Garip Ay - Sức mạnh của người nghệ sĩ Ebru

Có những khoảnh khắc chỉ là khoảnh khắc, nhưng sức mạnh chúng tạo ra không thể đo đếm bằng lời. Làm chủ kĩ thuật Ebru truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ, chàng nghệ sĩ trẻ 32 tuổi Garip Ay đã tạo ra vô vàn khoảnh khắc như thế.

Sinh ra và lớn lên gần Siirt ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, Garip theo học mỹ thuật tại một trường trung học phổ thông ở Diyarbakir trước khi cầm tấm bằng tốt nghiệp ngành Nghệ thuật truyền thống Thổ Nhĩ Kỳ ở trường Đại học Minar Sinan tại thành phố Istanbul năm 2010. Kể từ thời điểm này, với vai trò là một nghệ sĩ Ebru và họa sĩ tại Istanbul, Garip trở thành một trong những nghệ sĩ Ebru nổi tiếng nhất hành tinh. Anh đã đi qua nhiều vùng đất, tổ chức nhiều cuộc triển lãm, hội thảo và hội nghị chuyên đề trên khắp thế giới. Kĩ thuật của anh trong bộ môn nghệ thuật truyền thống Thổ Nhĩ Kỳ đã đi vào phim tài liệu và các tác phẩm anh tạo ra cũng xuất hiện trong các video ca nhạc hay lên sóng truyền hình.

Garip Ay và Ebru (ảnh lấy từ tư liệu do nhân vật cung cấp).

Ebru là loại hình nghệ thuật lâu đời có xuất xứ từ vùng Trung Á. Cái tên Ebru liên quan đến từ “mây” trong ngôn ngữ Ba Tư và ở Iran, đôi khi Ebru được hiểu là “mây và giấy gió”. Hiểu một cách đơn giản, Ebru là cách người nghệ sĩ tạo ra hình ảnh từ lớp màu rải trên mặt nước trước khi những họa tiết đó được in trực tiếp lên mặt giấy. Trước đây, Ebru thường được sử dụng để trang trí trong in ấn hoặc bổ trợ các bộ môn thư pháp, vẽ tiểu họa. Nhưng đến với Garip, loại hình nghệ thuật này đã được nâng tầm lên biểu diễn.

Để cho ra đời một tác phẩm Ebru, công việc chuẩn bị của Garip luôn luôn là làm đặc nước bằng chất làm đặc carrageenan nhằm kiểm soát sự dịch chuyển của hình vẽ. Lớp sơn màu cũng được pha trộn để đảm bảo nổi trên mặt chất lỏng và có độ lan rộng phù hợp lẫn dễ dàng chuyển qua bề mặt giấy, lụa, gỗ... Khi công đoạn chuẩn bị đã hoàn tất và cây cọ của Garip bắt đầu di chuyển, phép thuật của Ebru hiện hình. Từ bức chân dung tự họa của Van Gogh hay tác phẩm “Đêm đầy sao” của danh họa người Hà Lan..., những thứ tưởng chừng không thể thoắt hiện rồi lại thoắt ẩn dưới bàn tay của Garip. Việc hòa trộn Ebru và hội họa cũng cho phép Garip tạo ra một không gian sáng tạo không giới hạn. Việc sử dụng các chất liệu khác nhau như ván acrylic, vải, kính... cũng cho phép anh thu nhặt những chiêm nghiệm mới với nghề.

Tình nghề người nghệ sĩ


Theo chia sẻ của Garip, dù hội họa là tình yêu lớn nhất của anh trong cuộc sống, nhưng theo thời gian, Ebru với hấp lực kì lạ ngày càng xâm chiếm chàng nghệ sĩ Thổ Nhĩ Kỳ. Cá nhân anh cũng cảm thấy may mắn khi được đào tạo bài bản trong bộ môn nghệ thuật này và cảm hứng sáng tác càng thêm nảy nở khi anh nhận được những phản hồi rất tích cực từ người xem lúc họ đón nhận sức sống mãnh liệt của loại hình nghệ thuật có tuổi đời nhiều thế kỉ.

Trong thế giới quan của Garip, dù có nhiều khác biệt về kĩ thuật và văn hóa, song anh luôn cảm nhận tồn tại một sức hút và mối liên hệ kì lạ giữa kĩ thuật của Ebru và các tác phẩm của danh họa Van Gogh. Thế cho nên, hành trình tìm niềm vui trong loại hình nghệ thuật còn nhiều chân trời để khám phá này cũng là cách để anh bày tỏ sự ngưỡng mộ với những bậc đại tài đi trước như Van Gogh, như M.C. Escher... những cái tôi thôi thúc anh theo đuổi con đường đã đam mê từ thuở bé. Chia sẻ về quan điểm sáng tạo nghệ thuật của bản thân, Garip nói: “Với tôi, có hai phương pháp làm việc rất quan trọng: Hoặc bạn thêm yếu tố mới vào điều bạn đã tạo ra và suy ngẫm làm thế nào để cải tiến và thay đổi nó, hoặc để tránh sự lặp lại, bạn kiếm tìm những điều mới mẻ để liên tục thay đổi, để nói ra sự thật. Tôi cố quên hoàn toàn tất cả những gì tôi đã biết trước khi bắt tay làm điều gì đó”.

Sống và làm việc với loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc, với Garip, là sống và làm việc cùng những phút giây thư giãn, trăn trở với các tác phẩm, vui sướng khi hoàn thành hay đương đầu với thách thức để bứt phá ra khỏi các giới hạn. Theo nhận xét của Garip, như một món quà dành cho người nghệ sĩ tâm huyết với nghề, Ebru trao cho anh cơ hội làm việc và tiếp xúc với nhiều người khi cá nhân anh là một người khá đơn độc và ít bè bạn. Garip Ay bộc bạch, dù cuộc sống của một người nghệ sĩ chưa bao giờ dễ dàng xét trên khía cạnh kinh tế, nhưng anh vẫn không ngừng nuôi hy vọng tiếp tục tiến lên, để chạm đến và làm lay động lòng người bằng sự quyến rũ phi thường của Ebru qua từng nét chấm phá.

“Sản phẩm tôi yêu thích nhất là bức ‘Chiếc cánh của một chú sả bụng lam’ tôi vẽ theo tác phẩm của Albrecht Durer bằng Ebru trên một loại giấy cẩm thạch đặc biệt. Một mặt bức tranh thể hiện hình ảnh của cái chết, chiếc cánh bị thương của một chú chim, nhưng nó cũng đồng thời thật chân thực, thật đầy sức sống”, Garip Ay chia sẻ cùng phóng viên Báo Tin Tức.


Vũ Anh
Nhiều nghệ sĩ nước ngoài muốn chung sức với "Con đường gốm sứ"
Nhiều nghệ sĩ nước ngoài muốn chung sức với "Con đường gốm sứ"

Nhận lời mời của Bộ Ngoại giao Đức, hoạ sĩ Nguyễn Thu Thủy, tác giả "Con đường gốm sứ sông Hồng" đang tham dự "Tuần lễ Nghệ thuật Quốc tế Berlin" (Berlin Art Week 2016), diễn ra từ 13 -18/9 tại Berlin.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN