Đường Trường Sơn xe anh qua

Cuốn “Vào Nam ra Bắc - Những chuyến đi và viết” của nhà báo Đoàn Việt do Nhà xuất bản Thời Đại in ấn và phát hành cuối năm 2014 là cuốn sách tập hợp những bài viết tâm huyết của nhà báo Đoàn Việt trong suốt sự nghiệp làm báo về những tháng ngày hy sinh, gian khổ vượt Trường Sơn “mưa bom, đạn lửa” tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập TTXVN, Báo Tin Tức xin trích đăng một phần “Nhật ký Trường Sơn” trong cuốn sách này.

Ngày 16/3/1973

Sau một tháng rèn luyện, bồi dưỡng sức khỏe ở trường 105 (T.105) và mấy ngày chuẩn bị, nhận cấp phát trang thiết bị, chiều nay, xe ô tô đưa chúng mình từ T.105 lên đường đi B. Xe đi theo hướng HN, mình tưởng được nghỉ ở đây, nhưng không, xe chỉ chạy qua. Thế là hết hy vọng được gặp mấy đứa cùng bạn cùng lớp, cùng khoa và đồng hương. Về gia đình, mình cũng không lo lắng gì nhiều. Hôm qua, mình có gửi cho nhà 100 đồng. Chỉ mong sao khi mình trở về thì cha mẹ còn cả. 4 giờ chiều tới Thường Tín, nghỉ chờ tàu.

Nhà báo Đoàn Việt thay mặt Phân xã Cao Bằng nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Nhà nước tặng đơn vị.


Ngày 17/3


Sáng nay, các bạn biết tin chúng mình ở đây, đến đông quá.

4 giờ chiều ra ga Thường Tín. Đoàn quân đi có vẻ hùng dũng, đông vui. Mấy đứa không đeo nổi ba lô phải gửi lên xe đạp của bạn chở giúp. Ngồi ở ga Thường Tín, mình vội viết mấy dòng cho Hồng và Thoan - hai đứa đồng hương học lớp dưới, mình coi như em gái. Còi tàu giục giã, nên mình không kịp viết hết, đành phải ký giữa chừng để kịp gửi.

Tàu chuẩn bị chạy, những bàn tay lại bắt chặt hơn và những tiếng chào “Đi nhé”, “Ở lại nhé” lại vang lên. Nước mắt của những người đi tiễn lại tuôn ra… 5 giờ 30 tàu từ từ lăn bánh!

Thôi từ nay, mình thực sự xa Hà Nội rồi. Chào HN, hẹn ngày gặp lại! Dù cảm thấy rất tự hào và vui khi gặp lại các bạn trước lúc đi xa, nhưng giờ đây, lòng mình bỗng se lại, buồn hiu hắt.

Ngày 18/3

Tàu chạy đêm đến ga Nghĩa Trang (Thanh Hóa) thì dừng lại. Trời tối, mưa nhỏ, bọn mình phải xuống đi bộ 15 km.

Trời gần sáng, bọn mình vẫn tiếp tục đi đến tận Thanh Hóa. Dọc đường đi, mình thấy mấy cô TNXP san lấp hố bom trẻ quá, chỉ khoảng 18 - 20 tuổi, trông đáng yêu quá! Trưa ăn cơm và nghỉ ở đây.

4 giờ chiều bọn mình ra tàu. Tàu này to, đẹp, đủ tiện nghi và đối xử tốt. Gần tối đến ga Vinh. Bọn mình đi bộ 3 km vào chỗ trọ dưới trời mưa xuân - một cảnh mưa đẹp ở miền Bắc. Nhưng hôm nay, trông đoàn người khoác áo mưa trùm lên cả ba lô đeo trên lưng nặng trĩu, cúi gằm đi như những con cừu, mình cảm thấy buồn. Có đứa bị trẹo chân, bước đi tập tễnh, phải có người dìu, thật đáng thương.

Ngày 20/3

Sáng nay đi Ba Đồn, Quảng Bình. Đèo Ngang đây rồi…

Xuống đến nửa đèo thì gặp đoàn cán bộ, bộ đội bị bắt giam ở Phú Quốc được trao trả. Có hơn chục xe. Họ toàn mặc quân phục giải phóng. Trông họ gầy gò, ốm yếu, da đen xạm, mình thương họ quá. Các anh ngược ra Bắc, còn chúng tôi bước tiếp con đường các anh đã đi trước đây, vào Nam! Gặp nhau vui quá. Bắt tay nhau qua thành xe, đổi mũ cho nhau rồi vỗ tay. Đột nhiên, họ hát bài Kết đoàn, chúng mình hòa theo, vừa hát, vừa vỗ tay…

Ngày 21/3

Chiều tối, bọn mình ăn cơm xong đi dạo mát trên bờ sông Gianh. Đây là ranh giới thời Trịnh - Nguyễn. Sông rộng. Nước mặn. Tắm ở đây, phơi quần áo lâu khô, giặt xà phòng không ra bọt và bám chặt vào quần áo. Bên bờ có nhiều hố bom to, sâu như những giếng làng. Đang dạo chơi cùng Anh Tuấn và Xuân Bân thì anh giao liên bảo về ngay, chuẩn bị đi. Thế là bọn mình vội vã về sắp xếp ba lô ra bến…

Nhà báo Đoàn Việt (thứ 3 hàng dưới từ trái sang), cùng bạn đồng nghiệp trên đường Trường Sơn ngày 26/5/1973.


Ngày 23/3


11 giờ chiều xe bắt đầu chạy theo đường 20 sang Lào. Chà! miền Tây Quảng Bình lắm núi thật. Đường mòn Hồ Chí Minh không phải đúng như nghĩa đen đường mòn nhỏ, hẹp của nó, mà rộng thênh thang, hai xe có thể tránh nhau được. Nhìn rừng cây lắm hoa phong lan, nhiều màu sắc, bọn mình reo mừng. Suối, núi, cây và cả hố bom nữa là những mục tiêu cho chúng mình ngắm, là nơi để chúng mình phát hiện ra những cái mới lạ chỉ trỏ cho nhau rồi cười nói, reo vui đúng như câu hát “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”.

Núi bị bom Mỹ cày lên loang lổ, đường bị sạt lở, cắt vụn và rừng cây thì bị bom đạn phạt ngang thân, chết đứng, nhưng không ngăn nổi những chuyến xe chi viện cho tiền tuyến và những bước chân của nhiều người vượt Trường Sơn hôm nay. Bên đường, thỉnh thoảng lại có trạm gác với những căn hầm trú ẩn vững chắc. Các chiến sĩ vẫn bám đường, tạo nơi ăn, chốn ngủ cho người, nơi ẩn nấp cho xe vận tải vào Nam.

Ngày 24/3


6 giờ sáng đi. Sang đất Lào rồi. Cảnh đẹp thật! Chúng mình gặp Chè, binh nhất Công an, học ở khoa Toán, cùng khóa với chúng mình, thật vui. Thế là chúng đã cùng trên đường đi chiến đấu. Đường càng đi, rừng càng rậm và gỗ càng to. Chiếc xe giống như một giàn nhạc mà người chỉ huy bắt nhịp cho chúng mình “hát” là người đứng phía trước, trên thùng xe, báo hiệu có các cành cây sắp quệt vào xe (vì xe không có mui), để mọi người cúi đầu tránh, còn “bài hát” thì say sưa đến nỗi, người phải nghiêng đi, ngả lại (theo xe), nhiều khi lại rộ lên tiếng cười giòn tan hoặc tiếng xuýt xoa bởi va vào cành cây bên đường!   

12 giờ 30 chúng mình đến trạm nghỉ. Đây thuộc tỉnh Khăm Muộn. Một khu rừng rộng, gỗ to, đất phẳng. Ở đây chúng mình lại gặp những chiến sĩ trong chiến trường ra và các bạn Lào. Những nụ cười, lời thăm hỏi quê hương lại rộ lên. Chúng mình ở khắp các tỉnh miền Bắc cùng đi vào Nam chiến đấu chống Mỹ cứu nước, nên ở đâu cũng có đồng hương!

Đêm nay, chúng mình thực sự mắc võng trong rừng ngủ đêm đầu tiên. Mọi người tranh thủ mắc võng để ngủ cho đỡ mệt. Chim kêu, vượn hót và muôn vàn sinh vật khác có tiếng riêng của nó “hát” lên những “bài hát” khác nhau tạo thành bản hợp xướng ru chúng mình ngủ. Đêm đầu tiên trong rừng ngủ ngon và thú vị thật. Khổ nhất lúc này đối với mình là bị bệnh đi kiết 3 hôm nay. Ở đây, thiếu rau, toàn đồ hộp nên không kiêng cữ được? Mong sao bệnh không nặng thêm, không phải nằm lại, để cùng anh em hành quân đến nơi, đến chốn.

Các ngày 24, 25, 26/3

Nghỉ tại Khăm Muộn. Gặp một cô gái Bộ đội Lào bên suối, khá xinh và trắng trẻo, vui cười. Mấy ông bạn trêu đùa, cô ấy nói tiếng Việt khá sõi: “Đừng trêu, mất đoàn kết đấy!” rồi cô lại cười, chạy đi. Giọng cô nhỏ nhẹ, giống giọng Hà Nội, dễ thương. Mấy hôm nay rỗi và xúc cảm trước cánh lái xe, mình tranh thủ viết thử bài “Những chiến sĩ lái xe của đoàn xe anh hùng”…

Ngày 27/3


3 giờ sáng lên xe đi. 11 giờ trưa tới trạm nghỉ nấu cơm. 4 giờ chiều tiếp tục đi, 7 giờ tối tới sông Xêbănghiêng - một sông lớn thuộc tỉnh Xavanakhet của Lào. Nước cạn, nhiều đá. Chiếc xe đi trước dừng lại, mình tưởng họ cho nghỉ để tắm, nhưng không phải, mà xe dừng để họ xuống dò đường vượt ngầm.

12 giờ đêm tới trạm nghỉ, bọn mình mệt không thể tả được.

Ngày 28/3


Xe chạy. Gần tối tới sông Sêcamáng vẫn thuộc tỉnh Xavanakhét. Dự tính đoàn sẽ nghỉ ở đây để hôm sau lấy gạo, nhưng trong khi bọn mình tắm, mấy cậu công an mới ra trường cùng đi với đoàn, đã lấy súng bắn cá, súng nổ vang rừng, đúng vào lúc Chính ủy Sư đoàn 559 đang họp, nên Chính ủy đã bắt đoàn phải đi ngay vì sợ lộ, máy bay đến ném bom. Thật khổ, cơm canh nấu dở phải đổ đi! Mới xuống tắm cũng phải ôm quần áo ướt lên xe vì: “Xe phải chạy ngay, ai lên không kịp thì đi bộ”! Mình phải chạy đi gọi mấy cô bạn đang tắm ở chỗ nước sâu, xa. Mệt “bở hơi tai”!..

Ngày 31/3

Sáng nấu cơm ăn rồi đi lấy gạo. Nước ở đây hiếm. Trạm này tương đương với đất Quảng Nam bên mình. Máy bay quần đảo nhiều. Nóng. Lắm con quấy nhiễu bám vào những nơi có nước như: mắt, mũi, vết thương làm cho mọi người rất khó chịu.

Ngày 2/4


3 giờ sáng dậy nấu cơm. Mình đau bụng không ăn được mấy. Mệt quá, rã rời cả chân tay. Mình chỉ mong sao đến chỗ nghỉ để điều trị bệnh đi kiết.

10 giờ xe bọn mình bị đổ gần thị xã Mường Mày, thuộc tỉnh Atô pơ - Lào. Mình chỉ thấy xe chao nhanh đến chóng mặt rồi không biết gì nữa. Sau đó, tỉnh dậy, mình mơ màng nghe tiếng Liêm nói như mếu: Đây thằng Việt, nó còn sống. Rồi nó nói tiếp: “Chú Bang đâu, cái Oanh đâu? Ối trời ơi! Chú Bang chết rồi, cả cái Oanh, cái Vy nữa!”. Mấy đứa gọi, nói không ra hơi. Mình úp hai tay vào mặt giơ ra toàn máu. Đầu đau nhức không thể chịu được, cả người và chân đều đau, không thể nhắc chân lên được. Nhưng một ý nghĩ thoáng qua là mình vẫn còn sống.

Mình lại nghe tiếng Liêm nói thều thào, ngắt quãng: “Thôi, bây giờ chuyển chúng nó vào chỗ râm không nắng quá”. Một lúc sau, xe ô tô chở bọn mình vào trạm giao liên 79 để cấp cứu. Mình tỉnh dần và nghe thấy tiếng thở ò, ò ở phía ngoài. Sau mới biết Thuyên bị dập phổi, các bác sĩ phải phẫu thuật mở cuống họng để Thuyên thở. Hai tiếng sau Thuyên chết. Bên cạnh mình là Vũ Tiến Thục, bên phải là  các bạn nữ Châu, Vy. Chúng mình đều được tiếp huyết thanh. Tất  cả đều nằm im không động đậy. Vy thì rên và thở to. Thật khổ cho chúng nó!

Ngày 6/4

Mình bị sốt tới 39oC co quắp cả chân tay. Khắp cơ thể buồn phiền vật vã, ói mửa liên tục. Mình lo lắm. Anh Nhã, bác sĩ cùng đi với đoàn nói: Chắc do ảnh hưởng vết thương ở não nên mới nôn như vậy. Họ lại chuyển mình lên lán 1.

Suốt trên đường đi từ Bố Trạch đến đây, mình ăn rất ít, hễ ăn gì là nôn hết. Cho nên, người gầy đét. Mệt. Sau khi họ đưa mình về lán 1 điều trị, tiếp huyết thanh, mình tỉnh dần. Chân, tay có thể cử động được. Mình nghĩ mà thương tiếc cho chú Bang, Oanh và Thuyên - bạn học khoa Sử 4 năm với mình - đã chết. Giờ đây, qua hỏi thăm, mình biết Vy bị cạo trọc đầu, vẫn mệt li bì. Huê ở cùng phòng với mình, bị cắt lá lách, phải nằm trần như nhộng trên chiếc giường đệm cao su bơm hơi.

Huê, vốn là sinh viên khoa Văn, nên vẫn tếu táo, nói: “Xứ mù thằng chột làm vua!” (vì chỉ có Huê được nằm giường đệm). Cô Nga, y tá, thường động viên mình rất dịu dàng: “Anh ăn một chút cháo cho em vui lòng nào”! Còn cô Len thì chiều mình, cho mình nhiều muỗm (xoài), chanh hơn mọi người. Được ăn của chua ở đây thì còn gì bằng, quý hơn “sơn hào hải vị”.

Bắt đầu từ sáng nay mình ăn cháo đã thấy ngon.

Ngày 10/4


Đêm nay trăng rằm đẹp quá làm cho mình lại nhớ nhà, quê hương. Mình nhớ thầy mình quá. Hồi nào, tóc thầy mình mới chớm bạc, giờ đây, đã hoa râm và ngả nhiều sang màu bạc. Tai thầy cũng đã nghễnh ngãng, đôi mắt cũng mờ đi. Thầy mẹ mình đều hiền, những năm đói thường ăn ít, nhường cháo khoai cho chúng mình và không bao giờ đánh chúng mình. Mình nhớ đến mọi người, các anh, các chị dâu, em gái và cả những bạn bè cùng quê, cùng học với mình.

Ngày 12/4

Mình với Thu Hương và Đào Tuyết Mai được chuyển xuống Bệnh xá 83 để điều trị tiếp. Số còn lại như Vũ Tiến Thục, Huê, Châu, Vi, Hợi… vẫn ở lại trạm xá điều trị, có lẽ chờ về Bắc. Mình gặp Đăng Thục bạn thân của mình bị bệnh sốt rét nằm ở đây. Hai đứa gặp nhau mừng quá. Thục nói: “Nghe tin xe đổ, có 6 đứa chết trong đó, có mày, tao buồn quá. Sau đó, biết mày còn sống nhưng đưa vào bệnh viện nên tao không gặp. Thật may, nay chúng mình lại gặp nhau”!

Ngày 20/4


Nơi đây rừng già, nhiều muỗi quá. Mình nhờ Mai sửa hai cái áo ngắn tay thành một cái dài tay bằng cách: cắt tay áo nọ nối thêm vào tay áo kia. Tuy hai màu áo hơi khác nhau nhưng nhìn kỹ mới phát hiện. Mình rất thích vì thêm một áo dài tay, đỡ bị muỗi đốt.

Ngày 30/4


Sáng, mình nhờ người nói với bệnh xá để mình được xuất viện với lý do có bạn thân cùng đi vào Nam. Các bác sỹ giữ lại để điều trị tiếp vì vết thương của mình chưa lành, huyết áp thấp, đầu vẫn đau, hay choáng và gầy yếu, nhưng mình kiên quyết đi với hy vọng sớm đuổi kịp đoàn. Cuối cùng họ cũng đồng ý cho mình đi. Mừng quá, mình chẳng để ý gì lấy giấy xuất viện.

Ngày 7/5

Bọn mình đến trạm 86 lúc 1 giờ chiều thì 4 giờ chiều nghe tiếng ù ù như tiếng xay lúa. Vì từng nghe và chứng kiến cảnh máy bay B52 ném bom Hà Nội năm 1972, nên bọn mình biết ngay là máy bay B52 đang bay đến. Các cán bộ trạm hô: “Tất cả ẩn nấp ngay, máy bay B52 đấy”. Mình nhìn thấy một hầm cá nhân, vội nhảy xuống. Chắc là ở đây hay bị ném bom nên trạm đào sẵn hầm trú ẩn.

Tiếng bom nổ, mặt đất rung chuyển như động đất, nhưng lạ thay, không thấy tiếng đất đá, cành cây rơi xuống. Mình thử nhô đầu lên nhìn, thì ra bom nổ dọc bờ bên kia sông Xê Công, chỉ cách bên này sông vài  trăm mét (chúng thường ném bom hai bên bờ sông vì các đoàn thường hành quân theo sông để có nước dùng). Bom rải thành một vệt dài rộng lớn, đất đỏ tung lên, cây cối gẫy, đổ rạp xuống như lúa tháng năm bị mưa úng. Sợ quá, mình vội ôm đầu cúi xuống, cầu nguyện cả Chúa (dù mình không đi đạo), Trời, Phật và Tổ tiên che chở cho mình, đừng để bom Mỹ rơi sang phía bên này sông!

Ngày 10/5


Chúng mình đến trạm 91 nghỉ 2 ngày. Cậu Minh Hưng mang theo quyển lịch có bản đồ Đông Dương, có cả địa danh tỉnh, thành và những con sông, nên đi tới đâu, hắn ta cũng có thể lấy bút kéo dài, đánh dấu vị trí tới đó và thế là hắn biết đã đi được bao nhiêu phần đường. Tuy nhiên, như vậy khá nguy hiểm vì lỡ địch nhặt được cuốn lịch đó thì sẽ lộ địa danh đường đi, trạm nghỉ để chúng ném bom. Mình cũng mang quyển lịch bỏ túi nhưng nhỏ hơn, không có bản đồ, nên mình chỉ đánh dấu ngày đi thôi. Mình thích bìa lịch vì có hình cô diễn viên Ái Vân đóng phim Chị Nhung rất đẹp. Thỉnh thoảng mình lại lôi ra ngắm!

Ngày 12/5

Chiều nay đi tắm, mình xuýt chết đuối. Đó là vì mấy hôm rồi, máy bay Mỹ liên tục ném bom xuống ngầm ở phía trên, cá chết trôi trên sông Xê Công. Có người trong trạm đã vớt được một con cá trê nặng 12 kg. Vì thế, lúc tắm, mấy cậu bộ đội còn trẻ bảo mình: “Kia có một con to quá, chúng em không biết bơi, anh bơi ra bắt đi”, dù e ngại cách đó khoảng 200 m về phía hạ lưu có thác, mình vẫn bơi ra vớt. Mình nghĩ, mình biết bơi, anh em nhờ lẽ nào lại từ chối, vả lại, con cá chết nổi cũng khá gần có thể vớt xong, bơi vào bờ vẫn kịp.

Lúc mình bơi ra, nước trôi mạnh nên mãi mới tới, cầm được con cá, ngửi thấy mùi đã ươn, mình nói to với anh em trong bờ là cá ươn rồi và vất đi. Anh em liền kêu to: Anh bơi vào ngay đi, sắp đến thác rồi. Mình vội bơi vào nhưng nước chảy xiết, nên càng bơi, càng xa bờ. Mình quay lại thấy thác đã gần, mình nghĩ ngay: phải bơi theo thác, nếu không, sẽ kiệt sức mà chết. Vậy là mình bơi xuôi theo thác. Khi xuống thác, mình lặn một hơi, lúc nổi lên thì nước đưa mình vào một vòng xoáy gần bờ. Mình quyết định: phải bơi xuôi theo xoáy và bơi dần ra vòng ngoài của xoáy mới thoát. Trông thấy một khối đá to như đống rạ, khi bơi theo vòng xoáy tới đó, mình cố bám được vào một viên đá tai mèo to bằng ngón chân cái của khối đá trên. Mình cố hết sức bám và tự nhủ đừng bỏ tay, nếu không sẽ không còn sức bơi nữa. Thế là mình bám tiếp tay trái vào một mẩu đá khác rồi cố đu người lên…

Khi về trạm, mình càng sợ hơn khi các anh trong trạm cho biết, hôm kia có một người bị nước cuốn đã chết ở chính ao xoáy đó.

Ngày 14/5

5 giờ sáng, chúng mình tiếp tục đi. Đoàn mình giờ đã tăng thêm 4 người. Ở đây, không có thuốc sát trùng mà các con vật hay “bâu” vào vết thương hút máu, nước. Mình nhớ ở nhà, khi bị đứt tay, mẹ mình bảo bôi nước bọt vào sẽ chóng khỏi. Giờ đây, mình thường xuyên bôi nước bọt vào vết thương trên mặt và đầu gối (nhưng phải dấu các bạn vì sợ bị chê là mất vệ sinh), nên vết thương chóng lành và đã “ăn da non”. Mình bóc chỗ da bị bong ra, vết thương lộ da non màu đỏ hồng, sau bị nắng nên thành đen xạm như những vết “bớt” trên trán, thái dương và môi trên.

Ngày 17/5

5 giờ chiều chúng mình chuẩn bị vượt sông Xê Xan từ 93a sang 93b. Dân mang gà ra đổi lấy vật dụng. Mình lấy chiếc “áo nối dài” do Đào Tuyết Mai sửa từ 2 chiếc áo ngắn tay cho mình ra đổi lấy 2 con gà. Đổi đi cũng tiếc, nhưng cần có chất tươi cải thiện cho đoàn nên mình đổi ngay. Mình phải viết bài về chiếc áo này mới được.

Được nghỉ ở đây một ngày. Nhớ thương những người bị chết và bị thương do đổ xe, nhất là chú Bang. Chú là người miền Nam tập kết, đã già, nay cố trở về quê hương gặp con. Chú giàu tình cảm, giành sâm cho những người yếu. Hôm mình mệt nhất, nhờ rễ sâm chú cho nên tỉnh lại. Mình quyết định viết bài về chú và đã phác thảo xong bài “Chú Bang”.

Ngày 19/5

4 giờ chiều vượt sông Mê Kông từ trạm 96 sang 97. Anh giao liên dặn: “Mọi người phải bỏ tất cả các thứ và ghi tên mình vào trong túi ni lông (được cấp từ ngoài Bắc), lấy dây thun buộc chắt lại. Nếu xuồng bị máy bay bắn trúng hoặc bị lật thì cứ bám chặt túi ni lông để không bị chìm, sẽ có xuồng khác ra cứu! Còn nếu có “bị”, thì người ta cũng vớt được túi và biết được tên người hy sinh để báo lên cấp trên”. Nghe nói vậy, bọn mình khá lo. Ngồi trên xuồng, mọi người im lặng để nghe tiếng máy bay. Khi phát hiện một máy bay C130 từ đằng xa (loai này “cối” dữ lắm và khá chính xác), mọi người đều nhao nhao lên làm xuồng chao đảo. Anh giao liên liền quát, bắt mọi người im lặng và lái ca nô phóng lết tôc độ, đâm thẳng vào một hòn đảo trên sông. Khi tới nơi, anh  hô to: “Mọi người chạy tản ra hai bên, đề phòng chúng bắn đón đường”…

Ngày 20/5

Khoảng 8 giờ đêm, bọn mình vượt quốc lộ 13 một con lộ đẫm máu. Nghe nói nhiều đoàn qua đây đã bị địch phát hiện và không ít người đã hy sinh. Ở đây, không có rừng, chỉ có cỏ mọc cao hai bên đường, nên dễ bị phục kích, rất nguy hiểm. Trời tối, ánh đèn pha của đồn địch quét đi, quét lại. Theo hiệu lệnh, sau mỗi lần đèn quét qua là phải băng nhanh qua đường. Chúng mình khom lưng, cúi gằm, lặng lẽ mạnh ai nấy chạy qua và đã vượt đường an toàn.

Ngày 25/5


Sáng hành quân, đi tắt qua chiếc cầu bằng một cây gỗ lớn bắc qua hai mỏm núi (do anh em công binh chặt rất khéo nên cây đổ sang mỏm núi bên kia thành chiếc cầu và anh em chăng dây vịn cho dễ đi). Vì bị thương, thần kinh cũng như chân còn yếu nên mình sợ lắm, người cứ run lên, không dám nhìn xuống dưới vì khe rất sâu, nếu nhìn xuống, hoa mắt mà rơi xuống thì chỉ có mất xác. Anh giao liên đi sát giúp đỡ mình đã động viên: “Cố lên, đừng nhìn xuống dưới. Nếu sợ, không qua cầu, phải đi vòng xuống dưới khe sang phía bên kia thì sẽ mất vài tiếng”…

Đoàn Việt
Tự hào “Lá cờ độc lập” trong ngày lễ lớn của dân tộc
Tự hào “Lá cờ độc lập” trong ngày lễ lớn của dân tộc

Được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 lúc 20 giờ ngày 30/8, chương trình “Lá cờ độc lập” sẽ là một điểm nhấn trong các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 của Đài THVN.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN