Festival Huế 2016: Lần đầu tiên diễn ra vào kỳ nghỉ lễ

Lần đầu tiên diễn ra vào kỷ nghỉ lễ, lần đầu tiên sẽ có Ngày hội Phật giáo Huế và Lễ hội Đèn Quảng Chiếu; đó là những điểm mới nổi bật tại Festival Huế 2016, kỳ festival thứ 9 của thành phố Festival.


Vẫn đậm chất văn hóa

Với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển, 710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên - Huế”, Festival Huế 2016 vẫn sẽ là một không gian rộng lớn của các chương trình nghệ thuật, giao lưu văn hóa trong và ngoài nước. Vào 0 giờ ngày 29/4, sẽ diễn ra Lễ tế đàn Nam Giao, như một hoạt động mở màn cho Festival. Chương trình khai mạc sẽ diễn ra ngày 30/4, với sự góp mặt dự kiến của khoảng 400 nghệ sĩ, diễn viên trong và ngoài nước, trong đó nòng cốt là các nghệ sĩ của các đoàn nghệ thuật của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Lễ bế mạc cũng sẽ có sự góp mặt của số lượng các nghệ sĩ tương tự.

Festival Huế 2016 sẽ có nhiều điểm mới.

Tại Festival, sẽ diễn ra các hoạt động vốn đã quen thuộc như chương trình “Đêm Hoàng Cung”, “Dạ tiệc cung đình”, chương trình giới thiệu “Tinh hoa nghệ thuật truyền thống Huế”, lễ hội “Hương xưa làng cổ” tại làng Phước Tích (huyện Phong Điền), lễ hội “Chợ quê ngày hội” tại Cầu Ngói Thanh Toàn (thị xã Hương Thủy), trình diễn áo dài “Rực rỡ Kinh kỳ”… Bên cạnh đó, có một số hoạt động sẽ được nâng tầm hoặc tổ chức mới, với quy mô và chất lượng cao hơn. Đó là chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn “Người đi hành hương” lần đầu tiên do chính gia đình cố nhạc sĩ đứng ra tổ chức, giới thiệu về người nhạc sĩ tài hoa trên chính quê hương của ông, cũng là nơi ghi dấu của rất nhiều ca khúc nổi tiếng của ông; chương trình “Ngày hội Phật giáo” và “Lễ hội Đèn Quảng Chiếu”, một lễ hội Phật giáo cổ trong đời sống cung đình Huế - lần đầu tiên được tái hiện, với kinh phí “khổng lồ” như tiết lộ của BTC. Đặc biệt, do trong thời gian Festival sẽ diễn ra “Hội nghị Thị trưởng các thành phố Đông Á - Mỹ La tinh (FEALAC)”, nên lần đầu tiên cũng sẽ có lễ hội đường phố “Di sản và sắc màu văn hóa các nước Đông Á - Mỹ La tinh”.

“Vẫn như mọi khi, Festival Huế cũng sẽ có sự góp mặt của đông đảo các đoàn nghệ thuật của các quốc gia ở cả 5 châu lục. Trong đó, CH Pháp vẫn là đối tác chủ lực của Festival, với sự góp mặt của Đoàn nghệ thuật đường phố L’HommeDebout đến từ vùng Poitou Charentes, đoàn múa đương đại - Hip hop Par Terre và ban nhạc Fuzeta, ca sĩ Christophe… Bên cạnh đó là ban nhạc Cancer của Đan Mạch, đoàn múa dân gian Amurskie Zori của Cộng hòa Liên bang Nga, ban nhạc jazz- rock Michal Milczarek của Ba Lan, đoàn múa Takamine Hisae của tỉnh Okinawa (Nhật Bản), đoàn nghệ thuật tổng hợp Quảng Đông (Trung Quốc), đoàn múa truyền thống Yun Myung Hwa (Hàn Quốc), đoàn múa dân gian Hallelujah (Israel), ban nhạc Della Mae (Mỹ), Viện âm nhạc Thái Bình Dương Changó (Columbia), ban nhạc latinh Paulina y el Buscapie (Mexico), đoàn múa dân gian Artidanza và ban nhạc đường phố Organilleros- Chinchineros (Chile)…

Về phía Việt Nam, sẽ có sự góp mặt của Nhà hát Ca múa nhạc TƯ, Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế, Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, Học viện Âm nhạc Huế, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc, Nhà hát Ca múa nhạc Dân tộc Bông Sen, Liên đoàn Xiếc Việt Nam…

Các chương trình biểu diễn nghệ thuật của các đoàn này sẽ được diễn ra hằng đêm tại các sân khấu ở Đại Nội, Cung An Định, Quảng trường Ngọ Môn, Bia Quốc học, các sân khấu cộng đồng trên địa bàn thành phố Huế và các huyện, thị xã...

Cơ hội cho du lịch Huế

Diễn ra đúng kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 (từ 29/4 - 4/5/2016), Festival Huế 2016 - kỳ festival thứ 9 tại mảnh đất cố đô, sẽ chỉ có 6 ngày (2 tour chương trình), thay vì 9 ngày như các kỳ festival gần đây và 12 ngày như những kỳ đầu tiên. Số ngày giảm, thay vào đó chất lượng sẽ tăng hơn, tập trung hơn và làm sáng rõ hơn một festival “giữ cốt cách truyền thống, nhưng không ngừng tự làm mới” như khẳng định của ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, tại cuộc họp báo sáng 17/12, tại Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Dung: Nếu như những kỳ festival trước diễn ra vào tháng “thấp điểm” về du lịch, nhằm thu hút du khách đến Huế; thì kỳ festival này, tỉnh đã mạnh dạn tổ chức đúng kỳ nghỉ lễ 30/4 - cao điểm của khách du lịch; nhằm tạo thêm một “điểm đến” cho du khách dịp này; đồng thời cũng là một lần thử sức cho du lịch Thừa Thiên - Huế. “Tất nhiên việc thay đổi thời gian tổ chức như vậy sẽ tạo ra áp lực cho hệ thống khách sạn nói riêng, cơ sở hạ tầng nói chung, cũng như các cơ quan quản lý của tỉnh; bởi với 2.000 chỗ ở hiện nay của Huế (gồm các khách sạn từ 3 - 5 sao và nhà nghỉ), thì có thể sẽ không đủ phục vụ nếu du khách quá đông; tuy nhiên chúng tôi vẫn quyết tâm làm. Bên cạnh đó, chúng tôi đã tổ chức vận động, tuyên truyền tới từng người dân Huế, để mỗi người dân là một người làm du lịch, biết đón tiếp và “níu giữ” chân du khách. Tỉnh cam kết sẽ không để xảy ra tình trạng chặt chém, quá tải”, ông Nguyễn Dung khẳng định.

Festival Huế 2016 cũng là một “dấu mốc” cho công tác xã hội hóa tổ chức của tỉnh. Ngoài việc có rất nhiều các nhà tài trợ tham gia vào chương trình, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành cũng sẽ góp mặt “sâu, rộng” hơn. Đơn cử như Vietravel sẽ đăng cai tổ chức triển lãm xe cổ tại festival.

“Đặc biệt, trong thời gian diễn ra Festival Huế 2016, Hội nghị Thị trưởng các thành phố Đông Á - Mỹ La tinh (FEALAC) sẽ diễn ra tại Huế, đây cũng sẽ là một cơ hội để Huế giới thiệu mình với bạn bè quốc tế”, đại diện tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết.
PV
Bế mạc Festival Huế 2014
Bế mạc Festival Huế 2014

Festival Huế 2014 với chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển" đã bế mạc tại thành phố Huế sau 9 ngày diễn ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN