Đường Trường Sơn trong thi ca

Trường Sơn hùng vĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thần thánh cũng như trong hòa bình, là một đề tài rộng lớn, nguồn cảm hứng vô tận cho các nhạc sỹ Việt Nam. Với tình cảm chân thành, những giây phút thăng hoa bất tận của người nghệ sĩ đã để lại cho kho tàng âm nhạc nước ta một số lượng tác phẩm đồ sộ, in đậm dấu ấn, cảnh vật thiên nhiên và hình ảnh người lính Trường Sơn.


Trường Sơn xa xanh


Trong lịch sử nước ta, chưa có địa danh nào để lại số lượng lớn tác phẩm văn học, nghệ thuật bất hủ như đường Trường Sơn. Từ những vật giản dị như chiếc gậy Trường Sơn đôi dép cao su, chiếc điếu cày đến các cuộc hành quân, hình ảnh quả cảm của người lính, sự khốc liệt của chiến tranh, đều đã đi vào văn, thơ, phim, ảnh, nhạc, họa. Những sáng tác về Trường Sơn đã khảm khắc vào người yêu thơ, yêu nhạc ấn tượng sâu đậm về một thời binh lửa hào hùng, về những con người không tiếc tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng đất nước.
 

Bộ đội công binh, dân công hỏa tuyến sửa chữa đường Quyết Thắng (Quảng Bình), đoạn đường thường xuyên bị địch đánh phá ác liệt, đảm bảo thông xe. Ảnh: Hữu Ngôi - TTXVN

 

Tác phẩm, khúc ca về Trường Sơn là nguồn động viên khích lệ to lớn đến sức mạnh thần tốc của toàn quân, toàn dân ta dồn sức cho cuộc kháng chiến, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Nhiều sáng tác vừa ra đời đã tạo cảm hứng cùng chung nhiệm vụ “Tiếng hát át tiếng bom”, đặc biệt các nhạc sĩ, thi sĩ đã chắp cánh lịch sử cách mạng bằng ca khúc, trở thành tiếng nói đồng điệu của hàng triệu con tim nhiều thế hệ. Những ca khúc ấy đã góp phần động viên, xốc dậy tinh thần và làm nức lòng nhân dân hai miền Nam - Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đến nay, những bài hát như: “Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây” (thơ Phạm Tiến Duật, nhạc Hoàng Hiệp), “Lá đỏ” (thơ Nguyễn Đình Thi, nhạc Hoàng Hiệp), “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” (thơ Nguyễn Trung Thu, nhạc Huy Du)… vẫn là những bài ca về Trường Sơn hay nhất, sống mãi với thời gian.


Góp sức cho kháng chiến, nhà thơ Phạm Tiến Duật có 14 năm tại ngũ, trong đó có 8 năm gắn bó với Trường Sơn, với Đoàn 559. Phạm Tiến Duật đã từng nói rằng, việc ông có mặt trên tuyến đường Trường Sơn máu lửa, cuốn vào cuộc chiến ác liệt của quân và dân ta là một cuộc phiêu bạt lớn của số phận. Bài thơ “Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây” của ông được sáng tác cuối năm 1969, tại làng Cổ Giang, bên bờ sông Son, tỉnh Quảng Bình. Ngay từ khi mới ra mắt bạn đọc, bài thơ đã luôn có mặt trong túi áo của nhiều người lính trên chiến trường. Khi bài thơ được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc thì chất thơ, chất nhạc quyện chặt với nhau, nâng cánh cho nhau vang vọng khắp các chiến trường, thôi thúc hàng triệu trái tim xông pha nơi tiền tuyến, giết giặc lập công… Khắp các mặt trận, bộ đội ta hát vang bài hát “Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây”. Bài hát đã trở thành một bản tình ca trong chiến tranh.


Lung linh hình ảnh bộ đội cụ Hồ


Trường Sơn hùng vĩ và con đường Hồ Chí Minh huyền thoại đã đi vào lịch sử Việt Nam như một bản hùng ca rất đáng tự hào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Những địa danh lịch sử, những chiến công hào hùng xuất phát từ lòng yêu nước thiết tha của những chiến sỹ cách mạng đã làm nên một trang sử oanh liệt. Sự hy sinh cao cả, những mối tình trong sáng, nồng nàn của người chiến sĩ tuổi thanh xuân “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã được các thi sĩ, nhạc sĩ tái hiện thành một bức tranh vô cùng sinh động từ thế giới huyền ảo của âm thanh.


Qua lăng kính người nghệ sĩ, hình ảnh cao đẹp, thế giới nội tâm của người chiến sỹ cách mạng được hiện lên muôn màu muôn vẻ, đầy cảm xúc trữ tình, lung linh cùng với dải Trường Sơn trùng điệp. Từ “Bài ca Trường Sơn” (Trần Chung phổ thơ Gia Dũng), “Chiếc gậy Trường Sơn” (Phạm Tuyên), cho đến “Bước chân trên dải Trường Sơn” (Vũ Trọng Hối) hay “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn” (Hoàng Hà), “Tiếng đàn Ta lư” (Huy Thục), đến “Tôi người lái xe” (An Chung), “Vui mở đường” (Đỗ Nhuận)... Và nhiều, rất nhiều bài hát nữa của nhiều nhạc sỹ còn ghi đậm dấu ấn với người nghe, những nét đẹp về người lính một thời binh lửa, đã trở thành những “Bài ca không quên” mà nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn đã từng viết.


Những giai điệu tuyệt đẹp về Trường Sơn vang lên, như gợi lên cho chúng ta một bức tranh hoàn mỹ của một Trường Sơn hùng vĩ, mà hình ảnh người chiến sỹ giải phóng như một nét chấm phá nổi bật nhất. Người chiến sỹ như hòa quyện cùng thiên nhiên, cây cỏ, như trải rộng tấm lòng mình với Trường Sơn yêu dấu: “Dừng chân bên Trường Sơn, nghe con suối hát, nhìn phong lan đua nở, vách núi cheo leo”, hay “Mùa xuân qua Trường Sơn, vui náo nức quá đoàn quân đang băng nhanh ra chiến trường xa, mùa xuân rung hoa tươi đón chào...”.


Nguyễn Hữu Quý - một nhà thơ của Trường Sơn hôm nay, năm 2009, đã xuất bản Tập trường ca “Vạn lý Trường Sơn”, viết bằng tình cảm, tâm thức về hàng chục nghìn đồng đội đã ngã xuống. Những người lính bước vào đời sống trận mạc giản dị, mộc mạc và thầm lặng như chính con người họ: “Làm chiến sĩ/họ lẫn vào chiến sĩ/làm nhân dân/họ lẫn vào nhân dân/mở đường trận/họ lẫn vào đất đá/lẫn vào mây/vào gió/vào rừng…”. Những người lính đến với Trường Sơn đã vượt qua mọi nỗi sợ hãi bom đạn kẻ thù, kể cả là cái chết, tất cả vì tuyến đường, tất cả vì Tổ quốc thiêng liêng.


Năm mươi lăm năm đường Trường Sơn cũng là chẵn 55 năm có một đề tài Trường Sơn hiện hữu sáng ngời trong văn học, với một đội ngũ các nhà văn áo lính thế hệ sau nối thế hệ trước tâm huyết với đất và người Trường Sơn, gắn bó máu thịt với những trang viết về chiến tranh cách mạng và người lính. Đội ngũ nhà văn ấy, những trang viết ấy không chỉ góp phần làm phong phú thêm mà còn tạo nên nét độc đáo của văn học Việt Nam hiện đại.


Trần Tiến Duẩn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN