Để được công nhận là di tích không dễ dàng gì và những người dân sống trong di tích, là chủ di tích cũng thấy tự hào. Nhưng tại sao họ lại sẵn sàng từ chối vinh quang của gia tộc, dòng họ, từ bỏ niềm tự hào là chủ nhân di sản?
Kể từ lần sửa chữa cuối cùng được ghi lại trên nóc nhà thờ là năm 1939, đến nay đã hơn 70 năm, nhà thờ Liêm quận công Nguyễn Khả Trạc (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) đã không được tu sửa, trong khi đường thì đã nâng cao hơn hàng mét. Lo lắng tình trạng ngập lụt này kéo dài sẽ làm hỏng nhà thờ, dòng họ Nguyễn Khả ở Mai Dịch đã kiến nghị, xin phép được cho tu sửa, nâng nền nhà thờ lên.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND xã khi đó nói rằng, đã đề nghị nhiều, song vẫn chưa được quan tâm. Và vì là di tích lịch sử văn hóa, nên không thể tự ý sửa chữa, tu bổ hay thay đổi hiện trạng, dù ai bỏ tiền ra thì cũng vẫn phải làm đúng theo quy trình và theo Luật Di sản. “20 năm trước, kinh tế còn khó khăn, chúng tôi làm hồ sơ di sản, những mong có tiền đầu tư cho nhà thờ tổ để được tự hào với bà con, xứng đáng với những đóng góp của cụ Trạc với đất nước. Nhưng suốt từ năm 1995 tới nay, chúng tôi chỉ được mỗi cái danh, không nhận được sự đầu tư nào của nhà nước. Nhà thờ thì ngày một xuống cấp, nước ngập tràn lan. Nếu cứ úng lụt mãi nhà thờ sẽ bị mục nát, hư hỏng, rồi hệ quả tất yếu là mất nhà thờ cụ Nguyễn Khả Trạc, khi đó con cháu cụ Trạc thiệt thòi, rồi khu phố, thành phố, đất nước mất đi một điểm văn hóa… Như thế này, dòng họ chúng tôi sẵn sàng trả lại bằng di tích để chúng tôi tự quyên góp tiền, tự do sửa chữa và tự gìn giữ di sản cha ông cho con cháu đời sau” - ông Nguyễn Khả Thị bức xúc.
Vẫn có những ngôi nhà xây mới mọc lên trong làng cổ.Ảnh: Lê Phú |
Nếu như với đền thờ của cụ Nguyễn Khả Trạc, bức xúc là do di tích không được tu sửa, bị xuống cấp, thì đối với bà con sống ở vùng làng cổ Đường Lâm nỗi bức xúc dẫn đến việc muốn trả lại danh hiệu lại xuất phát từ nguyên nhân khác. Bà Kiều Thị Tỵ, ở Đường Lâm, tâm sự: “Khi làng được công nhận là "Di tích quốc gia", chúng tôi vui mừng lắm vì nghĩ cả đất nước quan tâm đến xã mình. Cán bộ xã nói sẽ thu hút khách du lịch, nhân dân được hưởng lợi từ đó, đời sống sẽ nâng lên. Nhưng thực tế từ đó đến nay chỉ có 12 gia đình có nhà cổ được nhận tiền hỗ trợ hàng tháng, còn toàn bộ các hộ dân còn lại không được hỗ trợ gì… Những gia đình có nhà cổ thì được hỗ trợ tiền để sửa sang, còn chúng tôi lại không có quyền tự do xây dựng, sửa sang nhà cửa trên chính mảnh đất của gia đình mình... Vậy thì lý do gì chúng tôi lại phải hy sinh cho lợi ích của người khác như vậy?”.
Theo lời Bí thư Chi bộ thôn Mông Phụ Hà Huy Mão, thì chi bộ ông chưa bao giờ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vì động cái gì cũng vi phạm. Dân trong làng lúc nào cũng bức xúc bởi họ không biết phải chịu đựng tình cảnh này cho đến khi nào nữa. 9 năm qua, kể từ khi làng cổ Đường Lâm đạt danh hiệu Di tích cấp Quốc gia, đời sống nhân dân chưa được cải thiện nhiều, trong khi phải chịu quá nhiều thiệt thòi.
Người dân trong làng không được xây dựng nhà cửa vì như vậy sẽ phá vỡ không gian làng cổ, nhưng đất thì chỉ có vậy, trong khi gia đình nào cũng ngày càng sinh sôi, con cháu đến tuổi lập gia đình. Thực tế cho thấy, có tới 300/400 hộ dân trong vùng lõi di sản làng cổ Đường Lâm có nhu cầu về nhà ở, nhưng chính quyền không có điều kiện giãn dân, để cải thiện điều kiện sinh hoạt bà con chỉ có cách xây lên cao hơn, cơi nới rộng ra… nhưng khi xin xây, sửa, chỉ nhận được một câu trả lời là phải chờ đợi, mà chờ đến bao giờ thì… không biết. Nếu xây dựng, thì cũng chỉ được xây nhà cấp bốn, bằng vật liệu truyền thống như tre, gỗ. Về chuyện này, nhiều hộ dân than trời, bởi làm nhà gỗ thời nay thì chỉ những người có nhiều tiền mới có khả năng, chứ nông dân nghèo thì lấy đâu ra mà làm. Vậy là nhiều nhà dân “phá rào”, xây nhà gạch, mái bê tông. Rồi khi bà con xây, chính quyền lại cho người đến phá, dỡ, cắt điện, cắt nước, khiến cuộc sống vốn đã không dễ dàng thì lại càng cơ cực hơn.
Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng bức xúc như hiện nay chính là việc thực thi, xử lý chưa nghiêm túc của lãnh đạo địa phương. Cùng là trong vùng di sản, nhưng có nhà dân khi sửa sang, cơi nới thì bị cấm, cưỡng chế phá dỡ, trong khi đó, vẫn có hàng chục ngôi nhà 2-3 tầng ở trong vùng di tích vẫn chưa thấy bị xử lý. Có nhà xây gác xép thì không sao, nhưng nhà khác xây gác xép giống hệt như vậy thì lại bị yêu cầu tháo dỡ. Mới đây, chính UBND thị xã Sơn Tây vừa cho xây Trường THCS Đường Lâm cao 3 tầng, lợp mái tôn chống nóng, vi phạm nghiêm trọng quy định bảo tồn làng cổ… Chính việc xử lý không công bằng, không dân chủ như vậy đã khiến cho người dân bất bình, mất lòng tin.
Điều khiến bà con bất bình nữa, là từ khi làng Đường Lâm được công nhận là di tích quốc gia, có một Ban quản lý di tích ra đời, tổ chức thu phí vào tham quan du lịch trong làng, với giá 20.000 đồng/người. Mỗi năm có hàng chục vạn khách đến Đường Lâm, số tiền thu được lên đến nhiều tỷ đồng, một con số rất lớn, nhưng ngoài mấy hộ có nhà cổ được hỗ trợ tiền trà nước mỗi tháng 200.000 - 400.000 đồng, còn lại bà con Đường Lâm chưa được hưởng lợi gì cả. Tất cả những sự bất hợp lý này đã dẫn đến tình trạng nhiều người dân ký vào lá đơn xin trả lại danh hiệu “Di tích quốc gia làng cổ Đường Lâm”, từ chối vinh quang để được trở lại cuộc sống yên bình như xưa.
Phương Hà
Bài cuối: Tìm một cơ chế mở