'Đường lên Điện Biên' - cách nhìn của thế hệ trẻ về cuộc chiến hào hùng của dân tộc

Dù chưa ra mắt nhưng bộ phim đề tài lịch sử “Đường lên Điện Biên” đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng yêu nghệ thuật thứ bảy. Nghệ sỹ trẻ Bùi Tuấn Dũng, một gương mặt đạo diễn trẻ đảm nhiệm vai trò đạo diễn cho bộ phim này. Bùi Tuấn Dũng và ê kíp làm phim đã dũng cảm đối mặt với khó khăn thử thách, tạo ra cách nhìn mới của thế hệ trẻ về cuộc chiến hào hùng của dân tộc. Đây được coi là điểm nổi bật nhất, góp phần làm nên thành công của bộ phịm "Đường lên Điện Biên", góp phần tri ân những người anh hùng dân tộc đã làm nên kỳ tích trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Chiến tranh không chỉ có khói lửa, chết chóc

Không tham vọng làm bộ phim hoành tráng về một cuộc chiến tranh với chiến thắng “vang dội năm châu”, “Đường lên Điện Biên” tập trung khai thác tính nhân văn và số phận những con người tham gia cuộc chiến. Đó là những chàng trai Hà Nội để lại gia đình, tình yêu học trò và cả sự nghiệp học hành để lên đường kháng chiến. Trên con đường hành quân, tiểu đoàn Vệ quốc đoàn của họ tình cờ gặp một đoàn dân công gồm 500 cô gái vận chuyển lương thực lên Điện Biên. Tình yêu và lửa đạn, máu và nước mắt cùng hào khí dân tộc ngàn năm hội tụ ở một thế hệ sẽ được thể hiện lãng mạn, bi tráng suốt 25 tập phim "Đường lên Điện Biên". Phim chính thức ra mắt khán giả truyền hình vào tối 24/4, trên kênh VTV1.

Là bộ phim truyền hình dài tập đầu tiên về chiến tranh được đầu tư kỹ lưỡng, “Đường lên Điện Biên” tái hiện lịch sử hào hùng của dân tộc; trong đó đi sâu vào yếu tố con người, khắc họa được rõ nét, chân thực và sống động về cuộc sống, chiến đấu của quân và dân trên nền thực tế của cuộc chiến tranh ác liệt năm xưa. Phim cũng nhấn mạnh tài thao lược của Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, thể hiện bản lĩnh trí tuệ, tính nhân văn của vị tướng quân lỗi lạc Võ Nguyên Giáp, phản ánh rõ nét sức mạnh chiến tranh nhân dân. Ở đó là tình yêu quê hương đất nước, tình đoàn kết quân dân, tình cảm của đồng bào vùng Tây Bắc Tổ quốc đối với các chiến sĩ Vệ quốc đoàn được đề cao. Hơn hết là ý chí quyết tâm, đồng lòng của quân và dân cùng hướng về Điện Biên với hy vọng giành chiến thắng.

Sau hai phim điện ảnh về đề tài chiến tranh trong thời kỳ chống Mỹ được đánh giá cao là “Đường thư” và “Những người viết huyền thoại”, bộ phim truyền hình “Đường lên Điện Biên" tái hiện một cuộc chiến đã lùi xa 60 năm (kháng chiến chống Pháp), khi cả đất và người nơi chiến trường xưa đều đã thay đổi là một điều không hề đơn giản với đạo diễn Bùi Tuấn Dũng.

Sinh gia trong một gia đình có truyền thống binh nghiệp, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng là người duy nhất theo đuổi nghệ thuật. Từ nhỏ, anh đã có nhiều cơ hội tiếp xúc với những tài liệu liên quan đến chiến tranh. Với hơn 20 năm nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam, thuộc lòng từng trận đánh và nắm rõ mục đích của mỗi trận; tuy vậy “là một nhà làm phim tôi cố gắng đưa vào phim cái nhìn của tôi, của thế hệ tôi với quá khứ hào hùng bi tráng của cha ông bằng thái độ trân trọng và trách nhiệm công dân ở thời đại của mình”- đạo diễn 39 tuổi, từng có phim nhận Bông sen vàng, Cánh diều vàng tâm sự.

Phim của Bùi Tuấn Dũng thường là phim hành động, các diễn viên trong phim luôn hoạt động với dao, súng, võ thuật … chứ không chỉ đơn thuần là đi, đứng, nằm ngồi và đối thoại. Tuy nhiên, ở “Đường lên Điện Biên, sự hài hước và lãng mạn là yếu tố đối trọng làm mềm đi vẻ xù xì, cứng nhắc của những yếu tố trên. Bởi vậy, đạo diễn trẻ này cố gắng đầu tư sâu vào các chi tiết gây cười và những cảnh quay đẹp.

Điều này cũng khá bất ngờ với ngay cả những cộng sự của anh trong phim. Diễn viên Diễm Hương vai cô liên lạc Hòa chia sẻ: Là một diễn viên hài, tôi khá bất ngờ khi được đạo diễn mời tham gia bộ phim chiến tranh này. Sau khi đọc kịch bản, làm việc cùng các anh, chị em trong đoàn làm phim, tôi hiểu trong chiến tranh không phải lúc nào cũng là khói lửa, đạn bom mà còn có những giây phút bình dị giúp bộ phim chiến tranh trở nên mềm mại, hấp dẫn. Đó là cuộc sống đời thường với nhiều chi tiết hài hước, dí dỏm và cả những hờn giận trong tình yêu đôi lứa.

Nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn hào hứng: Tôi quay rất nhiều phim chiến tranh nhưng đây là mội bộ phim tôi cảm thấy thú vị hơn cả bởi ngoài chuyện chiến tranh, phim còn có những câu chuyện tình yêu. Với phim này, phần tạo hình đòi hỏi làm sao để ngoài những hình ảnh ác liệt phải có thêm yếu tố “mềm mại”, lãng mạn của câu chuyện tình yêu. Đoàn làm phim phải cầu kỳ chọn không gian làm sao vừa tạo ra sự ác liệt phải vừa đẹp, thơ mộng. Để thể hiện những yếu tố lãng mạn, tính nhân văn trong các câu chuyện, con người, đoàn làm phim đã phải lên tận Sơn La quay cảnh sương mù, suối, thác nước…

Sức trẻ, nhiệt huyết làm nên thành công

Làm phim truyền hình trong thời điểm còn nhiều khó khăn, kinh phí eo hẹp, bối cảnh và thời gian câu chuyện trải dài, ngoài việc tái hiện nhiều chi tiết hấp dẫn thì các yếu tố kỹ thuật chính là “bệ đỡ” quan trọng cho một bộ phim về đề tài chiến tranh.

Đồng hành cùng đạo diễn Bùi Tuấn Dũng trong dự án này là một ê kíp ăn ý từng sát cánh bên nhau hàng chục năm nay trong nhiều dự án phim. Đó là Giám đốc hình ảnh Lý Thái Dũng, nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn - nhà quay phim hàng đầu phía Bắc hiện nay, từng quay hàng chục phim chiến tranh; Phan Trọng Bích - một người làm khói lửa tốt nhất; họa sĩ thiết kế Vũ Anh Tú cùng các thành phần khác như đạo cụ, dựng cảnh, hiệu ứng khói lửa, hóa trang, phục trang, kỹ xảo, nhạc phim…

Quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng, trong đó có những gương mặt mới đầy triển vọng như Nguyễn Mạnh Trường (vai Hoàng trong "Bí mật tam giác vàng") hay diễn viên kỳ cựu như Hoàng Hải (vai tướng Dinh trong "Những người viết huyền thoại"), "Đường lên Điện Biên" còn có nhiều diễn viên trẻ, trong đó nhiều gương mặt mới. Bùi Tuấn Dũng chọn diễn viên theo tiêu chí “cùng xây dựng nên nhân vật chứ không dựa vào tên tuổi của diễn viên tạo dấu ấn cho phim”.

Phim có bối cảnh quay trải dài trên từ Hà Nội đến Điện Biên, Sơn La, Yên Bái… Bởi vậy với những người trẻ lớn lên trong thời bình như đạo diễn Bùi Anh Tuấn và nhiều thành viên trong đoàn phim thật khó để tái tạo ra không gian của hơn nửa thế kỷ trước. Hơn nữa, được thực hiện trong thời gian gấp rút chỉ vài tháng từ trước và sau Tết Giáp Ngọ để kịp lên sóng vào đúng dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên, đoàn làm phim đã phải làm việc rất nghiêm túc, miệt mài, áp lực thời gian căng thẳng với sự đầu tư không nhỏ về bối cảnh.

Chia sẻ về những khó khăn khi làm phim, Giám đốc hình ảnh Lý Thái Dũng cho biết: Đoàn làm phim khai thác mọi ngả đường dẫn đến Điện Biên - một hành trình khắc nghiệt, cam go nhưng hào hùng. Sau 60 năm sau, bối cảnh đã khác xa, nhiều cánh rừng không còn như xưa, chỉ còn một vài nơi như K9, rừng Đại tướng... buộc người quay phim phải chú ý từng góc máy để không lẫn vào các cảnh hiện đại. Khó khăn khác trong quá trình làm phim "Đường lên Điện Biên" còn ở phần tái hiện âm thanh, sử dụng vũ khí quân dụng vừa hiệu quả, vừa an toàn cho diễn viên. Gần 100 diễn viên tham gia phim, quay ở nhiều bối cảnh, các cảnh quay có sử dụng khói lửa, quả nổ rất dễ xảy ra tai nạn. Tuy nhiên, sự cầu kỳ về đạo cụ, sự mạo hiểm khi chọn bối cảnh hiểm trở đã góp phần tạo nên những cảnh quay chân thực về những người lính năm xưa.


Mỹ Bình
'Ký ức Điện Biên' – Tái hiện lịch sử một thời máu lửa
'Ký ức Điện Biên' – Tái hiện lịch sử một thời máu lửa

Đã 60 năm trôi qua kể từ dấu mốc lịch sử: Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu – chấn động địa cầu”, nhưng ký ức về một thời máu lửa hào hùng và cả những mất mát, hy sinh vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của những người lính Điện Biên năm xưa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN