặc trưng phục vụ khách du lịch, kết nối cho các công ty lữ hành đến khảo sát, tìm hiểu những điểm diễn này để đưa khách đến. Trong đó phải kể tới Nhà hát chèo Hà Nội, một số võ đường, câu lạc bộ Ca trù Lỗ Khê, Rối nước Đào Thục… Bản thân một số nhà hát, câu lạc bộ cũng tự đứng ra xây dựng vở diễn, chương trình diễn, tìm địa điểm biểu diễn phù hợp để phục vụ du khách với tâm niệm tự lo cho sự sống còn của mình.

Cải lương bằng tiếng Anh, một thử nghiệm táo bạo của Nhà hát Cải lương Hà Nội. Ảnh: hanoimoi.com.vn


Sau ba lần thử nghiệm, giữa năm 2012, Nhà hát Cải lương Hà Nội đã chính thức trình diễn các chương trình cải lương bằng tiếng Anh (dịch lời sang tiếng Anh) phục vụ khách du lịch. Ông Trần Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát cho biết: “Những người làm nghệ thuật và sân khấu đều mong muốn được đưa nghệ thuật nước nhà đến với khách du lịch, vì chúng ta có một nền văn hóa rất đáng tự hào. Qua các buổi biểu diễn cho thấy, mặc dù khách chưa ngồi kín phòng nhưng đã đông hơn trước”. Những lần thăm dò ý kiến khách sau khi biểu diễn, đồng thời phỏng vấn trực tiếp người xem, cho thấy đa phần khách hài lòng với chương trình biểu diễn và thường xuyên lưu lại chụp hình với diễn viên, thậm chí mua đĩa hình về xem.

Mặc dù không gần trung tâm nhưng Câu lạc bộ rối nước Đào Thục, huyện Đông Anh có cái lợi trình diễn trong một không gian mang đậm dấu ấn của nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ. Mặc dù chưa được coi là “sống khỏe’ nhưng phường rối Đào Thục không rơi vào tình trạng “ốm yếu” như các phường rối nước khác. Chủ nhiệm Câu lạc bộ rối nước Đào Thục, Nguyễn Văn Quảng chia sẻ: “Hiện có khoảng 10 công ty lữ hành đưa khách về Đào Thục, tháng nào nhiều thì biểu diễn từ 20 – 30 ca, tháng ít cũng khoảng 10 ca. Cho dù, kinh phí thu được không nhiều, mang tính phục vụ là chính nhưng 50 diễn viên của phường rối đều phấn khởi, tận tâm với công việc vì có cơ hội giới thiệu nghệ thuật truyền thống cha ông đến với du khách”.

Ngoài ra, Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long cũng tự tìm “đất diễn” cho mình bằng cách tổ chức biểu diễn ở đền Quán Đế, nhà cổ 87 Mã Mây; Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội biểu diễn tại đình Kim Ngân, khu phố cổ Hà Nội. Nhà hát Chèo Hà Nội xây dựng các trích đoạn, giới thiệu tới các công ty lữ hành để thu hút khách tới xem…

Còn nhiều gian nan

Cho dù cả hai phía du lịch và văn hóa đều có những cố gắng để đưa và thu hút khách tới xem nghệ thuật biểu diễn, nhưng nhìn chung các điểm trình diễn vẫn thiếu vắng khán giả, còn các công ty du lịch vẫn phàn nàn buổi tối không biết đưa khách đi đâu. Ngoài chương trình nghệ thuật rối nước của Nhà hát múa rối Thăng Long phát huy tốt hiệu quả, đa phần các điểm biểu diễn khác đều rơi vào tình trạng buồn tẻ. Tiềm năng vẫn sẵn, nhu cầu vẫn cao, nhưng mấu chốt vấn đề là chưa tạo được sự thống nhất trong việc đưa đón khách, chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa du lịch và văn hóa.

Đánh giá của các công ty du lịch cho rằng, các chương trình biểu diễn còn đơn giản, trong khi nhu cầu thưởng thức của du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài đề cao hành động, sự sôi động, mỹ quan. Bởi họ không hiểu lời thoại của nước sở tại, mà có dịch như Nhà hát Cải lương Hà Nội vẫn bị hạn chế khả năng tiếp nhận nội dung. Trong khi đó, các chương trình này chưa có nhiều đổi mới trong các trích đoạn, vở diễn hay tiết mục trình diễn. Một mặt, hạ tầng cơ sở tại các nơi này cũng là hạn chế lớn trong việc đón tiếp khách du lịch - đối tượng có nhu cầu cao.

Ông Phạm Đức Hùng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Hà Nội cho rằng: Bến bãi phục vụ đón khách, an ninh trật tự tại các điểm biểu diễn chưa được đầu tư tương xứng. Vì vậy, ngành văn hóa, thể thao và du lịch Hà Nội cần có đề xuất để các nhà hát, nơi biểu diễn được tạo điều kiện về bến bãi, điểm đón trả khách bên cạnh việc đầu tư cơ sở biểu diễn, âm thanh, ánh sáng hỗ trợ, các chương trình, tiết mục độc đáo và hấp dẫn. Ngay cả các câu lạc bộ ca trù muốn có địa điểm biểu diễn đều phải mượn các điểm di tích trong khu phố cổ, vừa hạn chế về diện tích, vừa bất cập về giao thông đi lại. Ngoài hai nhà hát chèo và kịch Hà Nội được đầu tư cơ sở mới dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (cùng với Trung tâm văn hóa Kim Đồng) thì các nhà hát còn lại đều trong tình trạng cơ sở vật chất không đảm bảo.

Đứng trên góc độ du lịch, ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội khẳng định: “Việc phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội, rất nhiều di sản văn hóa chưa được phát lộ”. Ông Mai Tiến Dũng phân tích, thực tế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó hai nguyên nhân không thể không nhắc đến đó là nhận thức và hành động. Từ nhận thức chưa đầy đủ về các mối quan hệ biện chứng giữa bảo tồn văn hóa truyền thống với phát triển du lịch, dẫn đến việc chưa có những hành động cần thiết và hiệu quả.

Như vậy, hơn lúc nào hết, cả du lịch và nghệ thuật cần được quan tâm một cách đúng mức, cần được xúc tiến khai thác một cách xứng tầm để ngày càng nhiều du khách đến tìm hiểu, thưởng thức văn hóa truyền thống Việt Nam.


Đinh Thị Thuận

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN