Gặp gỡ 'Thi nhân' miền biên thùy

Tham gia lĩnh vực văn học nghệ thuật, tập sáng tác nhiều thể loại từ năm 2008 và trở thành hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Kiên Giang năm 2014, chị Trần Ngọc Hòa là một “hiện tượng văn học” khá đặc biệt ở mảnh đất Kiên Lương - Hà Tiên xứ thơ.

Nhiều người biết và gọi chị là “Thi nhân” miền biên thùy - vùng biên giới Tây Nam Tổ quốc nổi tiếng với “Hà Tiên Thập vịnh” lay động lòng người.

“Những đứa con tinh thần” của chị Hòa ra đời không phải ở nơi vắng lặng, lãng mạn, trữ tình mà tại kiốt kinh doanh, mua bán áo quần, mỹ phẩm... ngoài chợ Tròn, thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương (Kiên Giang). Chị Hòa chia sẻ: “Hàng ngày, từ mờ sáng đến sẩm tối, tôi buôn bán tại đây kiếm tiền trang trải cho cuộc sống gia đình. Những lúc vắng khách, tôi thường cầm điện thoại lên làm thơ vì không tiện dùng giấy bút. Chủ đề, đề tài tôi chọn để sáng tác rất đời thường, là những góc cạnh cuộc sống quanh mình, nhưng hơn hết là đề tài chiến tranh dù tôi sinh ra, lớn lên trong điều kiện đất nước hòa bình”.

Chị Ngọc Hòa cho biết, cơ duyên đến với thơ ca của chị hết sức tình cờ. Đó là những ngày sắp đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014, chị Hòa bị bệnh phải nằm điều trị tại Bệnh viện huyện Kiên Lương. Khi đó, việc kinh doanh của gia đình chị phải tạm ngừng dù đây là thời điểm bán hàng được nhất trong năm, chị rất buồn. “Buồn quá! Tôi lấy chiếc điện thoại ra bấm, trải lòng mình với mùa xuân đang đến. Không hiểu từ đâu, trong tâm trí tôi tuôn ra một mạch những lời văn có vần điệu, dạt dào cảm xúc về mùa xuân. Đó là bài thơ đầu tiên tôi sáng tác mang tên: "Xuân yêu”. Sau đó, bài thơ được gửi dự thi Hội thi thơ tỉnh Kiên Giang, nhân Ngày thơ Việt Nam năm 2014 và đoạt giải Ba”, chị Ngọc Hòa chia sẻ.

Kể từ đó, cùng với sáng tác nhiều thể loại như truyện ngắn, bài ca vọng cổ, viết câu chuyện truyền thanh..., thơ trở thành niềm đam mê của chị Ngọc Hòa. Những hình ảnh thân quen của con đò, dòng sông, bến nước, đồng lúa vàng, cánh cò, buổi hoàng hôn, ánh trăng, rừng tràm... đến sự mộc mạc, chân chất hương đồng cỏ nội ẩn hiện, giàu cảm xúc trong từng tác phẩm thơ của chị Hòa.

Chị Vũ Tuyết Liễu, Hội Văn nghệ huyện Kiên Lương cho biết: “Ngôn ngữ, ngôn từ thơ mang đậm những đặc trưng vùng Nam Bộ được sử dụng trong những tác phẩm thơ của nhà thơ Ngọc Hòa khá nhuần nhuyễn. Chị sáng tác rất nhanh, viết rất khỏe, đặc biệt là chủ đề, đề tài về chiến tranh mặc dù chị Ngọc Hòa không trải qua những năm tháng chiến tranh. Chỉ qua lời kể của một người nào đó về một trận đánh, nhắc đến một kỷ niệm thời chiến đấu gian khổ... là chị có chất liệu, nguồn cảm xúc sáng tác. Tôi và nhiều người đọc thơ chị Ngọc Hòa như thấy mình trong những tác phẩm của chị. Thơ của chị cũng được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc”. 

Ba năm qua (2014 - 2016), nhà thơ Ngọc Hòa đã đạt 26 giải cấp tỉnh và quốc gia; trong đó 3 năm liền (2014 - 2016), đoạt giải Nhất thơ tỉnh Kiên Giang. Đặc biệt, tập thơ “Đỏ miền ký ức” đã đoạt giải B - Giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 2016 do Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao tặng. “Thi nhân” Trần Ngọc Hòa chia sẻ: 65 bài thơ trong "Đỏ miền ký ức" được tuyển chọn với chủ đề cốt lõi là hoài niệm về chiến tranh, cuộc chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh của cha anh nhưng rất đỗi tự hào đã làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc, thống nhất Tổ quốc vào mùa xuân 1975”.

Nhà nghiên cứu Trương Thanh Hùng khi còn công tác ở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Kiên Giang rất bất ngờ về “hiện tượng Trần Ngọc Hòa”, một cô gái tuổi đời còn trẻ, trình độ văn hóa mới học hết lớp 9, chưa một ngày kinh qua chiến tranh mà lại chọn mảng đề tài truyền thống để làm thơ. Một lĩnh vực mà ít có các cây bút trẻ hiện nay đụng chạm đến để sáng tác. Một điều đáng chú ý nữa là ngôn ngữ của Trần Ngọc Hòa khá mộc mạc, ít trau chuốt, nhưng để sử dụng trong câu thơ làm tứ thơ thật không dễ dàng chút nào. Có lẽ đó là “chất riêng” của Ngọc Hòa.

Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Kiên Giang, Lâm Thành Liêm chia sẻ: “Đọc qua những tác phẩm thơ của Ngọc Hòa như có vẻ gì đó vừa lạ, vừa quen, vừa gần gũi với những phương ngữ, ngôn từ Nam Bộ dung dị, mộc mạc, chân chất rất đời thường. Giới văn nghệ sĩ Kiên Giang cũng như khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhận ra đây là con người có năng khiếu văn học nghệ thuật đặc biệt. Sáng tác của Ngọc Hòa góp phần tạo ra phong cách sáng tác mới, mỗi người tự nhìn lại mình về phong cách sáng tác, không còn sáng tác theo lối mòn và nâng lên chất lượng sáng tác thời gian tới”.

Điều đặc biệt và hết sức ấn tượng của “Thi nhân” miền biên thùy Trần Ngọc Hòa là tiền nhuận bút từ việc sáng tác và bán 800 tập thơ “Đỏ miền ký ức” được chị dành để làm từ thiện xã hội, giúp đỡ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em, học trò nghèo. Đây chính là niềm khích lệ, nguồn động viên giúp nhà thơ Ngọc Hòa có thêm đam mê sáng tác.

Nhân Ngày thơ Việt Nam năm 2017, "Thi nhân" Trần Ngọc Hòa tiếp tục đoạt giải Nhất cuộc thi thơ tỉnh Kiên Giang với tác phẩm "Chiêu anh khai hội".

Lê Huy Hải
Triển lãm tranh - thơ: “Giấc mơ thi nhân”
Triển lãm tranh - thơ: “Giấc mơ thi nhân”

Triển lãm tranh - thơ “Giấc mơ thi nhân” của vợ chồng họa sĩ Thái Tĩnh và nhà thơ Đinh Hoàng Anh (Hà Nội) đã khai mạc ngày 11/2/2014 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN