Giải mã cơn sốt “bút dứa táo bút”

Nhân vật hài kịch Piko Taro của Nhật Bản bỗng chốc trở nên nổi danh như cồn, được cả thế giới biết đến nhờ bài hát siêu ngắn về một cây bút, một quả táo và một quả dứa, mang tên PPAP (viết tắt của Pen Pineapple Apple Pen). Piko Taro do diễn viên kiêm nhà sáng tác nhạc Kazuhiko Kosaka thủ vai.

PPAP có nhịp điệu vui tai còn lời hát thì ngắn ngủn, dễ nhớ song lặp đi lặp lại vô nghĩa. Trong đó, nhân vật Piko Taro - người duy nhất xuất hiện trong đoạn clip có phông nền trắng toát - diện bộ trang phục vàng tươi in nhiều hoạt tiết da động vật, cổ quàng chiếc khăn lụa dài, hóa trang bộ ria mép mỏng dính. Ngoài giọng hát đều đều như đọc, Taro còn nhún nhảy vui nhộn miêu tả lại hành động cắm chiếc bút vào quả táo và quả dứa. “Tôi có một cây bút. Tôi có một quả táo. Bút táo! Tôi có một cây bút. Tôi có một quả dứa. Bút dứa! Bút táo. Bút dứa. Bút dứa táo bút” chính là toàn bộ phần lời của bài hát PPAP.

Piko Taro biểu diễn PPAP.

Không chút gì ý nghĩa hay được đầu tư công phu, thế nhưng bài hát “bút dứa táo bút” đã trở thành thứ virus gây nghiện một cách khó hiểu, đồng thời tạo ra một cơn sốt sình sịch trên mạng intetnet. Người nghe ở khắp các châu lục trên thế giới, cả già lẫn trẻ, đều đã “nhiễm virus”, từ lẩm nhẩm theo giai điệu đến quay clip diễn lại. Thậm chí “hoàng tử nhạc teen” Justin Bieber sau khi nghe ca khúc này cũng ngay lập tức chia sẻ với 88 triệu người theo dõi trên mạng xã hội Twitter và gọi đó là “video yêu thích trên internet”. Không chỉ các nhân vật nổi tiếng ở trong đất nước Nhật Bản mà còn có các nghệ sĩ khắp thế giới đang có trào lưu diễn lại bài hát PPAP của Piko Taro hoặc làm mới theo phong cách riêng.

Theo báo Financial Express, kể từ lúc được đăng tải lên Youtube vào ngày 25/8 cho tới nay, bài hát “nhảm” dài 1 phút 8 giây này đã được khoảng 24 triệu lượt người xem. Tuy con số này không quá ấn tượng nhưng “bút dứa bút táo” đã được rất nhiều tài khoản đăng lại, đồng thời được chia sẻ liên tục trên mạng xã hội. Trang Facebook của diễn đàn giải trí 9GAG cũng dẫn lại video này và đạt trên 60 triệu lượt xem, hơn 500.000 lượt thích và gần 1 triệu lượt chia sẻ. Carlos Andres Silva, một người dùng Facebook, bình luận: "Tôi không thể gạt bỏ giai điệu này ra khỏi đầu". Nhiều người nghe xong còn tự hỏi bản thân rằng chẳng hiểu họ đã bỏ ra hơn một phút để làm gì.

Dù bị đánh giá là nhảm nhí hay ngớ ngẩn, nhưng những con số trên đã chứng tỏ sức lan tỏa chóng mặt và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại của PPAP đối với cư dân mạng. Nhiều người còn tin tưởng “bút dứa táo bút” sẽ nối gót ca khúc “Gangnam Style” của ca sỹ Hàn Quốc Psy, trở thành một hiện tượng châu Á trong làng nhạc thế giới. Cũng giống như “Gangnam Style”, PPAP hội đủ yếu tố vui nhộn, lời dễ nhớ, đặc biệt là nghệ sĩ thể hiện có cá tính “quai quái” lôi cuốn người xem. Chính những yếu tố trên đã tạo nên tên tuổi của Psy năm 2012. Hai năm sau, video của anh đã chính thức xô đổ mọi kỷ lục về lượt xem trên Youtube: 2,6 tỷ lượt. Trước thời của PPAP và Gangnam Style, cũng đã có những ca khúc ngắn nhưng lại trở thành bản hit nhờ các yếu tố tương tự như: Macarena của Los Del Rio (1995), The Ketchup Song của Las Ketchup (2002), Barbie Girl của nhóm AQUA (1997) và Crazy Frog - Axel F (2005).

Có thể nói mạng xã hội ngày nay là một nơi vừa tàn nhẫn, vừa kỳ lạ và hấp dẫn. Nó có quyền năng biến con người từ vô danh trở thành nổi tiếng chỉ sau một đêm, hoặc cùng lúc phá hoại cuộc đời của ai đó. Và may mắn lần này đã mỉm cười với Kazuhiko Kosaka. Kosaka khởi nghiệp từ năm 1991 nhưng không phải là gương mặt quá nổi tiếng trong làng Youtube Nhật Bản. Anh cũng từng đăng trên mạng xã hội nhiều đoạn clip với phong cách tương tự. Chia sẻ niềm vui khi bất ngờ nổi tiếng, diễn viên Kosaka 40 tuổi đã viết trên tài khoản Twitter cá nhân rằng: “Chào mọi người, tôi là Piko Taro. Tôi rất vui vì có nhiều người xem PPAP từ khắp nơi trên thế giới”.
Hồng Mai
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN