Eurovision - sân khấu ca hát hay chính trị?

Cuộc thi âm nhạc Eurovision năm 2016 vừa khép lại với chiến thắng của nữ ca sĩ người Ukraine Jamala với bài ca ai oán “1944” về sự kiện người Tatar bị chính quyền Stalin trục xuất khỏi Crimea, một kết quả khiến Moskva không hài lòng.

Căng thẳng Nga -Ukraine

Chiến thắng của Jamala gây bất ngờ lớn khi thí sinh của Nga, ca sĩ Serguei Lazarev được đánh giá có khả năng giành ngôi quán quân và thường xuyên giành được nhiều phiếu bình chọn của khán giả truyền hình với màn trình diễn “You are the only one” xuất sắc. Thậm chí, Liên minh phát thanh truyền hình châu Âu (EBU) ngày17/5 đã phải xác nhận một lần nữa người chiến thắng là Jamala với ca khúc “1944” sau khi nhận được lời kêu gọi trực tuyến xem xét lại kết quả từ hơn 325.000 khán giả.

Ca sĩ Ukraine Jamala trình diễn ca khúc “1944”.

Không chỉ bị khán giả chỉ trích, kết quả của Eurovision đã ngay lập tức bị các chính trị gia Nga lên tiếng phản đối, cho rằng bài hát “1944” mang yếu tố chính trị sâu sắc và là “sự sỉ nhục” đối với Nga về sự kiện sáp nhập Crimea hai năm trước.

Theo tờ The Guardian, nghị sĩ Nga Elena Drapeko đã lên án kết quả Eurovision rất gay gắt: “Đây là một phần hậu quả của cuộc chiến tuyên truyền thông tin đang được tiến hành chống lại Nga”. Người đứng đầu Ủy ban đối ngoại của Thượng viện của Quốc hội Nga Konstantin Kosachev thì cho rằng kết quả không sát với chất lượng của các màn biểu diễn: “Âm nhạc đã thua, bởi chiến thắng rõ ràng không dành cho ca khúc hay nhất, và cuộc thi đã thất bại bởi thái độ chính trị chiếm ưu thế trước cạnh tranh công bằng”.

Về phần mình, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin châm biếm Eurovision với đề xuất cử Sergei Shnurov, ca sĩ nhạc rock nổi tiếng với những ca từ thô tục, tới tham gia Eurovision năm sau. The Atlantic dẫn lời ông Frants Klintsevich, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc phòng và an ninh Thượng viện Nga, nói: “Đó không phải chiến thắng của ca sĩ Jamala và ca khúc ‘1944’, đó là chính trị áp đảo nghệ thuật. Nếu không có gì thay đổi ở Ukraine vào năm sau, tôi nghĩ chúng ta không cần phải tham gia”. Thượng nghị sĩ Frants Klintsevich còn cho rằng vào năm sau, Ukraine sẽ chính trị hóa cuộc thi “tới mức tối đa”.

Trong khi đó, tại Ukraine, Tổng thống nước này Petro Poroshenko đăng lên Twitter thể hiện sự vui mừng và cảm ơn tới “màn trình diễn và chiến thắng không thể tin nổi”. Ông Poroshenko nói rằng bài hát “1944” đã thể hiện được nỗi niềm của Ukraine về sự kiện trục xuất người dân Tatar và khiến cả thế giới biết tới sự kiện đó. Theo Ukraine Today, Bộ trưởng Văn hóa Yevhen Nyshchuk tuyên bố trên mạng xã hội rằng Jamala sẽ được phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, phần thưởng cao quý nhất dành cho một nghệ sĩ.

Sân chơi bị biến tướng

Eurovision luôn tuyên bố là sân chơi không dính dáng tới chính trị và có quy định cấm “lời bài hát, các phát biểu, cử chỉ có tính chất chính trị”, nhưng thực tế có vẻ luôn đi ngược lại tuyên bố này.

Eurovision (Eurovision Song Contest) là cuộc thi ca khúc truyền hình châu Âu được tổ chức luân phiên hằng năm giữa các nước thành viên EBU. Người xem qua truyền hình có thể bình chọn cho bài hát yêu thích nhưng không được bình chọn cho màn trình diễn của nước mình. Người thắng cuộc là người giành được điểm tổng hợp cao nhất từ số phiếu bình chọn của khán giả các nước và điểm từ ban giám khảo. Nước chiến thắng tại cuộc thi lần trước sẽ giành quyền tổ chức cuộc thi kế tiếp.

Theo Đài phát thanh Châu Âu Tự do (RFE/RL), trong buổi họp báo ngày 17/5, quán quân Eurovision 2016 Jamala nói: “Đừng gạt tôi tin rằng đây là lần đầu tiên cuộc thi bị chính trị hóa. Cuộc thi có màu sắc chính trị mỗi năm - bởi giây phút mà bạn bước lên sân khấu với cờ (nước bạn), nó đã mang yếu tố chính trị rồi”.

Mâu thuẫn Nga - Ukraine tại Eurovision bắt đầu xuất hiện từ khi Nga sáp nhập Crimea hai năm trước. Tại Eurovision 2014, khi Anastasia và Maria Tolmachevy, hai chị em sinh đôi đại diện cho nước Nga, bước lên sân khấu biểu diễn ở Copenhagen (Đan Mạch), khán giả đã la ó phản đối vì cho rằng màn biểu diễn mang thông điệp chống chiến tranh trái với những gì Nga đang thực hiện. Ngược lại, đại diện Ukraine Mariya Yaremchuck bị khán giả Nga ghét bỏ vì lời bài hát “Tick-Tock”, trong đó có lời “Em tin mình đã yêu từ lần đầu gặp anh” được cho là nói về ngày Ukraine nhận Crime như một “món quà” từ lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev.

Tuy nhiên, Nga và Ukraine không phải hai nước duy nhất rơi vào cuộc đấu chính trị không lối thoát của Eurovision. Năm 2005, Liban đã rút khỏi cuộc thi vì nước này không công nhận Israel, trong khi cuộc thi có thể lệ quy định rằng các đài truyền hình của nước tham gia phải phát sóng toàn bộ chương trình. Tương tự, đài truyền hình Jordan cố gắng loại bỏ Israel năm 1978 bằng cách phát hình ảnh hoa suốt màn trình diễn của đội Israel. Khi Israel giành chiến thắng, đài truyền hình Jordan thông báo với khán giả rằng chiến thắng thuộc về Bỉ, thực ra là á quân của cuộc thi. Gruzia bị cấm năm 2009 vì bài hát dự thi năm đó “We don’t wanna put in” được đánh giá là lời bình luận về cuộc chiến Nga - Gruzia và phê bình ông Putin.
Hạnh Nhân
Ca sĩ Thụy Điển đoạt giải nhất Eurovision 2015
Ca sĩ Thụy Điển đoạt giải nhất Eurovision 2015

Trong đêm chung kết cuộc thi hát Eurovision 2015, tại thủ đô Vienna (Áo), ca sĩ Thụy Điển Mans Zelmerlow đã giành giải nhất với bài hát "Heroes".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN